“Tìm vàng” ở sàn UPCoM
Nếu như trước đây, thị trường giao dịch chứng khoán của các các công ty đại chúng (CTĐC) chưa niêm yết (UPCoM) ít được doanh nghiệp và nhà đầu tư quan tâm vì lo ngại sẽ có nhiều rủi ro khi đầu tư các cổ phiếu trên sàn này, thì hiện nay, thị trường UPCoM lại đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp để tìm kiếm lợi nhuận khi họ biết “đãi cát tìm vàng” trên sàn này.
UPCoM tăng trưởng vượt bậc sau 8 năm đi vào hoạt động
Ngày 24/6/2009, UPCoM đã chính thức khai trương với sứ mệnh phát triển thị trường giao dịch tập trung cổ phiếu của các doanh nghiệp đại chúng chưa niêm yết. Đây là thành quả thể hiện sự quyết tâm của các cơ quan quản lý cùng các thành viên thị trường trong việc phát triển thị trường công khai, minh bạch.
Trước khi UPCoM ra đời, giao dịch cổ phiếu của các CTĐC chưa niêm yết chủ yếu được thực hiện trên thị trường tự do. Các nhà đầu tư gặp rất nhiều rủi ro về thông tin, giá cả và đặc biệt là rủi ro trong thanh toán khi tham gia vào các giao dịch.
Việc tìm kiếm thông tin về các CTĐC chưa niêm yết cổ phiếu cũng rất khó khăn. Vì vậy, UPCoM được ra đời với mục tiêu thu hẹp thị trường tự do, mở rộng thị trường giao dịch có tổ chức, có quản lý của Nhà nước, quy tụ các cổ phiếu của các công ty chưa niêm yết về một đầu mối quản lý thống nhất, tạo ra cơ hội giao dịch chứng khoán công khai, minh bạch, an toàn và thuận lợi cho nhà đầu tư.
Nhờ có thị trường UPCoM, nhà đầu tư có thể tìm kiếm thông tin về doanh nghiệp qua hệ thống công bố thông tin (CBTT) của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và của doanh nghiệp. Việc giao dịch tập trung cổ phiếu qua hệ thống giao dịch của HNX cũng được thực hiện dễ dàng và an toàn hơn cho cả người mua và người bán.
Giai đoạn đầu khi UPCoM mới đi vào hoạt động, số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường còn hạn chế, phương thức giao dịch thỏa thuận điện tử khiến cho thanh khoản thị trường cũng hạn chế, mức độ CBTT cũng không nhiều như đối với doanh nghiệp niêm yết… Vì vậy, nhà đầu tư có phần thờ ơ với cổ phiếu trên UPCoM. Tuy nhiên, từ năm 2015 cho đến nay, sàn UPCoM đã bừng sáng với bước phát triển vượt bậc.
Với 10 doanh nghiệp đầu tiên có tổng giá trị ĐKGD đạt 1.200 tỷ đồng, sau gần 8 năm hoạt động, đến nay UPCoM đã lần lượt vượt qua các mốc 300 doanh nghiệp ĐKGD vào ngày 01/6/2016, mốc 400 doanh nghiệp ĐKGD vào ngày 21/12/2016, vượt mốc 500 doanh nghiệp vào ngày 16/3/2017.
Tính đến hết ngày 05/6/2017, trên thị trường UPCoM có 547 doanh nghiệp ĐKGD cổ phiếu với tổng giá trị ĐKGD hơn 351,67 nghìn tỷ đồng, vốn hóa thị trường trên 417,8 nghìn tỷ đồng.
Riêng trong hơn 5 tháng đầu năm 2017, UPCoM đã có thêm 132 doanh nghiệp ĐKGD mới (trong khi con số này ở cả hai sàn niêm yết chỉ đếm trên đầu ngón tay). Tính bình quân, khối lượng giao dịch (KLGD) đạt 10,59 triệu cổ phiếu/phiên và giá trị giao dịch (GTGD) đạt 197,7 tỷ đồng/phiên (tăng xấp xỉ 10% về KLGD và 62% về GTGD so với nửa đầu năm 2016).
Để có được những kết quả này phải kể đến sự hỗ trợ tích cực về mặt chính sách từ cơ quan quản lý thị trường với hàng loạt các quy định pháp lý nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tham gia UPCoM như Thông tư 01/2015/TT-BTC, Thông tư 180/2015/TT-BTC, đặc biệt Thông tư 115/2016/TT-BTC là một cú hích lớn cho sự phát triển của UPCoM khi gắn hoạt động đấu giá CPH với ĐKGD trên UPCoM.
Theo đó, các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty thực hiện chủ trương CPH, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải gắn với việc niêm yết/ĐKGD cổ phiếu trên TTCK. DNNN tiến hành IPO thì sau 20 ngày, toàn bộ số cổ phiếu chào bán thành công sẽ tự động giao dịch trên sàn UPCoM mà không cần đợi doanh nghiệp có ĐKGD hay không.
Cùng với đó, HNX cũng đã nghiên cứu và triển khai một loạt các giải pháp để tăng quy mô, thanh khoản cũng như tăng tính hấp dẫn của thị trường này như: thực hiện nới biên độ dao động giá cổ phiếu trên UPCoM từ ±10% lên ±15% từ ngày 01/7/2015; Thay đổi cách tính UPCoM Index trên cơ sở giá trị vốn hóa thị trường có điều chỉnh tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng của các doanh nghiệp ĐKGD trên UPCoM giúp phản ánh chính xác hơn tính thanh khoản và tình hình giao dịch của các cổ phiếu.
Đồng thời, HNX cũng đã tích cực triển khai đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp sử dụng CIMS4 để CBTT tự động và giúp các doanh nghiệp UPCoM tiếp cận các hoạt động quản trị công ty.
Năm 2016, HNX đã triển khai phân bảng UPCoM Premium và bảng Cảnh báo nhà đầu tư nhằm cung cấp thêm kênh thông tin cho các nhà đầu tư, góp phần nâng cao tính minh bạch, hỗ trợ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. UPCoM Premium bao gồm cổ phiếu của các doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí về tình hình tài chính và tiêu chí về ý thức tuân thủ quy định pháp luật về CBTT trên TTCK nhằm hỗ trợ nhà đầu tư trong việc lựa chọn các doanh nghiệp tiềm năng.
Còn bảng Cảnh báo nhà đầu tư lại bao gồm các mã chứng khoán bị hạn chế ĐKGD và bị tạm ngừng giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM nhằm cảnh báo đến nhà đầu tư các cổ phiếu mà họ cần lưu ý trước khi quyết định đầu tư.
Không ngừng cải thiện tăng sức hấp dẫn của sàn UPCoM
Mặc dù UPCoM đã có sự phát triển nhanh về số lượng doanh nghiệp tham gia ĐKGD cổ phiếu cũng như giá trị vốn hóa thị trường, nhưng thanh khoản trên thị trường UPCoM lại khá khiêm tốn.
Có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến việc các DNNN thoái vốn nhưng phần nắm giữ của Nhà nước vẫn rất lớn khiến cho lượng cổ phiếu lưu hành rất thấp. Nhiều hàng hóa có chất lượng mà nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài rất quan tâm nhưng không có cơ hội nắm giữ.
Một nguyên nhân khác là do yêu cầu CBTT đối với các doanh nghiệp UPCoM thấp hơn so với doanh nghiệp niêm yết nên nhà đầu tư cảm thấy có ít thông tin về cổ phiếu UPCoM, chính vì vậy UPCoM vẫn bị đánh giá là thiếu minh bạch. Đây có lẽ là lý do giải thích vì sao nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) - một trong những yếu tố thúc đẩy thanh khoản trên TTCK, vẫn chưa thực sự “nhiệt tình” với cổ phiếu trên sàn UPCoM.
Theo các chuyên gia phân tích, với mục đích ban đầu khi hình thành sàn UPCoM là sàn tổ chức thị trường giao dịch tập trung cho mọi doanh nghiệp đại chúng (không có điều kiện), UPCoM không phải là sàn giao dịch dành có các công ty niêm yết, chính vì vậy, hiện nay chúng ta chưa phải đặt ra tiêu chuẩn khắt khe đối với các doanh nghiệp ĐKGD cổ phiếu trên UPCoM.
Tuy nhiên, để gỡ nút thắt nói trên, Lãnh đạo HNX cho rằng hiện Sở vẫn và sẽ có chủ trương tìm các giải pháp để nâng thanh khoản cho UPCoM, từ đó sẽ giúp sàn UPCoM minh bạch hơn.
Theo đó, HNX sẽ có các chính sách thu hút nhiều doanh nghiệp mới lên UPCoM, cũng như tăng cường chất lượng CBTT và đưa quy định về nhà tạo lập thị trường với cơ chế ưu đãi phí cho công ty chứng khoán thực hiện giao dịch tạo lập thị trường (quy định về phí giao dịch mới vừa được Bộ Tài chính ban hành đã cho phép phí dành cho nhà tạo lập thị trường chỉ bằng 20% so với phí giao dịch tự doanh), duy trì biên độ dao động giá cao, nghiên cứu xây dựng thị trường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up)… để tăng sức hấp dẫn cho thị trường này.
Đặc biệt, sau một thời gian cải tiến phân bảng giao dịch trên UPCoM, ngày 19/5/2017, HNX đã ban hành Bộ nguyên tắc phân bảng UPCoM theo quy mô vốn.
Theo HNX, việc phân bảng UPCoM theo quy mô vốn sẽ thay thế cho bảng UPCoM Premium trên thị trường UPCoM nhằm tăng tính hấp dẫn hơn nữa cho thị trường này, đồng thời hỗ trợ nhà đầu tư trong việc theo dõi các nhóm doanh nghiệp theo vốn chủ sở hữu hiện có và chuẩn bị sẵn sàng cho việc phân loại một lượng hàng hóa lớn tham gia sàn UPCoM trong thời gian tới, tăng cường giám sát việc CBTT của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp quy mô vốn lớn.
Theo HNX, danh sách các bảng theo quy mô vốn sẽ được HNX công bố vào ngày 23/6/2017 nhân dịp kỷ niệm 8 năm ngày khai trương thị trường UPCoM (24/6/2009 - 24/6/2017).
Bộ nguyên tắc phân bảng theo quy mô vốn sẽ chú trọng vào vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm gần nhất. Phân bảng UPCoM theo quy mô vốn sẽ sắp xếp chứng khoán của các tổ chức ĐKGD trên UPCoM vào các bảng theo chỉ tiêu vốn chủ sở hữu tại BCTC năm gần nhất đã được kiểm toán.
Nhờ đó, Bộ nguyên tắc phân bảng mới sẽ hỗ trợ đắc lực cho nhà đầu tư trong việc theo dõi các nhóm doanh nghiệp theo vốn chủ sở hữu hiện có và chuẩn bị sẵn sàng cho việc phân loại một lượng hàng hóa lớn tham gia thị trường trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia phân tích, trong bối cảnh quy mô thị trường UPCoM ngày càng lớn như hiện nay, việc phân loại theo tiêu chí vốn chủ sở hữu sẽ phản ánh tốt hơn tình trạng hoạt động của doanh nghiệp. Nhà đầu tư nhờ đó sẽ có thêm cơ hội để soi chiếu chính xác hơn về sức khỏe thực sự hiện thời của doanh nghiệp, tránh việc đầu tư chưa chuẩn xác vào những doanh nghiệp giấu lỗ, giả lãi.
Cùng tìm hiểu về Phân bảng UPCoM theo quy mô vốn
Nguyên tắc để phân bảng UPCoM theo quy mô vốn là chứng khoán ĐKGD trên UPCoM không thuộc Bảng Cảnh báo nhà đầu tư sẽ được phân thành 3 bảng: (1) UPCoM quy mô lớn (UPCoM Large) bao gồm chứng khoán của các tổ chức ĐKGD có vốn chủ sở hữu từ 1.000 tỷ đồng trở lên; (2) UPCoM quy mô vừa (UPCoM Medium): bao gồm chứng khoán của các tổ chức ĐKGD có vốn chủ sở hữu từ 300 tỷ đồng trở lên đến dưới 1.000 tỷ đồng; (3) UPCoM quy mô nhỏ (UPCoM Small): bao gồm chứng khoán của các tổ chức ĐKGD có vốn chủ sở hữu từ 10 tỷ đồng trở lên đến dưới 300 tỷ đồng.
Chỉ tiêu vốn chủ sở hữu được xem xét là mã chỉ tiêu 400 kỳ gần nhất trên bảng cân đối kế toán của BCTC năm gần nhất đã được kiểm toán. Trường hợp tổ chức ĐKGD là công ty mẹ của một tổ chức khác hoặc là doanh nghiệp cấp trên có các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân thì chỉ tiêu vốn chủ sở hữu được xem xét dựa trên BCTC hợp nhất hoặc BCTC tổng hợp đã được kiểm toán.
Các bảng UPCoM theo quy mô vốn có chỉ số riêng bao gồm chỉ số UPCoM Large, chỉ số UPCoM Medium và chỉ số UPCoM Small và được hiển thị trên bảng giao dịch trực tuyến của HNX.
Định kỳ hàng năm, HNX sẽ xem xét, phân loại và sắp xếp lại chứng khoán ĐKGD vào các bảng trên. Tại thời điểm chốt dữ liệu, trường hợp tổ chức ĐKGD chưa nộp BCTC năm đã được kiểm toán, HNX tạm thời phân bảng dựa trên số liệu của BCTC năm liền trước đã được kiểm toán hoặc dựa trên thông tin về vốn gần nhất của doanh nghiệp.
Ngoài các kỳ xem xét, HNX sẽ có sự điều chỉnh đối với 3 trường hợp đặc biệt: đưa chứng khoán ra khỏi bảng quy mô vốn khi không đáp ứng tiêu chí vào bảng, đưa chứng khoán vào bảng quy mô vốn khi có chứng khoán mới giao dịch trên UPCoM và chuyển chứng khoán giữa các bảng khi doanh nghiệp ĐKGD nộp BCTC kiểm toán năm sau thời điểm chốt dữ liệu của kỳ xem xét (nếu HNX xét thấy cần thiết).