Tiêu chuẩn lao động thời 4.0
Nước ta đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ trong thời đại 4.0. Quá trình này mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển. Tuy nhiên, việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, năng suất lao động thấp đang là thách thức. Thậm chí, sức ép giải quyết việc làm gia tăng, lao động của một số ngành sẽ có nguy cơ mất việc làm vì nước ta có quy mô dân số lớn nhưng chất lượng lao động thấp.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên 3 lĩnh vực chính: Kỹ thuật số, công nghệ sinh học; robot thế hệ mới, xe tự lái, các vật liệu mới... Theo dự báo của các chuyên gia, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là nền tảng để kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế tri thức; làm thay đổi cơ bản khái niệm đổi mới công nghệ, trang thiết bị trong các dây chuyền sản xuất.
Đặc biệt, nền công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra những thay đổi lớn về cung - cầu lao động. Các nhà kinh tế và khoa học cảnh báo, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường lao động sẽ bị thách thức nghiêm trọng giữa cung và cầu lao động cũng như cơ cấu lao động. Trong một số lĩnh vực, với sự xuất hiện của robot, số lượng nhân viên cần thiết sẽ chỉ còn 1/10 so với hiện nay. Như vậy, 9/10 nhân lực còn lại sẽ phải chuyển nghề hoặc thất nghiệp.
Và trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều ngành nghề sẽ biến mất nhưng lại có những công việc mới ra đời. Trước xu thế máy móc tự động hóa thay thế con người, nguồn nhân lực phải trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cách mạng công nghiệp 4.0. Những ngành nghề sử dụng lao động phổ thông ở mức độ đào tạo đơn giản sẽ chịu tác động lớn và nguy cơ thất nghiệp do sự phát triển của công nghệ tự động và trí tuệ nhân tạo.
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra trong bối cảnh hội nhập hiện nay là việc đào tạo ở bậc học đại học chưa thực sự gắn chặt với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, việc lựa chọn nghề nghiệp theo học mang nhiều cảm nhận chủ quan.
Dự báo quốc gia về nhu cầu lao động trong tương lai chưa có, vì thế dẫn tới tình trạng mất cân đối trong đào tạo nghề, và tiếp theo sẽ là thừa cung lao động trong một số nghề và thiếu lao động trong nhiều nghề khác - những nghề mà hiện nay rất ít học sinh nộp hồ sơ dự học, nhưng lại rất cần thiết đối với sự phát triển của đất nước.
Một trong những đặc thù của cách mạng 4.0 là kết nối và chia sẻ dữ liệu. Lẽ ra, các trường nghề, trường đại học phải dạy học viên khả năng tích hợp được nhiều kiến thức bằng phương pháp hiện đại thì hiện nay vẫn nhiều trường vẫn theo cách giảng cũ, cách tư duy cũ. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp cho rằng khó kỳ vọng sinh viên ra trường có thể làm việc được ngay, bởi không có trường đại học nào có thể đào tạo theo kịp được phát triển hiện nay.
Đơn cử, đào tạo đại học chỉ mang tính chất căn bản, cách tư duy và cách thức hòa nhập vào môi trường, doanh nghiệp mới là nơi đào tạo nguồn nhân lực cho mình và cho xã hội. Việc đào tạo cũng cần tiếp cận theo hướng đa ngành thay vì chuyên ngành như trước đây, đồng thời học không có nghĩa là nghe theo, học thuộc mà cần tăng sự phản biện của người học… mới đáp ứng được yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.