Hải quan Quảng Ninh:

Tìm giải pháp phát triển kinh tế cảng biển

PV.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh phương tiện vận tải qua cảng biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, ngày 7/6/2018, Cục Hải quan Quảng Ninh và Cảng vụ Quảng Ninh đã họp bàn tìm giải pháp.

Trong 5 tháng đầu năm 2018, số lượng doanh nghiệp tham gia XNK hàng hóa qua cảng biển của tỉnh Quảng Ninh tăng 41% so với cùng kỳ năm 2017 (đạt 286 doanh nghiệp)
Trong 5 tháng đầu năm 2018, số lượng doanh nghiệp tham gia XNK hàng hóa qua cảng biển của tỉnh Quảng Ninh tăng 41% so với cùng kỳ năm 2017 (đạt 286 doanh nghiệp)

Theo Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng: Một trong những thế mạnh của tỉnh Quảng Ninh là cảng nước sâu, có thể tiếp cận những tàu có trọng tải lớn vào giao nhận hàng hóa. Phát triển kinh tế cảng biển nằm trong những ưu tiên chiến lược của Tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) qua cảng biển Quảng Ninh những năm trở lại đây không ổn định và có xu hướng giảm.

“Cần tăng cường phối hợp giữa Cục Hải quan tỉnh và Cảng vụ Quảng Ninh để đánh giá đúng thực trạng hoạt động XNK hàng hóa, XNC phương tiện vận tải qua các cảng biển. Từ đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thu hút hãng tàu, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế cảng biển…”- Ông Khắng nhấn mạnh.

Đánh giá về thực trạng tình hình XNK qua các cảng biển, ông Nguyễn Văn Hường – Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh cho biết, năm 2017, số lượng doanh nghiệp có hoạt động XNK qua các cảng biển là 408 doanh nghiệp, giảm 10% so với năm 2016; kim ngạch XNK qua các cảng biển đạt 5,45 tỷ USD, giảm 3,8% so với năm 2016; số thu nộp NSNN qua cảng biển năm 2017 đạt 10.300,3 tỷ đồng (chiếm 94,15% tổng thu NSNN do Hải quan Quảng Ninh thực hiện), giảm 17% so với năm 2016.

Trong 5 tháng đầu năm 2018, nhờ những nỗ lực cải cách, đồng hành của tỉnh Quảng Ninh nói chung, Hải quan Quảng Ninh nói riêng, số lượng doanh nghiệp tham gia XNK hàng hóa qua cảng biển của tỉnh tăng 41% so với cùng kỳ năm 2017 (đạt 286 doanh nghiệp); Lượng phương tiện tàu thuyền XNK cũng tăng 62,2% so với cùng kỳ năm 2017 (đạt 6.738 phương tiện); Kim ngạch XNK qua cảng biển Quảng Ninh đạt 2,2 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, số thu nộp NSNN giảm 2,9% (đạt 3.085 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2017.

Số thu NSNN từ hoạt động XNK qua cảng biển có xu hướng giảm do một số nguyên nhân như: Mặt hàng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu tại cảng Cái Lân tăng mạnh trong các năm 2015, 2016 nhưng giảm mạnh (hầu như không phát sinh) trong năm 2017, 2018; mặt hàng máy móc, thiết bị phục vụ cho dự án tại cảng Cái Lân và Cẩm Phả giảm do các dự án Nhà máy nhiệt điện đã hoàn thiện và đi vào hoạt động, đến năm 2018 cơ bản đã hoàn thành; Mặt hàng than nhập khẩu tại cảng Cẩm Phả giảm; Xăng dầu nhập khẩu qua cảng Hòn Gai năm 2018 có xu hướng giảm và sẽ giảm mạnh khi dự án nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Dung Quất đi vào hoạt động…

Trong khi đó, ngoài các mặt hàng XNK truyền thống (xăng dầu, than, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, máy móc thiết bị NK phục vụ dự án đầu tư…) thì các cảng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh chưa thu hút được những nhóm hàng hóa mới như hàng bách hóa, ô tô, phụ tùng linh kiện phục vụ cho hoạt động sản xuất lắp ráp về làm thủ tục hải quan tại cảng.

Bên cạnh đó, cũng còn một số vấn đề cần khắc phục để thu hút các hãng tàu, hàng hóa về làm thủ tục tại các cảng của tỉnh Quảng Ninh như: nguồn hàng XK để cung cấp cho hãng tàu quay vòng; giá cước vận tải, xếp dỡ, phí lai dắt; cơ sở hạ tầng tại các cảng; hoạt động logistics, dịch vụ hậu cần cảng biển…

Đại diện Cảng vụ Quảng Ninh cho rằng, liên quan đến hoạt động hàng hải tại cảng biển Quảng Ninh, tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như: hiện nay, đoạn luồng hàng hải Hòn Gai – Cái Lân có độ sâu không đều, đây là điểm hạn chế trong tiếp nhận các tàu container cỡ lớn ra, vào cảng Quảng Ninh; việc xây dựng cảng biển Quảng Ninh thành đầu mối XNK hàng hóa đi các tỉnh phía Bắc cũng bị hạn chế khi dự án đường sắt từ Cái Lân đi Kép bị dừng, tuyến đường dang dở; hoạt động đại lý hàng hải yếu kém đặc biệt là dịch vụ đại lý hàng hải cho tàu khách quốc tế; hoạt động giới thiệu, quảng bá hình ảnh của các cảng biển Quảng Ninh còn hạn chế...

Để khắc phục những tồn tại trên, cần phát triển hơn nữa số lượng và chất lượng doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh tại khu công nghiệp cảng Cái Lân, đồng thời cần có những kênh thông tin, xúc tiến để chủ tàu và chủ hàng có thể dễ dàng tiếp cận được nhau.

Cùng với đó, cần làm việc với các hãng tàu để giảm chi phí cho doanh nghiệp gửi hàng qua 2 hãng tàu lớn (Zim, Huyndai) khi hàng hóa làm thủ tục tại cảng Cái Lân; làm việc với Công ty Cổ phần cảng Quảng Ninh và Công ty TNHH container quốc tế Cái Lân xem xét giảm giá các dịch vụ xếp dỡ tại cảng biển Quảng Ninh; tạm dừng không thu phí hạ tầng cảng biển tại cảng Vạn Gia….

Đồng  thời, UBND Tỉnh cần bố trí kinh phí đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp Cái Lân như sửa chữa tuyến đường nội bộ khu công nghiệp; làm lại hệ thống cống rãnh thoát nước đặc biệt tại các vị trí hay bị lụt úng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao; lắp đặt hệ thống đèn đường chiếu sáng từ cầu vượt đến khu vực cảng; đầu tư bãi đỗ xe chờ làm hàng rộng rãi, thuận tiện, giao cho cảng quản lý, không thu phí để không làm tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp; tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường trong khu công nghiệp nói chung và khu vực cảng nói riêng…

Về chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics, cần có chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí, hỗ trợ về thủ tục kêu gọi nhà đầu tư lớn về tỉnh Quảng Ninh để đầu tư hoạt động và là lực hút cho các nhà đầu tư vệ tinh.

Mặt khác, cần có cơ chế, chính sách thu hút và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp có năng lực về nguồn tài chính để đầu tư thành lập kho ngoại quan kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh để giúp tận dụng được lợi thế các cảng biển nước sâu cũng như làm tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh từ nguồn hàng nhập khẩu và nội địa.