Tín dụng tăng 10,2%
(Tài chính) Trong hơn một tháng qua, tín dụng đối với nền kinh tế đã tăng hơn 2,5%.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 27/11, tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế tăng 10,22% so với cuối năm 2013. So với mức tăng 7,85% tính đến 24/10, trong hơn một tháng tín dụng đã nhảy 2,37%. Năm nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở 12-14%.
Việc tín dụng tăng nhanh diễn ra trong bối cảnh lãi suất các khoản vay tiếp tục giảm sau khi Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo giảm trần lãi suất tiền gửi, đồng thời hiệu triệu các nhà bằng giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn với các lĩnh vực ưu tiên xuống tối đa 10% một năm, lãi suất cho vay ngắn hạn những lĩnh vực này cũng giảm về 7%.
Tính đến ngày 6/11, tỷ trọng các khoản vay có lãi suất cao tiếp tục giảm. Dư nợ cho vay bằng tiền đồng có lãi suất trên 15% một năm chiếm 3,95% tổng dư nợ cho vay VND, giảm so với tỷ trọng 6,3% cuối năm 2013. Dư nợ có lãi suất trên 13% chiếm 11,1%, giảm so với tỷ trọng 19,7% cuối năm trước.
Đến ngày 27/11, tổng phương tiện thanh toán tăng gần 13,28%, huy động vốn tăng 13,33% so với cuối năm 2013. Trong đó, huy động vốn bằng tiền đồng tăng 14,74%, chủ yếu ở khu vực dân cư. "Huy động vốn tăng trong điều kiện mặt bằng lãi suất giảm cho thấy gửi tiền vào hệ thống ngân hàng vẫn đang là kênh lựa chọn của người dân", Ngân hàng Nhà nước nhận định.
Trên thị trường ngoại hối, từ giữa tháng 11, tỷ giá có xu hướng tăng chủ yếu do yếu tố tâm lý trước tin đồn Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng tỷ giá và một số tổ chức tín dụng có nhu cầu mua ngoại tệ để cải thiện trạng thái vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, sau khi Ngân hàng Nhà nước có thông cáo báo chí khẳng định không điều chỉnh tỷ giá, thực hiện bán ngoại tệ can thiệp, tâm lý thị trường đã ổn định trở lại và tỷ giá đã có xu hướng giảm.
Ngày 27/11, tỷ giá VND/USD giao dịch liên ngân hàng khoảng 21.395 đồng và nằm trong biên độ quy định, giá mua bán USD của các ngân hàng thương mại khoảng 21.390 - 21.400 đồng.