Chính sách tiền tệ linh hoạt: Giải pháp “kép” cho tăng trưởng và kiểm soát rủi ro
Chính sách tiền tệ nới lỏng trong 6 tháng đầu năm 2025 tại Việt Nam đã phát huy hiệu quả rõ rệt, tạo động lực cho nền kinh tế phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn. Những kết quả tích cực này là minh chứng cho sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan quản lý và nỗ lực không ngừng từ Chính phủ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ doanh nghiệp.
Kiểm soát lạm phát hiệu quả trong bối cảnh bất ổn toàn cầu
Một trong những kết quả nổi bật nhất của chính sách tiền tệ nới lỏng trong nửa đầu năm 2025 là việc kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý. Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tại Hội nghị Thường trực Chính phủ, lạm phát bình quân 6 tháng đầu năm 2025 được kiểm soát ở mức 3,63%, trong khi GDP tăng trưởng đạt 7,09%. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng, cao hơn nhiều quốc gia trong khu vực, thể hiện năng lực điều hành hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước cũng như sự ổn định nền tảng của nền kinh tế Việt Nam.

Nhận định này cũng trùng khớp với dự báo của các chuyên gia, trong đó PGS.TS. Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế cho rằng, lạm phát của Việt Nam năm 2025 sẽ dao động từ 3,5% đến 4,5%. Việc duy trì lạm phát ở mức thấp là tiền đề quan trọng để ổn định sức mua, giảm áp lực chi phí cho doanh nghiệp và tạo niềm tin cho nhà đầu tư, người dân trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi sau nhiều cú sốc từ bên ngoài.
Đánh giá về chính sách tiền tệ nới lỏng trong 6 tháng đầu năm 2025, TS. Đào Thị Hảo - Khoa Tài chính quốc tế (Học viện Tài chính) nhấn mạnh, một điểm sáng của chính sách nới lỏng tiền tệ là việc hỗ trợ dòng vốn cho nền kinh tế. Bằng các biện pháp như giảm lãi suất điều hành, điều tiết tỷ giá linh hoạt, Ngân hàng Nhà nước đã thúc đẩy tăng trưởng tín dụng lên tới 15,08% so với cùng kỳ năm 2024, bổ sung khoảng 2,2 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế. Đây là con số ấn tượng, cho thấy dòng vốn đã được giải phóng và tiếp cận hiệu quả hơn tới khu vực sản xuất và tiêu dùng.
Chính sách tiền tệ là một trong những công cụ của nhà nước để điều tiết hoạt động của nền kinh tế, đảm bảo cho nền kinh tế có được sự tăng trưởng bền vững. Đây là công cụ giúp Nhà nước, thông qua các ngân hàng trung ương, tăng hoặc giảm lượng cung tiền ra thị trường.
Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước cũng chủ động tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa, thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi, chính sách giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Những giải pháp này giúp người dân và doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh chi phí đầu vào và nhu cầu tiêu dùng vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.
Đặc biệt, lãi suất cho vay trong 6 tháng đầu năm 2025 đã giảm 1,24% so với cuối năm 2023, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc mở rộng sản xuất, tăng cường đầu tư, đồng thời góp phần thúc đẩy xuất khẩu và tạo việc làm. Lãi suất thấp còn giúp doanh nghiệp tăng khả năng thanh khoản, tránh đổ vỡ dây chuyền và duy trì chuỗi cung ứng ổn định.
Theo TS. Đào Thị Hảo, một tín hiệu tích cực khác là dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục gia tăng trong nửa đầu năm 2025, không chỉ đến từ các đối tác truyền thống mà còn mở rộng sang các thị trường như Trung Quốc và các quốc gia lân cận. Đây là kết quả của việc điều hành chính sách tiền tệ theo hướng ổn định và thân thiện với nhà đầu tư, đồng thời phản ánh niềm tin quốc tế vào tiềm năng phát triển dài hạn của Việt Nam.
Sự gia tăng của dòng vốn FDI giúp cải thiện cung tiền, hỗ trợ thanh khoản cho nền kinh tế và bù đắp phần nào cho tốc độ tăng cung tiền thấp trong năm 2024. Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng này, Việt Nam cần tiếp tục chú trọng phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn như công nghệ cao, năng lượng tái tạo, sản xuất xanh và kinh tế số. Các chính sách ưu đãi đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính sẽ là chìa khóa giữ chân và thu hút thêm nhà đầu tư trong thời gian tới.
Giải pháp điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới
Nhìn chung, chính sách tiền tệ nới lỏng trong 6 tháng đầu năm 2025 đã mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế Việt Nam như kiểm soát lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp, gia tăng dòng vốn đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, Việt Nam cần duy trì sự tỉnh táo trong điều hành chính sách, tránh chạy theo các mục tiêu ngắn hạn mà quên đi mục tiêu phát triển bền vững dài hạn.
Nhấn mạnh những kết quả đạt được là rất đáng khích lệ, song TS. Đào Thị Hảo lưu ý, việc duy trì ổn định và thúc đẩy tăng trưởng bền vững vẫn đặt ra nhiều thách thức cho chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Để tiếp tục phát huy hiệu quả, TS. Đào Thị Hảo cho rằng cần triển khai đồng bộ một số giải pháp quan trọng như:
Thứ nhất, đảm bảo kỷ luật tài khóa. Việc duy trì kỷ luật tài khóa sẽ giúp giảm thiểu rủi ro vĩ mô, đảm bảo sự phối hợp hiệu quả giữa chính sách tài khóa và tiền tệ.
Thứ hai, kiểm soát chất lượng tín dụng. Ngân hàng Nhà nước cần giám sát chặt chẽ các khoản vay rủi ro cao, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản và chứng khoán để ngăn ngừa nợ xấu và bong bóng tài sản. Bên cạnh đó, cần tăng cường tính minh bạch trong cho vay, tránh dòng vốn chảy sai hướng làm méo mó thị trường.
Thứ ba, điều hành linh hoạt lãi suất và tỷ giá. Việc giảm lãi suất nên được thực hiện vào thời điểm hợp lý, tránh gây áp lực lên tỷ giá và làm mất kiểm soát lạm phát. Các chuyên gia tài chính cho rằng, chỉ nên nới lỏng thêm chính sách tiền tệ khi điều kiện bên ngoài thuận lợi, chẳng hạn như khi cán cân thương mại đạt thặng dư lớn hoặc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu nới lỏng mạnh chính sách.
Thứ tư, tăng cường sử dụng các công cụ thị trường. Chính sách tiền tệ cần dựa nhiều hơn vào các công cụ như tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở, cửa sổ chiết khấu để điều tiết cung tiền một cách linh hoạt và hiệu quả, rút ngắn độ trễ trong truyền dẫn chính sách.
“Việc phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, kết hợp với các cải cách cấu trúc kinh tế, sẽ là chìa khóa để Việt Nam không chỉ phục hồi nhanh chóng mà còn vững vàng tiến vào giai đoạn tăng trưởng mới. Đây cũng là cơ sở quan trọng để nền kinh tế Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng và khẳng định vị thế trên bản đồ kinh tế toàn cầu”, TS. Đào Thị Hảo khẳng định.