Lập “nhóm phản ứng nhanh” cho xuất khẩu nông sản
(Taichinh) - Bấy lâu nay, xuất khẩu nông sản vẫn gặp nhiều khó khăn do các doanh nghiệp nông sản trong nước quy mô nhỏ. Tuy nhiên, nếu người dân có đầy đủ thông tin thị trường và tuân thủ theo đúng quy trình sản xuất thì việc xuất khẩu nông sản sẽ thành công. Cụ thể đối với những lô hàng lớn theo từng container cần phải có cơ quan hướng dẫn bà con làm theo quy trình, đồng thời đặt hàng theo quy trình thì xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn.
Theo ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để xuất khẩu nông sản thành công, trước hết doanh nghiệp cần tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất của nông sản. Bởi hiện nay, vai trò của các doanh nghiệp trong việc cung cấp đầu vào và giải quyết đầu ra chưa tốt, doanh nghiệp thường áp giá với người nông dân cao hơn so với khả năng của họ, hơn nữa chi phí chế biến lại cao, gây thiệt thòi cho người nông dân.
Do đó, muốn giải quyết vấn đề xuất khẩu nông sản thì trước hết vấn đề thông tin thị trường phải đặt lên hàng đầu. Hiện nay, không chỉ nông dân mà ngay các nhà sản xuất cũng không nắm được đầy đủ các thông tin thị trường, không đầu tư đúng mức để điều tra, nghiên cứu thị trường, mà chỉ chạy theo những đơn hàng mang tính thời vụ...
Điều này gây khó khăn trong việc xuất khẩu khi tới đây thị trường sẽ được mở rộng hơn. Cụ thể là mới đây, ngày 6.5 Việt Nam - Hàn Quốc đã chính thức ký Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), mở ra một thị trường đầy tiềm năng. Ngoài ra, chúng ta cũng đang kỳ vọng sớm ký kết FTA Việt Nam - EU. Tuy nhiên, để các sản phẩm nông nghiệp bước chân vào các nước thì các doanh nghiệp trong nước phải nắm vững các yêu cầu về hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu. Do đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng cần tập hợp các đầu mối quản lý thương mại cho nông sản thành “nhóm phản ứng nhanh” để giải quyết linh hoạt các vấn đề phát sinh.
Thực tế, các vấn đề phát sinh liên quan đến thủ tục thương mại đã làm giảm sức cạnh tranh nông sản Việt. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đưa ra đề nghị cần xem xét lại hiệu quả của hoạt động xúc tiến thương mại không nên coi là việc của riêng các tham tán, thương vụ ở nước ngoài mà có vai trò quan trọng của bộ ngành trong nước.
Mạng lưới tham tán thương mại hiện nay khá rộng nhưng xử lý rất thụ động nhiều vấn đề thị trường cả ngắn hạn và dài hạn. Theo kiến nghị của đại diện nhiều hiệp hội về thương mại nông sản, cần phải có “nhóm phản ứng nhanh” cho xuất khẩu nông sản trong thời điểm hội nhập hiện nay. Nhóm công tác này sẽ tổ chức thường xuyên đối thoại với các hiệp hội, ngành hàng nhằm nắm bắt cụ thể, kịp thời yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường, thông qua đó sẽ tìm ra đối sách kịp thời và hiệu quả.