Tiếp tục đẩy mạnh triển khai dịch vụ thuế điện tử
Tại hội nghị giao ban trực tuyến của Bộ Tài chính đánh giá tình hình thực hiện công tác 7 tháng và triển khai các trương trình kế hoạch công tác tháng 8 và những tháng còn lại của năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc yêu cầu ngành Thuế cần đẩy nhanh việc triển khai hóa đơn điện tử, qua đó vừa đáp ứng yêu cầu của luật pháp thuế, vừa ngăn chặn được các hành vi vi phạm về hóa đơn, góp phần tăng thu cho ngân sách.
Đại diện lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, tại dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ, Bộ Tài chính đã đưa ra quy định Cục Thuế có trách nhiệm khai thác cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử để chỉ đạo, kiểm soát chi cục Thuế trong công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Các chi cục Thuế có trách nhiệm khai thác cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, được khởi tạo từ máy tính tiền, để kiểm soát việc kê khai doanh thu của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đảm bảo phù hợp với các yếu tố chi phí trong kỳ khai thuế.
Về giải pháp, máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế là thiết bị điện tử đồng bộ hay một hệ thống nhiều thiết bị điện tử được kết hợp với nhau bằng một phần mềm bán hàng có chức năng chung như: Tính tiền, lưu trữ các thao tác bán hàng, số liệu bán hàng, in hóa đơn, tra cứu giao dịch, báo cáo giao dịch và được kết nối chuyển dữ liệu đến cơ quan thuế theo định dạng chuẩn bằng phương thức điện tử. Hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền, kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế, được cấp mã của cơ quan thuế theo tiêu chuẩn hệ thống cấp mã của Tổng cục Thuế.
Đối tượng áp dụng gồm các tổ chức, cá nhân (không bao gồm hộ khoán) hoạt động trong lĩnh vực trung tâm thương mại, siêu thị, quán ăn uống, nhà hàng, khách sạn, bán lẻ thuốc tân dược, dịch vụ vui chơi - giải trí, đại lý bán lẻ hàng tiêu dùng…
Riêng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tại địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, trong trường hợp không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, không có hạ tầng công nghệ thông tin, không có phần mềm kế toán, không có phần mềm lập hóa đơn điện tử để lập hóa đơn điện tử và để truyền dữ liệu điện tử đến người mua và đến cơ quan thuế thì sử dụng hóa đơn giấy do Cục Thuế đặt in trong thời gian tối đa 12 tháng, đồng thời cơ quan thuế có giải pháp chuyển đổi dần sang áp dụng hóa đơn điện tử.
Trả lời báo chí mới đây, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Hỗ trợ người nộp thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, cơ quan Thuế đang tiếp tục nâng cao hiệu quả trong công tác hỗ trợ người nộp thuế nhanh chóng tiếp cận, hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ tài chính về thuế của Nhà nước.
Trong đó, hiện Tổng cục Thuế đang hoàn chỉnh dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định số 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn chứng từ; đồng thời, đang nghiên cứu các giải pháp công nghệ, xây dựng thiết kế tổng thể hệ thống quản lý hóa đơn điện tử đáp ứng quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
Để hoàn thiện cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử, thời gian tới, ngành Thuế sẽ đẩy mạnh triển khai một số dịch vụ thuế điện tử cho người nộp thuế và công tác hỗ trợ trực tiếp cho từng người, mang tính cá thể hóa, kết nối 1:1 giữa người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế, được gọi là “cửa sổ thuế”, trực tiếp giải đáp, hướng dẫn nhanh chóng, kịp thời những nội dung về chính sách thuế và thủ tục hành chính.
Cùng với đó, Tổng cục Thuế đang tích cực triển khai xây dựng các hướng dẫn chi tiết cũng như cơ sở hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin để việc thực hiện triển khai được hiệu quả và thông suốt.
Theo dự kiến, Hệ thống hóa đơn điện tử sẽ được thực hiện triển khai trước tại 6 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, TP. Hải Phòng, Phú Thọ và Bình Định trong những tháng cuối năm 2021, trước khi triển khai trên toàn quốc, đảm bảo thời hạn đúng theo quy định tại Nghị định số 123/2020 của Chính phủ.