Tìm cơ chế khuyến khích doanh nghiệp khai thuế điện tử
(Tài chính) Trong năm 2014, ngành Thuế phấn đấu nâng tổng số doanh nghiệp (DN) khai thuế qua mạng Internet vượt mốc 300.000 DN. Hiện nay, Tổng cục Thuế đang nâng cấp đường truyền; cung cấp nhiều dịch vụ điện tử khác hỗ trợ người nộp thuế (NNT)về tra cứu thông tin về nghĩa vụ kê khai, nộp thuế, dịch vụ hỏi đáp điện tử; dịch vụ nộp thuế điện tử... Tuy nhiên, để đạt con số trên rất cần sự đồng thuận từ phía NNT.
Lợi ích kép...
Được triển khai thí điểm vào năm 2009 ở 4 tỉnh thành, phố là TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội và Bình Dương, đến nay dịch vụ khai thuế điện tử đã được mở rộng tại 63 tỉnh, thành phố; góp phần hiện đại hóa ngành Thuế, cải cách các thủ tục trong lĩnh vực thuế. Dịch vụ bước đầu đã phát huy lợi ích cho cả cơ quan Thuế và DN như: đảm bảo thông tin và số liệu khai thuế của NNT được gửi đến cơ quan Thuế một cách nhanh chóng, bảo mật và chính xác; giảm thiểu tình trạng quá tải tại cơ quan Thuế khi đến kỳ nộp hồ sơ khai thuế...
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam, kể từ ngày 1-7-2013 khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực thi hành, đã bổ sung nghĩa vụ của NNT trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao quản trị DN cũng như phát triển phương thức quản lý thuế điện tử như: Trường hợp NNT là tổ chức kinh doanh tại địa bàn có cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin phải thực hiện kê khai, nộp thuế, giao dịch với cơ quan quản lý thuế thông qua phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Đây cũng được coi là đột phá nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu cải cách, hiện đại hóa và hội nhập của ngành Thuế.
Tính đến nay, cả nước đã có hơn 293.000 DN tham gia khai thuế điện tử, với tổng số tờ khai thuế đã tiếp nhận và xử lý là 7,6 triệu tờ. Tổng cục Thuế đã phối hợp với Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) lần đầu tiên triển khai thí điểm phương thức nộp thuế điện tử, thực hiện nâng cao một bước cải cách, hiện đại hoá công nghệ quản lý thuế. Qua đó, tạo điều kiện cho NNT có thể nộp thuế tại bất cứ địa điểm nào, thời gian nào với điều kiện chỉ cần kết nối Internet, mở ra tiện ích giúp rút ngắn thời gian giao dịch thuế, góp phần cải cách thủ tục hành chính thuế.
...Nhưng DN chưa mặn mà
Thực tế vẫn có nhiều DN chưa mặn mà với dịch vụ khai thuế điện tử. Vẫn có DN lấy lý do hạ tầng công nghệ thông tin còn yếu nên truyền dữ liệu đến cơ quan Thuế gặp trục trặc; phần mềm kê khai chưa hoàn thiện nên máy hay báo lỗi sau khi gửi dữ liệu đến cơ quan Thuế… Một lý do quan trọng hơn là bản thân những người kế toán vì lợi ích cá nhân, không muốn kê khai thuế qua mạng. Tại nhiều DN nhỏ và vừa, đội ngũ nhân viên kế toán rất yếu cả về chuyên môn lẫn trình độ công nghệ thông tin nên chỉ muốn kê khai thuế phổ thông hơn là điện tử hóa.
Đơn cử như tại Đà Nẵng hiện mới có 6.815 DN đăng ký kê khai thuế qua mạng Internet (chiếm tỷ lệ trên 50% số DN đang hoạt động). Một trong những nguyên nhân được Cục Thuế Đà Nẵng chỉ ra là số DN còn lại chưa đăng ký qua mạng có quy mô quá nhỏ chưa chấp nhận được chi phí mua chữ ký số, trình độ kế toán hạn chế; hệ thống công nghệ thông tin đôi lúc chưa đáp ứng được yêu cầu: xảy ra sự cố nghẽn mạng, có thời điểm các DN không gửi được hồ sơ khai thuế qua mạng Internet...
Mặt khác, chính sách thuế thường xuyên sửa đổi, bổ sung làm cho cơ quan thuế và NNT mất nhiều công sức cho việc cập nhật. Việc sửa đổi, bổ sung chính sách thuế và phần mềm hỗ trợ kê khai đôi lúc không khớp đúng, khó sử dụng trong khi trình độ tin học của NNT còn hạn chế đã làm cho NNT lúng túng, khó khăn trong việc cập nhật thực hiện theo yêu cầu nâng cấp của cơ quan thuế.
Vấn đề đặt ra là cơ quan Thuế các cấp sẽ tăng cường công tác khai thuế qua mạng Internet theo hướng mở rộng đối tượng tham gia và chú trọng chất lượng, hạn chế tối đa việc gửi các báo cáo giấy. Phấn đấu hết năm 2014, có hơn 90% NNT là DN thực hiện nộp tờ khai thuế điện tử. Mở rộng triển khai nộp thuế qua hệ thống ngân hàng, đẩy mạnh tự động hóa quy trình tiếp nhận giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính thuế... nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, giảm số giờ về thủ tục hành chính về Thuế từ 1000 giờ/năm xuống còn 600 giờ/năm của Chính phủ.
Ngành Thuế cam kết sẽ đẩy mạnh việc tổ chức các hội nghị, tuyên truyền, vận động DN hưởng ứng tham gia; đồng thời sẽ mở rộng nhà cung cấp dịch vụ khai thuế điện tử (T-Van) để DN dễ dàng lựa chọn các gói giải pháp dịch vụ phù hợp với quy mô sản xuất, kinh doanh của DN mình; nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin để tránh tình trạng nghẽn mạng, quá tải gây khó khăn cho DN trong việc truy cập và kê khai thuế.