Tin chứng khoán 1/11: “So găng” kết quả kinh doanh của cặp đối thủ Vietnam Airlines - Vietjet

Theo Thanh Long/vietnamfinance.vn

Mặc dù cùng gặp khó khăn trong hoạt động vận tải hành khách do chi phí nhiên liệu tăng mạnh nhưng lợi nhuận quý III/2018 của Vietjet vẫn tăng tới 59%, trong khi Vietnam Airlines giảm 65%. Sự khác biệt không nằm ở nghiệp vụ bán tái thuê (sales and lease back), mà nằm ở hoạt động phụ trợ.

Lợi nhuận quý III/2018 của Vietjet vượt trội so với Vietnam Airlines.
Lợi nhuận quý III/2018 của Vietjet vượt trội so với Vietnam Airlines.

Mùa công bố báo cáo tài chính quý III/2018 đã kết thúc. Nhìn chung, bức tranh lợi nhuận quý vừa qua khá tích cực nhưng không bằng các quý trước. Cùng với đó, mức độ phân hóa lợi nhuận trong từng ngành cũng cao hơn.

Ở ngành hàng không, cặp đối thủ Vietnam Airlines - Vietjet cho thấy diễn biến kết quả kinh doanh trái ngược nhau.

Quý III/2018, Vietjet ghi nhận lợi nhuận trước thuế lên đến 1.709 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế quý III của Vietnam Airlines chỉ đạt 571 tỷ đồng, giảm tới 65%.

Phía Vietnam Airlines cho biết sự suy giảm lợi nhuận chủ yếu đến từ việc giá nhiên liệu bình quân tăng 37,5% và tỷ giá USD/VND tăng gần 2% trong quý III/2017, dẫn đến tốc độ tăng chi phí cao hơn tốc độ tăng doanh thu, lợi nhuận theo đó giảm mạnh.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, Vietjet cũng chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố trên. Bằng chứng là tỷ lệ giá vốn trên doanh thu thuần quý III/2018 của Vietjet ở mức 83%, cao hơn đáng kể mức 77% của quý III/2017. Dù vậy, do doanh thu tăng tới 105% nên lợi nhuận gộp vẫn tăng tới 50%, đạt 2.156 tỷ đồng (lợi nhuận gộp quý III của Vietnam Airlines giảm 24%).

Lợi nhuận gộp của Vietjet tăng mạnh là đến từ nghiệp vụ bán tái thuê (sales and lease back)? Câu trả lời là không.

Cũng giống như Vietnam Airlines, hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách của Vietjet cũng gặp khó khăn do giá nguyên liệu tăng mạnh. Cụ thể, doanh thu vận chuyển hành khách quý III/2018 của Vietjet đạt 6.702 tỷ đồng, thấp hơn chi phí khai thác là 6.948 tỷ đồng.

Trong khi đó, doanh thu từ chuyển giao sở hữu và thuê tàu bay (nghiệp vụ bán tái thuê) đạt 3.773 tỷ đồng. Giá vốn của máy bay đã chuyển giao là 3.213 tỷ đồng, nếu cộng thêm chi phí khấu hao và phân bổ thì đạt 3.600 tỷ đồng. Như vậy, nghiệp vụ bán tái thuê chỉ đem về cho Vietjet 560 tỷ đồng lợi nhuận gộp trong quý III, nếu cộng thêm chi phí khấu hao và phân bổ thì lợi nhuận gộp chỉ đạt 173 tỷ đồng.

Sở dĩ lợi nhuận gộp của Vietjet tăng mạnh trong quý vừa qua là do kết quả kinh doanh rất tích cực từ hoạt động phụ trợ (thường bao gồm quyền chọn ghế ngồi, bữa ăn, hành lý tăng thêm...). Doanh thu quý III của mảng này đạt tới 2.180 tỷ đồng, trong khi giá vốn không đáng kể (nhiều khả năng phần giá vốn phát sinh đã được ghi nhận vào chi phí khai thác, tuy nhiên, giá vốn của hoạt động này là không lớn vì mang nhiều tính dịch vụ).

Lũy kế 9 tháng năm nay, lợi nhuận trước thuế của Vietjet đạt 3.868 tỷ đồng, vượt xa con số 2.426 tỷ đồng của Vietnam Airlines, dù doanh thu chưa bằng một nửa Vietnam Airlines, cho thấy hiệu quả kinh doanh vượt trội của hãng hàng không tư nhân so với hãng hàng không quốc gia.