Tìm hướng tháo gỡ về cơ chế, vốn cho hệ sinh thái khởi nghiệp

Hoàng Long

“Thời gian tới Chính phủ sẽ đặc biệt lưu tâm đến khung pháp lý, cơ chế vốn, tài chính cho khởi nghiệp sáng tạo…”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2018.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Diễn đàn Thanh niên Khởi nghiệp 2018
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Diễn đàn Thanh niên Khởi nghiệp 2018

Diễn đàn Thanh niên Khởi nghiệp 2018 do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng với chủ đề “Tìm giải pháp đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam”.

Nhiều đề xuất vốn, cơ chế

“Diễn đàn này mang đến cơ hội cho các bạn trẻ trao đổi kinh nghiệm. Chúng ta đã tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, Chính phủ sẽ quyết tâm tạo điều kiện để hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam lớn mạnh hơn nữa”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Tại Diễn đàn, các vấn đề về cơ chế, đề xuất vốn đã được các diễn giả tập trung thảo luận. Điển hình như là cơ chế đặc thù cho các starup, nhất là trong lĩnh vực công nghệ. Theo ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc VietinBank ngân hàng rất muốn sử dụng các sản phẩm công nghệ khởi nghiệp nhưng vướng quy trình mua sắm, đầu thầu...

“Vấn đề lúc này không phải là vốn mà là thị trường, do vậy cần cơ chế đặc thù tháo gỡ cho cả bên mua lẫn bên bán. Doanh nghiệp muốn triển khai các công nghệ như vi sinh, nano… nhưng còn vướng các quy định, nên nhiều công nghệ mới, hữu ích đã bị từ chối và không được đưa vào đầu tư ứng dụng”, ông Lân nhấn mạnh.

Chia sẻ về những khó khăn trong tiếp cận vốn và kêu gọi đầu tư khởi nghiệp, ông Trần Lê Văn (CEO Vexere.com) cũng cho biết: Quá trình đầu tư và giải ngân vốn còn chậm. Một vòng gọi vốn kéo dài 6 tháng đến 1 năm với nhiều thủ tục giải ngân nguồn vốn.

Vấn đề về tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài hay thoái vốn, chuyển nhượng vốn cũng được bàn thảo sôi nổi tại Diễn đàn. Tổng Giám đốc Vina Capital Don Lam nêu quan điểm: Việt Nam cần có những cơ chế để các nhà đầu tư an tâm bỏ vốn, cụ thể là cần thành lập một thị trường vốn cho startup.

Chung quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng đại diện - Giám đốc Quỹ đầu tư CyberAgent Ventures (Nhật Bản) cho rằng: Vì vấn đề cơ chế, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam đang mất đi cơ hội để thu hút những nguồn vốn đầu tư lớn hơn.

Vấn đề lớn nhất của các doanh nghiệp khởi nghiệp là chạy rất nhanh, nên quan trọng nhất là tốc độ, theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân kiến nghị cần mở sàn chứng khoán ASIAN cho các startup tại Việt Nam; có cơ chế phù hợp; giao một Bộ chăm sóc các doanh nghiệp…

Tạo mọi điều kiện để hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam lớn mạnh

Phát biểu tại Diễn đàn Thanh niên Khởi nghiệp 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã đứng thứ 3 trong ASEAN. Chính phủ sẽ quyết tâm tạo mọi điều kiện, để hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam lớn mạnh và hoàn thiện hơn nữa trong những năm tới đây. "Chính phủ luôn quan tâm và coi khởi nghiệp sáng tạo là một trong những động lực đột phá. Không đổi mới sáng tạo, không khởi nghiệp mạnh mẽ thì đất nước rất khó thành công", Thủ tướng khẳng định.

Ghi nhận các ý kiến tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Thời gian tới Chính phủ sẽ đặc biệt lưu tâm đến khung pháp lý, chính sách, luật pháp để có giải pháp thiết thực hơn cho khởi nghiệp sáng tạo; có cơ chế vốn, tài chính cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với thủ tục nhanh gọn; chính sách bảo hiểm, bảo hộ…

Đồng thời, thời gian tới Chính phủ cũng sẽ xem xét, giải quyết những vấn đề đang đặt ra cho doanh nghiệp; nghiên cứu xây dựng một cơ quan tiếp nhận giải quyết kiến nghị vướng mắc và đồng hành cùng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, chấp nhận chia sẻ một phần rủi ro với doanh nghiệp; chấp nhận đầu tư khởi nghiệp là đầu tư mạo hiểm…