Tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động, có trọng tâm, trọng điểm

PV

Tại Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tài khóa chủ động, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh

Trước ngày 10/02/2023, các bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao ban hành Chương trình, Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ
Trước ngày 10/02/2023, các bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao ban hành Chương trình, Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ

Nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 3/2/2023 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023 trực tuyến với địa phương nêu rõ, Chính phủ thống nhất đánh giá trong tháng 1, nền kinh tế trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do chịu tác động kép bất lợi cả từ bên ngoài và từ nội tại, ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực và đời sống nhân dân. Tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 tiếp tục chuyển biến tích cực mặc dù trong tháng có các kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2023 kéo dài. 

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo xuyên suốt, kịp thời của Đảng; sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương chỉ đạo, điều hành đúng hướng, quyết liệt, linh hoạt, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và tổ chức đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 cho Nhân dân trong không khí vui tươi, đầm ấm, sum vầy, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Sau kỳ nghỉ Tết, từ những ngày làm việc đầu tiên, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã khẩn trương triển khai nhiệm vụ công tác, không để chậm trễ, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/01/2023.

Nhờ đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,52% so với tháng 12/2022, chủ yếu do giá hàng hóa, dịch vụ tăng theo quy luật tiêu dùng vào dịp Tết; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; Thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá ổn định hơn; Thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 12,31% dự toán, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2022. Cán cân thương mại tháng 01 xuất siêu khoảng 3,6 tỷ USD. Vốn FDI đăng ký mới đạt 1,2 tỷ USD, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước...

Tuy nhiên, dự báo thời gian tới thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn; cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn, xung đột Nga-Ukraine tiếp tục kéo dài; một số nền kinh tế lớn tiếp tục suy giảm tăng trưởng và đối diện với nguy cơ suy thoái kinh tế...

Ở trong nước, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, bão lũ… tiếp tục diễn biến khó lường khiến cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực, nhất là trong quý I và đầu năm 2023.

Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ và Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Với tinh thần chủ đề điều hành của năm 2023 là “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, Chính phủ thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát tình hình, chủ động có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả với tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã đề ra...

Điều hành chính sách tài khóa chủ động, có trọng tâm, trọng điểm

Tại Nghị quyết này, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tài khóa chủ động, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần giảm bớt áp lực chi phí đầu vào, giảm giá đầu ra để kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện cho chính sách tiền tệ có thể điều hành tín dụng, lãi suất ở mức hợp lý, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Bộ Tài chính cần bám sát diễn biến, tình hình giá cả thị trường, chủ trì, phối hợp cùng với các bộ, cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp quản lý, điều hành giá linh hoạt, thận trọng, kịp thời, hiệu quả theo thẩm quyền và quy định hiện hành, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân...; kịp thời tham mưu, đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2023 dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối chia sẻ dữ liệu để phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, đảm bảo an ninh tiền tệ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 330/TB-VPCP ngày 18/10/2022. Tăng cường công tác quản lý thu thuế đối với một số ngành nghề, lĩnh vực đặc thù, nhất là dịch vụ ăn uống, trên cơ sở ứng dụng công nghệ số và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.

Triệt để cắt giảm các khoản chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách như đi công tác, khánh tiết, hội thảo, hội nghị...; Sớm hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế trước ngày 10/02/2023. Đồng thời, khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành TPDN, nhất là trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2023.

Bộ Tài chính chủ động có biện pháp theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền các biện pháp phù hợp trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” theo đúng quy định pháp luật để bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư.

Căn cứ Kết luận của Bộ Chính trị, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai hiệu quả việc cơ cấu lại Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo các nội dung được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Về việc sử dụng nguồn tăng thu NSĐP năm 2022, Bộ Tài chính khẩn trương có văn bản hướng dẫn các địa phương theo quy định của Luật NSNN. Trong đó, cần chủ động dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương và tập trung cho đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; hoàn thiện phương án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định...