Tín dụng ngân hàng vẫn là kênh chủ đạo
Theo các chuyên gia, năm 2018 chứng kiến sự chuyển biến tích cực của thị trường tài chính, góp phần đưa tăng trưởng GDP có thể đạt mức cao nhất trong 10 năm qua (6,9 - 7%). Trong thời gian tới, tăng trưởng tín dụng sẽ vẫn là kênh chủ đạo để tăng trưởng kinh tế, do đó, phải hướng dòng tín dụng thực sự đi vào sản xuất kinh doanh, đồng thời sớm có khuôn khổ với tín dụng không chính thức cho hoạt động kinh tế chưa quan sát.
“Chuyển biến tốt”
Theo Phó Trưởng ban Nghiên cứu và điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) Nguyễn Văn Thùy, trong năm 2018, cung tiền và tín dụng so với GDP tăng nhẹ (M2/GDP đạt 168%), tín dụng trên GDP đạt 134%.
Tăng trưởng tín dụng đạt 14 - 15%, thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng bảo đảm… Về thị trường vốn, thị trường trái phiếu Chính phủ đạt khoảng 27% GDP trong khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở mức 6,7% GDP. Quy mô thị trường cổ phiếu so với GDP tăng từ 70,2% năm 2017 lên 75%. Tổ chức xếp hạng thị trường FTSE Russel đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi…
Cho rằng thị trường tài chính hoàn hảo gồm có 2 cấu phần, gồm thị trường tiền tệ chuyên lo toan dòng vốn ngắn hạn, thị trường vốn chuyên lo toan dòng vốn trung, dài hạn của nền kinh tế và có các công cụ, thiết chế tiếp cận với thông lệ quốc tế, Quyền Chủ tịch NFSC Trương Văn Phước đánh giá, trong năm nay, chuyển biến thị trường tài chính của nước ta tốt.
Ông Phước phân tích, thị trường tiền tệ giải quyết cơ bản nợ xấu, hoạt động tổ chức tín dụng tốt hơn. Thị trường vốn đã có sự chuyển biến, cụ thể đã ứng dụng công cụ phái sinh trong kinh doanh mua bán chứng khoán. Thêm vào đó, trước đây, điều kiện phát triển kinh tế và phát triển thị trường tài chính của nước ta có khác biệt khi phần lớn tập trung vào vốn ngắn hạn của thị trường tiền tệ.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, “thị trường vốn đã chuyển động tích cực, thể hiện qua giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán trên GDP tăng đến 70%. Chúng ta kiên trì đi theo con đường này để dần dần mở cửa thị trường tài chính, áp dụng các chuẩn mực và trên thực tế, dòng vốn ngắn hạn huy động của hệ thống ngân hàng để cho vay trung và dài hạn giảm xuống. Những điều chỉnh chính sách này phù hợp với sự tăng trưởng và phát triển của thị trường vốn”, ông Phước nói.
Tăng trưởng tín dụng nên duy trì ở mức 14 - 15%
Mặc dù có chuyển biến tích cực, tuy nhiên, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về tỷ lệ tín dụng trên GDP vẫn ở mức cao (134%). Song, Quyền Chủ tịch NFSC Trương Văn Phước cho rằng, “cao hay thấp là tùy góc nhìn”. Theo ông Phước, con số này chỉ nên tham khảo để cân nhắc các quyết sách, chứ không phải vì thế mà “vội vã điều chỉnh dòng tín dụng vào nền kinh tế”.
Ông Phước cũng nhấn mạnh, tăng trưởng tín dụng vẫn sẽ là động lực cho tăng trưởng. “Mặc dù chúng ta đang cải tổ thị trường tài chính, đang uốn nắn lại các dòng vốn trong thị trường này, nhưng phải thừa nhận tín dụng ngân hàng vẫn là kênh chủ đạo giúp tăng trưởng kinh tế.
Vấn đề chỉ là dòng vốn đó đi thế nào, có đúng hướng hay không, phân bổ thế nào để phục vụ sản xuất kinh doanh chứ không phải đi vào các lĩnh vực quá nhiều rủi ro như bất động sản hay đầu cơ chứng khoán”, ông Phước nói. Từ phân tích này, ông Phước cho rằng “mỗi năm tăng trưởng tín dụng 14 - 15% là chấp nhận được. Bởi vì mức độ tăng trưởng kinh tế cao, trong bối cảnh hệ số Icor (bao nhiêu đơn vị tiền tệ để tạo ra một đơn vị tăng trưởng) cũng cao nên không thể nôn nóng kéo xuống”.
Nguyên Chủ tịch NFSC Lê Đức Thúy nêu ý kiến, trong năm nay, chiều hướng chung là tăng trưởng tín dụng điều chỉnh ở mức thấp là một quyết sách đúng. Tuy nhiên, theo ông, cần lưu ý một số chính sách để duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong năm tới, trong đó có việc sớm đưa ra định hướng tín dụng không chính thức cho hoạt động kinh tế không chính thức.
Bởi lẽ, “trên thực tế, bất kể nước nào cũng có kinh tế không chính thức. Ở nhiều nước phát triển, tỷ lệ này trên 10%. Hiện, chúng ta chưa rõ ràng trong quy định có liên quan khiến khu vực kinh tế không chính thức khó tiếp cận tín dụng, trong khi có mối liên hệ nào đó giữa kinh tế chính thức với không chính thức mới có được thành quả về GDP. Do đó, không chỉ nghiên cứu mà cần sớm đưa ra khuôn khổ về vấn đề này, trong đó có hành vi cho vay nặng lãi theo kiểu “luật rừng”, phân định rõ bao nhiêu % là nặng lãi…”, ông Thúy nói.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, chính sách điều hành cần linh hoạt hơn. Chẳng hạn, đặt mục tiêu lạm phát 4% thì nên có biên độ co giãn nhất định, chẳng hạn ± 0,5% để khi điều hành sẽ biết lúc nào cần thực sự nới lỏng và lúc nào cần thắt chặt. Thêm vào đó, cần tăng vốn chủ sở hữu ngân hàng để đến năm 2020 đạt Basel II.
“Chính sách hiện nay đang phản thị trường là cấp quota tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng. Chính sách tích cực là phải khuyến khích ngân hàng tăng được đủ vốn theo Basel II thì không bị giới hạn bởi tăng trưởng tín dụng và ngược lại. Đó sẽ là động cơ rất lớn để ngân hàng thương mại đua nhau tăng vốn chủ sở hữu”, Giám đốc Phát triển, Đại học Fullbright Việt Nam Nguyễn Xuân Thành kiến nghị.
Thêm vào đó, chuyên gia này cho rằng, cần đổi mới hệ thống quản trị nội bộ và rủi ro của ngân hàng thương mại theo đúng tinh thần Thông tư số 13/2018 của Ngân hàng Nhà nước (quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài).
Đồng thời, khi đánh giá thị trường tài chính cũng cần quan tâm tới chỉ số nữa là gánh nặng nợ của các tập đoàn tư nhân lớn hiện nay, bởi sẽ tạo rủi ro hệ thống cho cả nền kinh tế. “Nếu nhìn trên bảng cân đối kế toán, các tập đoàn niêm yết lớn về con số tuyệt đối nhưng vấn đề là công ty con, công ty có liên quan thì tổng nợ thực chất là bao nhiêu hiện chưa có con số cụ thể. Đây là chỉ số rất quan trọng cần phải có phân tích, đánh giá”, ông Thành nêu ý kiến.