Tín dụng ngân hàng góp phần thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh
Việc triển khai các giải pháp từ ngành Ngân hàng sẽ góp phần định hướng dòng vốn tín dụng ngân hàng “chảy” vào các dự án xanh, thân thiện với môi trường, từ đó mang lại những lợi ích.
Biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, môi trường ô nhiễm đang ảnh hưởng tới sự ổn định môi trường sống của con người và là vấn đề khiến hầu hết các quốc gia trên thế giới quan tâm.
Tại Việt Nam, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và cập nhật các kịch bản ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao đã được thực hiện, nhấn mạnh vào mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và sự phát triển bền vững, đồng thời thừa nhận rằng biến đổi khí hậu là một thách thức chung đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội bao gồm Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp (DN).
Phát triển DN bền vững
Theo đánh giá của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-NHNN), với vai trò là trung gian tài chính, hệ thống ngân hàng là một mắt xích quan trọng trong việc quyết định nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, do đó, sẽ đóng vai trò chiến lược trong tiến trình phát triển bền vững.
Việc triển khai các giải pháp từ ngành ngân hàng sẽ góp phần định hướng dòng vốn tín dụng ngân hàng “chảy” vào các dự án xanh, thân thiện với môi trường, từ đó mang lại những lợi ích.
Trước hết, về phương diện quốc gia, phát triển tín dụng xanh - ngân hàng xanh đóng góp tích cực cho sự phát triển cân bằng, hài hòa giữa kinh tế, môi trường và xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo và cải thiện chất lượng đời sống nhân dân; tránh rủi ro về môi trường và xã hội mà nhiều quốc gia đã gặp phải do quá chú trọng về phát triển kinh tế mà coi nhẹ môi trường sinh thái; phù hợp xu thế chung, là cơ hội để các tổ chức tài chính, tín dụng xanh quốc tế đầu tư vốn vào Việt Nam.
Về phía các DN, phát triển tín dụng xanh là cơ hội để các DN tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi trong và ngoài nước; cơ hội nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Về lâu dài, tránh được những rủi ro về môi trường và đem lại sự phát triển bền vững của chính DN.
Về phía cộng đồng và người tiêu dùng, phát triển tín dụng xanh mang lại cơ hội sử dụng sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, hạn chế việc sử dụng sản phẩm độc hại.
Bên cạnh đó, tín dụng xanh giúp hỗ trợ cải thiện môi trường sống, duy trì và bảo tồn lợi ích về tài nguyên cho thế hệ mai sau; nâng cao nhận thức của các nhà quản lý, DN và các cá nhân về tầm quan trọng của đầu tư xanh trong phát triển bền vững.
Hỗ trợ tăng trưởng xanh
Trong thời gian qua, trên cơ sở bám sát mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước, NHNN đã chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế... qua đó đã tạo điều kiện cho các tổ chức, DN, cá nhân thực hiện các dự án góp phần bảo vệ môi trường, hỗ trợ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Cụ thể:
Cân đối, bảo đảm vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế, khơi thông dòng vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên. Từ năm 2012, NHNN điều hành hoạt động tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng đi liền với hiệu quả và an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng với trọng tâm xác định năm lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn tín dụng phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, trong đó có các lĩnh vực, dự án hỗ trợ tăng trưởng xanh như: các nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của DN ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.
NHNN ban hành Chỉ thị 03/CT-NHNN ngày 24-3-2015 về thúc đẩy tăng trưởng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; theo đó, yêu cầu hệ thống ngân hàng tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh thân thiện môi trường và xã hội, góp phần hỗ trợ các DN thực hiện tăng trưởng xanh. Đồng thời, yêu cầu các tổ chức tín dụng phải xem xét và triển khai các giải pháp quản lý rủi ro môi trường và xã hội khi thẩm định khách hàng vay vốn.
Điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành của NHNN, quy định lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam, đồng thời điều chỉnh giảm mạnh trần lãi suất này làm cơ sở để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay; nhằm hỗ trợ các DN, đặc biệt là các DN trong nhóm lĩnh vực ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ giảm chi phí vay vốn, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường đã giảm mạnh và duy trì ở mức hợp lý; lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6 đến 7%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 9 đến 10%/năm. Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm và chỉ bằng khoảng 40% nửa cuối năm 2011, thấp hơn mức lãi suất của giai đoạn 2005 - 2006.
Triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng đặc thù góp phần thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, như chính sách bảo đảm tiền vay, cơ chế xử lý rủi ro... nhằm thúc đẩy đầu tư cho vay nông nghiệp, nông thôn và phục vụ quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp: theo đó, tổ chức, cá nhân khi vay vốn để mua máy, thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất trong hai năm đầu, 50% lãi suất trong năm thứ 3; được hưởng lãi suất tín dụng đầu tư phát triển nhằm khuyến khích người dân đầu tư dự án, chế tạo máy, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến thu hoạch nâng cao giá trị, giảm tổn thất trong sản xuất nông nghiệp; cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp.
Các DN tham gia chương trình được hưởng một số cơ chế tín dụng đặc thù như: lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất thị trường khoảng 1 đến 1,5%/năm, ngân hàng thương mại có thể xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở kiểm soát được dòng tiền trong trường hợp khách hàng vay không đủ tài sản bảo đảm.
Trong năm 2014, NHNN cũng thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất cho vay thí điểm thêm 0,5%/năm (ngắn hạn: 6,5%/năm, trung hạn: 9,5%/năm; dài hạn: 10%/năm). Hỗ trợ, tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt các chương trình tín dụng cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và một số chương trình tín dụng như: nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền trung; phát triển lâm nghiệp.
Các hoạt động nêu trên đều hướng tới tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị gia tăng cho các ngành thế mạnh của Việt Nam, giảm chi phí cho một đơn vị sản phẩm; từ đó góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế theo định hướng sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, hỗ trợ bảo vệ môi trường, góp phần giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo động lực tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh hoạt động tín dụng xanh và triển khai nhiệm vụ của NHNN Việt Nam tại Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020, NHNN dự kiến triển khai hệ thống giải pháp toàn diện với mục tiêu bảo đảm hệ thống ngân hàng có thể phục vụ hiệu quả cho mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững mà đối tượng thụ hưởng chính là các DN đầu tư vào các lĩnh vực xanh, thân thiện với môi trường.