Tiêu thụ than thế giới cao kỷ lục, đe dọa các mục tiêu giảm phát thải

Theo Kim Ngân/nhadautu.vn/CNBC

Sản lượng điện than của thế giới năm nay được dự báo sẽ cao kỷ lục, làm suy yếu nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Giá than hiện dao động quanh mức 168 USD/tấn, tăng hơn gấp đôi so với mức đầu năm. Ảnh: Reuters
Giá than hiện dao động quanh mức 168 USD/tấn, tăng hơn gấp đôi so với mức đầu năm. Ảnh: Reuters

Sản lượng điện than toàn cầu năm nay ước tính tăng 9% so với năm trước, lên mức đỉnh lịch sử 10.350 terawatt giờ, theo báo cáo Than 2021, ra hôm thứ Sáu, của IEA. Một terawatt bằng 1 nghìn tỷ watt.

IEA ước tính nhu cầu than thế giới có thể đạt mức cao mới trong năm tới - phụ thuộc vào thời tiết và tăng trưởng kinh tế - và có thể sẽ “duy trì ở mức đó trong hai năm tiếp theo”, cho thấy cần có các hành động chính sách mạnh mẽ và nhanh chóng.

Trung Quốc và Ấn Độ, các nước tiêu thụ lớn nhất, giữ vai trò quan trọng trong việc định hình nhu cầu than thế giới trong tương lai. Hai nền kinh tế này chiếm khoảng 2/3 tổng cầu. Năm 2021, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều được dự báo sẽ có sản lượng điện than cao kỷ lục, với mức tăng trưởng 9% ở Trung Quốc và 12% ở Ấn Độ, khi hai nền kinh tế này phục hồi từ đại dịch COVID-19.

Trong khi than có lẽ là mặt hàng ít được yêu thích nhất vì lượng khí thải carbon, loại nhiên liệu này gây chú ý năm nay trong bối cảnh năng lượng toàn cầu thiếu hụt. Giá than ở châu Á lên mức cao kỷ lục 269,5 USD/tấn hồi đầu tháng 10. Hiện giá dao động quanh mức 168 USD/tấn - tăng hơn gấp đôi so với mức 81 USD hồi đầu năm.

Lượng mưa lớn đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất và vận chuyển ở các nước sản xuất và xuất khẩu than lớn như Ấn Độ và Indonesia. Trong khi nguồn cung hạn chế, nhu cầu than toàn cầu tăng khi các nền kinh tế phục hồi từ đại dịch. Giá khí đốt tự nhiên tăng mạnh cũng làm tăng nhu cầu đối với điện than do điện than trở nên cạnh tranh hơn về giá, ngay cả ở châu Âu.

Sự thiếu hụt than đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung cấp điện ở Trung Quốc và Ấn Độ. Thiếu điện làm gián đoạn hoạt động sản xuất trong nhiều ngành công nghiệp, dẫn đến sự tăng giá của các mặt hàng khác, trong đó có nhôm và magiê - những sản phẩm mà sản xuất tốn nhiều điện. Cuộc khủng hoảng đã thúc đẩy Trung Quốc tăng cường sản xuất than trong nước.

IEA dự báo sản lượng than toàn cầu sẽ đạt mức cao kỷ lục vào năm 2022, sau đó sẽ ổn định khi cầu đi ngang.

Than thường được gọi là nguồn phát thải carbon lớn nhất. Giảm sử dụng than đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực đạt được các mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Trung Quốc có khả năng sẽ giảm dần việc sử dụng than từ năm 2026, một phần của nỗ lực cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, có nghĩa là mức tiêu thụ của nước này sẽ đạt đỉnh vào năm 2025 và bắt đầu giảm sau đó. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết lượng khí thải của Trung Quốc sẽ đạt mức cao nhất trước năm 2030 và nước này sẽ đạt được “trung hòa carbon” vào 2060.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết trong hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 gần đây rằng nước ông sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nhu cầu than tăng cao là mối đe dọa đối với các mục tiêu. Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cảnh báo trong một thông cáo: “Mức sản xuất điện than đạt đỉnh lịch sử năm nay là dấu hiệu đáng lo ngại về việc thế giới đang đi chệch trong nỗ lực giảm lượng khí thải hướng tới mức ròng bằng 0”.

“Nếu không có các hành động mạnh mẽ và ngay lập tức từ các chính phủ để giải quyết lượng phát thải than - theo cách công bằng, với giá cả phải chăng và an toàn cho những người chịu tác động - chúng ta sẽ có rất ít cơ hội, nếu có, để hạn chế sự nóng lên của trái đất ở mức 1,5 độ C (so với mức ở thời kỳ tiền công nghiệp”.

Báo cáo cho biết về than và khát vọng đạt được phát thải ròng bằng 0 của cộng đồng quốc tế, có khoảng cách lớn giữa tham vọng và hành động.