Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được đề ra trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Để thực hiện nhiệm vụ, giải pháp này, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan và địa phương rà soát, đề xuất sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo hướng lấy tiết kiệm là mục tiêu, chống lãng phí là nhiệm vụ, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi; tập trung xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu; quy định cụ thể hành vi vi phạm, hình thức xử lý.
Bên cạnh đó, chú trọng rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật trong các lĩnh vực có liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực như đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tín dụng, quản lý tài sản công, đầu tư công, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Sửa đổi, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá, chế độ chi tiêu công làm căn cứ để giảm hao phí trong sử dụng vốn, tài sản, tài nguyên, lao động, thời gian lao động, nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đáng chú ý, để thực hiện nhiệm vụ này, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương rà soát, đề xuất sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (thời hạn trước năm 2025). Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Bộ Tài chính cũng khẩn trương rà soát, nghiên cứu sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật liên quan phù hợp với thực tiễn theo hướng đổi mới cơ chế phân cấp ngân sách, cơ bản khắc phục tình trạng lồng ghép trong quản lý ngân sách nhà nước, tăng vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương; đẩy mạnh phân cấp, khuyến khích các địa phương sáng tạo, tăng thu, huy động các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, tạo sự chủ động và tự chịu trách nhiệm cho chính quyền địa phương trong việc quyết định, sử dụng ngân sách. Nghiên cứu, đổi mới việc phân bổ chi thường xuyên nguồn ngân sách nhà nước theo kết quả đầu ra khi sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước.