Chính sách tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, do đó thời gian qua Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều cơ chế về chính sách tài chính hỗ trợ cho khu vực này. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện vẫn còn gặp phải những hạn chế nhất định trong việc huy động nguồn tài chính vào phát triển kế hoạch sản xuất kinh doanh… Điều này, đòi hỏi phải có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn trong ngắn hạn lẫn trong dài hạn, nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.
Vài nét về chính sách tài chính đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay
Chính sách nguồn vốn
Thứ nhất, nguồn vốn tài chính từ bên trong:
- Ưu điểm: Tính tự chủ về tài chính của DN cao hơn, tăng uy tín cho DN; Hạn chế việc chia sẻ quyền lực kiểm soát; Hạn chế áp lực thanh toán đúng kỳ hạn…
- Nhược điểm: Chi phí vốn thường cao hơn so với vốn vay hay trái phiếu; Hiệu quả sử dụng vốn thường không cao và có giới hạn về quy mô vốn.
Thứ hai, nguồn vốn tài chính từ bên ngoài:
- Nguồn tài trợ từ bên ngoài: Các nguồn thông qua hoạt động trên thị trường chứng khoán, các nguồn không thông qua thị trường chứng khoán.
- Nguồn tài chính từ bao cấp ngân sách: Chủ yếu đối với các DN dịch vụ phúc lợi, hay các DN đang được khuyến khích thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội của chính phủ.
- Nguồn tài chính khác (thuê mua hoặc đáo nợ).
Chính sách huy động các nguồn tài chính
Thứ nhất, chính sách huy động tập trung: DN chỉ tập trung vào một hoặc một số ít nguồn.
- Ưu điểm: Chi phí huy động tài chính giảm.
- Nhược điểm: Phá vỡ cơ cấu tài sản nợ, làm thay đổi đột ngột chỉ số tài chính; Ảnh hưởng tới lợi tức cổ phần; DN lệ thuộc hơn vào một chủ nợ nào đó…
Thứ hai, chính sách huy động phân tán: DN đồng thời huy động từ nhiều nguồn.
- Ưu điểm: Tránh được cái rủi ro tài chính; Giảm nguy cơ phá sản cho DN.
- Nhược điểm: Chi phí huy động tài chính lớn.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2015), tính đến nay, có 80% số DNVVN có vốn điều lệ dưới 7 tỷ đồng, trong đó khoảng 90% các DN phải đi vay vốn nhưng việc huy động vốn là rất khó khăn là do: Tài sản thế chấp, thông tin tài chính kế toán chưa chuẩn mực, năng lực quản trị điều hành hạn chế…
Chính sách thay thế tín dụng bằng thuê mua
DN tạo vốn bằng cách thuê trang bị vật tư công cụ và tài sản cố định khác sử dụng cho kinh doanh. Hình thức này sẽ hỗ trợ cho DN, khi khó khăn về vốn, đổi lại DN sẽ phải chịu mức chi phí giá thuê cao.
Thứ nhất, chính sách thay thế tín dụng bằng đáo nợ: Chính sách này giúp DN có ngay tài sản phục vụ quá trình kinh doanh, tránh được các rủi ro khi mất khách hàng thanh toán, giảm được các chi phí phát sinh trong quá trình đòi nợ. Tuy nhiên, tỷ lệ chiết khấu thường cao, dẫn đến giảm lợi nhuận. Trong nhiều trường hợp, chính sách này làm phức tạp thêm hoạt động tài chính của công ty. Trong cuộc khảo sát 1.000 DNVVN thuộc các ngành nghề khác nhau thì có tới 70% DN trả lời rằng, họ biết ít, hoặc chưa từng tìm hiểu về dịch vụ cho thuê tài chính (Châu Đình Linh (2015).
Thứ hai, thuê mua cũng là một hình thức tài trợ vốn cho DNVVN: Hình thức này rất phát triển trên thế giới, với ưu điểm nổi trội là không cần tài sản thế chấp, do đó rất phù hợp với đặc thù của DNVVN. Tuy nhiên, cho đến nay nó vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng.
Chính sách khấu hao
Hiện nay có 3 phương pháp khấu hao với những ưu, nhược điểm khác nhau. Các DNVVN Việt Nam hiện nay hầu như chưa tận dụng được ưu thế của phương pháp khấu hao nhanh, mới chỉ đơn thuần thực hiện khấu hao theo phương pháp cố định. Phương pháp khấu hao chủ yếu được DNNVV Việt Nam thường áp dụng là phương pháp khấu hao tuyến tính do có cách tính đơn giản.
Chính sách bán chịu
Trong cơ chế thị trường, bán chịu được coi như là một biện pháp đẩy nhanh tiêu thụ. Việc áp dụng chính sách bán chịu mang lại nhiều lợi ích như: Giải phóng hàng tồn kho, tăng doanh thu, tuy nhiên chính sách này lại làm chậm kỳ luân chuyển vốn và giảm số vòng quay lưu động. Để có thể áp dụng hiệu quả chính sách này, DN phải tính toán kỹ lưỡng và so sánh chi phí phát sinh do bán chịu với lợi nhuận mang lại.
Chính sách phân tích tài chính doanh nghiệp
- Các nguyên tắc khi phân tích tài chính: So sánh các chỉ số của DN qua các thời kỳ, trực tiếp là so sánh giữa năm trước với năm phân tích; So sánh giữa các chỉ số của DN với các đối thủ cạnh tranh chủ yếu qua các thời kỳ; So sánh chỉ số của DN với chỉ số bình quân ngành qua các thời kỳ; Phân tích trực tiếp tình hình tài chính của DN.
- Cách thực hiện: Tính toán các chỉ tiêu từ kết quả của các báo cáo tài chính; Chỉ ra các điểm mạnh, yếu về tài chính của DN và nguyên nhân; Đề xuất các biện pháp để khắc phục và phát huy...
Thực tế cho thấy, việc phân tích tài chính ít được DNNVV quan tâm và không lập bộ phận chuyên trách riêng, chỉ có các ông chủ DN đảm nhiệm với các chỉ số đơn giản như so sánh doanh thu, lợi nhuận giữa các thời kỳ với nhau.
Linh hoạt tận dụng chính sách
Đối với DN:
- Các DN cần thay đổi nhận thức trong việc nâng cao tầm quan trọng của công tác quản trị nói chung và quản trị tài chính nói riêng.
- Thay đổi quan niệm cho rằng, sổ sách kế toán chỉ để báo cáo với các cơ quan quản lý, cần thông qua các số liệu kế toán đó để có những phân tích và đánh giá về tài chính, để có thể đưa ra được những giải pháp tài chính hiệu quả hơn trong kinh doanh.
- Minh bạch về vấn đề tài chính, tạo điều kiện thu hút được nhiều nguồn tài trợ từ nhiều nguồn khác nhau.
- Tăng cường tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ chính thức hoặc thông qua các chương trình dự án của tổ chức đối với DNVVN, hình thành các nguồn với lãi suất thấp.
- Cần mạnh dạn trong việc thay đổi cách thức quản trị theo hướng cởi mở, cho phép người ngoài tham gia vào quản lý DN của mình thông qua các liên minh, liên kết…
Đối với các cơ quan nhà nước:
- Cần chủ động tháo bỏ rào cản cho DNVVN vay về tài sản thế chấp bằng cách nghiên cứu, tìm kiếm các hình thức, sản phẩm cho vay khác.
- Xem xét đẩy mạnh việc cho vay thông qua tín chấp, đánh giá hiệu quả và lợi nhuận của các dự án đầu tư để cấp vốn cho DNVVN.
- Nghiên cứu tạo ra những sản phẩm riêng biệt dành cho DNVVN và huy động các nguồn vốn dài hạn dành cho khu vực này.
- Xây dựng hệ thống các tổ chức tài chính phục vụ nhu cầu về vốn cho các DNVVN, tạo điều kiện cho các DNVVN tiếp cận với các nguồn vốn với lãi suất thấp.
- Tăng cường hiệu quả hoạt động của các quỹ Phát triển DNVVN.
Trong nền kinh tế thị trường với sự hội nhập kinh tế sâu rộng, các DNVVN Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Để tận dụng được các cơ hội, né tránh các nguy cơ, phát triển bền vững trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt, đòi hỏi các DNVVN Việt Nam phải có những bước đi thích hợp, thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của quản trị nói chung và quản trị tài chính nói riêng, đặc biệt phải xây dựng và áp dụng các chính sách tài chính một cách linh hoạt, hiệu quả.
Tài liệu tham khảo:
1. Viện Phát triển DN (VCCI), Báo cáo động thái DN Việt Nam 2014, 2015;
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo giữa kỳ tình hình thực hiện phát triển DNNVV giai đoạn 2010-2015, 2014;
3. Châu Đình Linh, Cho thuê tài chính với các DNNVV tại Việt Nam, 2015.