Tiếp tục đổi mới công tác thanh tra, giám sát thị trường liên ngân hàng
Thời gian qua, trên cơ sở tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã có nhiều chuyển biến tích cực, hoạt động an toàn, hiệu quả hơn.
Đóng góp vào kết quả trên là nhờ sự tăng cường đổi mới công tác thanh tra, giám sát thị trường ngân hàng để ngăn chặn, phát hiện kịp thời và xử lý kiên quyết các rủi ro, tồn tại và yếu kém của các tổ chức tín dụng (TCTD).
Chuyển biến tích cực trong công tác thanh tra, giám sát
Công tác thanh tra tại chỗ đã chuyển từ thanh tra đơn lẻ sang thanh tra toàn diện pháp nhân TCTD. Theo đó, các cuộc thanh tra tại chỗ đã được mở rộng cả về quy mô và phạm vi, từ đó kết quả thanh tra có thể đánh giá tổng thể hơn về pháp nhân TCTD.
Đặc biệt, hình thức thanh tra tại chỗ cũng được thay đổi phù hợp với đổi mới phương pháp thanh tra. Nội dung thanh tra tại chỗ được mở rộng, tập trung một số vấn đề trọng tâm, trọng điểm; nội dung thanh tra được đưa vào kế hoạch thanh tra hàng năm trong toàn hệ thống.
Công tác giám sát trên thị trường liên ngân hàng cũng được tổ chức ngày càng tốt hơn. Trước đây, công tác giám sát từ xa thiếu tính chặt chẽ; chưa thực sự nêu lên hay chỉ ra được những TCTD có nguy cơ rủi ro cao, cần cảnh báo đưa vào “danh sách đen” để tiến hành thanh tra tại chỗ.
Đến nay, công tác giám sát đã từng bước được quan tâm với vai trò là công cụ hữu hiệu định hướng, dẫn dắt, chỉ điểm, hỗ trợ triển khai các hoạt động thanh tra tại chỗ. Việc theo dõi, giám sát và xử lý kiến nghị sau thanh tra nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngày càng tốt hơn, góp phần nâng cao trật tự, kỷ cương trên thị trường liên ngân hàng.
Bên cạnh đó, trong những năm qua, việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách trong hoạt động thanh tra, giám sát thị trường liên ngân hàng cũng được chú trọng triển khai. Nổi bật là các văn bản chính sách sau: Thông tư số 98/2017/TT-NHNN ngày 1/8/2017 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng và Sổ tay giám sát ngân hàng, giúp chuẩn hóa và thống nhất nội dung, trình tự, thủ tục giám sát TCTD trong toàn hệ thống; Thông tư số 04/2018/TT-NHNN ngày 12/3/2018 của NHNN sửa đổi, bổ sung quy định về áp dụng can thiệp sớm trong giám sát ngân hàng, góp phần kịp thời xử lý vi phạm, hạn chế rủi ro cho đối tượng giám sát ngân hàng; Quyết định số 20/2019/QĐ-TTg ngày 12/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc NHNN Việt Nam…
Thực tế cho thấy, công tác thanh tra, giám sát ngân hàng tiếp tục được đổi mới, từng bước chuyển dần từ giám sát tuân thủ sang kết hợp giữa giám sát tuân thủ và giám sát trên cơ sở rủi ro. Nhờ đó, hoạt động thanh tra, giám sát thị trường liên ngân hàng đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần đảm bảo an toàn, ổn định của các TCTD, nâng cao trật tự, kỷ cương và hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác thanh tra, giám sát ngân hàng đã gặp phải những khó khăn, thách thức như: Hệ thống luật và cơ chế, chính sách bổ trợ cho việc thực hiện quy trình thanh tra được an toàn và hiệu quả còn chưa hoàn thiện và thiếu tính đồng bộ; Việc thực hiện theo các bước, các nội dung yêu cầu của quy trình thanh tra tại chỗ đôi khi chưa được bài bản và đầy đủ dẫn đến một số kết luận thanh tra còn hạn chế; Năng lực giám sát của NHNN chưa theo kịp tốc tộ phát triển nhanh chóng của thị trường liên ngân hàng…
Tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát thị trường liên ngân hàng
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, thời gian tới cần hoàn thiện, đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách đầy đủ, phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế nhằm nâng cao chất lượng của hoạt động thanh tra, giám sát.
Đồng thời, tăng cường năng lực thể chế, nâng cao vị thế, tính tự chủ và trách nhiệm giải trình của NHNN, trong đó có giải pháp cơ cấu lại tổ chức của hệ thống NHNN theo hướng tinh gọn, chuyên môn hóa cao, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, điều hành.
NHNN cần nghiên cứu, hoàn thiện chức năng giám sát đối với các hệ thống thanh toán quan trọng trong nền kinh tế, phù hợp các chuẩn mực giám sát quốc tế; giám sát hiệu quả các hoạt động thanh toán xuyên biên giới, thanh toán quốc tế; giám sát việc cung ứng các phương tiện, dịch vụ thanh toán mới.
Bên cạnh đó, tăng cường sự phối hợp công tác, chia sẻ thông tin giữa cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng và các cơ quan bảo vệ pháp luật trong hoạt động thanh tra, giám sát hệ thống tài chính để bảo đảm an toàn, ổn định hệ thống tài chính.
Cùng với đó, đổi mới phương pháp thanh tra, giám sát theo hướng chuyển nhanh và mạnh từ thanh tra tuân thủ sang thanh tra trên cơ sở rủi ro, gắn kết chặt chẽ với giám sát trên cơ sở rủi ro, từng bước áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; tăng cường thanh tra toàn diện.
Ngoài triển khai các nội dung trên, cần chú trọng nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và nguồn nhân lực giám sát. Đồng thời, tăng cường hiệu quả của hệ thống giám sát, đánh giá và cảnh báo sớm rủi ro đối với một hoặc một nhóm các TCTD ngay cả khi thực hiện thanh tra tại chỗ TCTD đó.