Tiếp tục miễn, giảm lãi, phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân vay vốn
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng khung Chương trình hành động gồm 8 hạng mục chính với hơn 50 đầu mục công việc dự kiến từ nay đến cuối năm để thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ (Nghị quyết 63).
Tăng quy mô gắn với nâng cao chất lượng tín dụng
Thực hiện Nghị quyết 63 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, trong tháng 7, Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng (TCTD).
Tiếp tục điều hành các giải pháp kiểm soát quy mô tăng trưởng tín dụng của hệ thống gắn với nâng cao chất lượng tín dụng và quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng của nền kinh tế; chỉ đạo TCTD tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Đồng thời, tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù cho ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách.
Trong quý III và IV/2021, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp UBND các tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng, khu vực kinh tế tổ chức Chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; phối hợp các Bộ, ngành, địa phương tổ chức các Hội nghị về: tín dụng đối với ngành thủy sản; cho vay đóng mới, nâng cấp tàu và mở rộng tín dụng ngân hàng góp phần hạn chế tín dụng đen.
Cùng với đó là các biện pháp giám sát, an toàn hoạt động của các TCTD, trong đó chú trọng rủi ro hoạt động và chất lượng tín dụng; tích cực triển khai các biện pháp giám sát, kiểm soát và xử lý nợ xấu…
Tiếp tục miễn, giảm lãi, phí, hỗ trợ doanh nghiệp
Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm, lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và Thông tư số 03/2021/TT-NHNN. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc cho vay của TCTD đối với Vietnam Airlines; tái cấp vốn cho TCTD cho vay Vietnam Airlines.
Đồng thời, có giải pháp cụ thể để hệ thống TCTD tiếp tục giảm lãi suất cho vay, góp phần hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ thường xuyên phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó có chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.
Theo kế hoạch, trong tháng 7 và 8/2021, Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 26/2013/TT-NHNN về việc giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đến ngày 31/12/2021.
Công ty Cổ phần Thanh quốc gia Việt Nam (NAPAS) sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục áp dụng chính sách miễn phí chuyển mạch đối với các giao dịch thanh toán trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Nghiên cứu áp dụng giảm tối thiểu 50% phí chuyển mạch đối với các giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7 đối với các giao dịch có giá trị dưới 2 triệu đồng và có chính sách giảm phí hợp lý đối với giao dịch có giá trị từ trên 2 triệu đồng.
Ngân hàng Nhà nước cũng giao Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) tiếp tục chiết khấu 50% tiền khai thác sử dụng thông tin tín dụng đến hết ngày 31/12/2021; điều chỉnh giảm phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng đổi các giao dịch chuyển tiền nhanh 24/7 qua NAPAS và giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng.
Đơn giản hóa các quy trình, thủ tục vay vốn
Để tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát quy định pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng để đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định gây khó khăn, vướng mắc cho đầu tư, sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội.
Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ chỉ đạo các TCTD tiếp tục đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, tạo điều thuận lợi cho người dân, DN trong việc tiếp cận vốn tín dụng, góp phần hạn chế tín dụng đen.
Theo kế hoạch, trong năm 2021, Ngân hàng Nhà nước sẽ phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 và thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money.
6 tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, các công cụ chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được điều hành theo hướng chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Trước đó, triển khai Nghị quyết số 63, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị trực tuyến để bàn các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế trước tác động của COVID-19. Tại đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú yêu cầu hệ thống ngân hàng tiếp tục hỗ trợ cho DN trên tinh thần tích cực, thực chất. Đặc biệt, hỗ trợ doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo an toàn, duy trì năng lực tài chính cho ngân hàng, cho cả hệ thống và toàn bộ nền tài chính quốc gia./.