Tín hiệu chu kỳ phục hồi mới
Sau 3 tháng điều chỉnh mạnh, VN Index đang hội tụ nhiều yếu tố, cho thấy đã tạo xong đáy và bước vào một chu kỳ phục hồi.
VN Index đã tạo xong đáy
Tính từ đầu năm 2018, VN Index đã có 3 lần thủng mốc 1.000 điểm và cũng từng đó lần lui về ngưỡng 900 điểm rồi bật trở lại. Ngoài nguyên nhân điều chỉnh mạnh, diễn biến này là biểu hiện của việc thị trường dò đáy và đi tìm vùng giá hợp lý cho CP trên sàn. Khi VN Index điều chỉnh giảm 25% tính từ mức đỉnh 1.200 điểm, một loạt CP cũng điều chỉnh mạnh, như nhóm CP ngân hàng thậm chí mất giá hơn 40%.
Việc điều chỉnh giảm mạnh như vậy thường cần khoảng thời gian để NĐT định hình lại mặt bằng giá, xác định giá như thế nào là rẻ để mua vào. Theo lẽ thường, khi giá CP tăng mạnh, kỳ vọng có thể tăng tiếp, nhưng khi đã giảm sâu, suy nghĩ có thể giảm sâu hơn.
Đó cũng là lý do 3 phiên từ ngày 9 đến 11/7, khi VN Index rung lắc mạnh dưới ngưỡng 900 điểm, nhiều người bi quan cho rằng chỉ số này còn xuống đến 800 hay 850 điểm. Và khi sự bi quan bị đẩy đến tận cùng, thị trường bắt đầu bằng sự phục hồi trong nghi ngờ.
Phiên 12/7 VN Index nằm dưới ngưỡng 900 điểm, kể từ đó đến nay thị trường đã có 12 phiên tăng, áp đảo so với 3 phiên giảm. Quan sát kỹ những biến động sẽ thấy sự nghi ngờ bao phủ thị trường. Đầu tiên là 4 phiên từ 12 đến 17/7, dù điểm số của VN Index được củng cố nhưng GTGD khớp lệnh đều nằm dưới ngưỡng 3.000 tỷ đồng, cho thấy vẫn còn nhiều người chưa tin vào sự phục hồi của thị trường. Bởi chỉ trong 1/3 quãng thời gian đầu của tháng 7, dù VN Index chỉ dao động quanh vùng 900 điểm nhưng cũng khiến tài khoản nhiều NĐT bốc hơi 10-20%.
Thời điểm quyết định có lẽ nằm ở phiên 18/7 khi VN Index tăng hơn 21 điểm, xấp xỉ 2,3% lên 942 điểm, cùng với đó thanh khoản khớp lệnh tại sàn HOSE cũng đạt gần 4.000 tỷ đồng. Điểm số tăng mạnh đi kèm thanh khoản tăng mạnh cho thấy “phe mua” cả ngắn lẫn dài hạn đã chấp nhận mặt bằng giá CP rẻ thật sự, NĐT bớt đi sự thận trọng và quay trở lại thị trường nhiều hơn. Kể từ đó đến nay, GTGD khớp lệnh của HOSE đã trải qua liên tiếp 8 phiên, bất chấp điểm số thị trường tăng hay giảm, đều nằm trên ngưỡng 3.000 tỷ đồng/phiên.
Giao dịch của khối ngoại thời gian qua cũng cho thấy nhiều tích cực. Cùng với thời điểm VN Index hồi phục, bắt đầu bằng những phiên mua/bán ròng đan xen, cán cân đang nghiêng dần vào bên mua ròng cho khối ngoại. Xét về con số tổng thể hiện nay không phải phiên nào NĐTNN cũng mua ròng. Chẳng hạn có những phiên dù khớp lệnh trên sàn với giá trị ròng, nhưng chỉ cần một vài “deal” thỏa thuận với giá trị lớn, cán cân có thể chuyển sang bán ròng.
Cũng không ngạc nhiên khi một số tổ chức nước ngoài bán ròng trong thời điểm này vì họ không thể bán khi thị trường ở vùng đáy để mang tiếng… bán đáy. Bán tại thời điểm dần hồi phục là phù hợp để tránh lỗ quá nặng, đồng thời có cơ hội để đảo danh mục một cách hợp lý. Việc bán ra của từng quỹ hay bán ròng của khối ngoại tại thời điểm thị trường phân hóa nên xem xét một cách cẩn trọng, chi tiết hơn là chỉ qua con số tổng quan.
Chẳng hạn, khối này hôm nay có thể bán mạnh tại một vài CP vốn hóa lớn, nhưng lại dùng số tiền đó giải ngân trở lại sang danh mục mới, cũng có thể xem đó là tích cực.
Những thông tin tích cực
Những thông tin tích cực
Về điểm số của thị trường, dường như diễn biến của VN Index có vẻ “chiều lòng” cho cả bên mua và bán vì bên nào cũng cảm thấy mình đúng. Khi VN Index phát ra những tín hiệu hồi phục tại vùng 900 điểm, các nhận định đều đưa ra rằng chỉ số này sẽ gặp kháng cự tại vùng 930-940 điểm.
Thực tế, trong khoảng 4 phiên từ 20 đến 25/7, VN Index liên tục gặp thử thách tại ngưỡng này. Phiên 20/7, VN Index giảm mạnh gần 11 điểm xuống còn hơn 933 điểm. Thậm chí phiên 23/7 đã có lúc VN Index tăng hơn 16 điểm lên gần 950 điểm, nhưng cuối phiên chỉ còn tăng hơn 3 điểm do lực bán ra quá mạnh. Sau khi “thủng” 930 điểm vào phiên 25/7 khi giảm gần 7 điểm xuống 928 điểm, VN Index tiếp tục điều chỉnh mạnh trong nửa đầu phiên 26/7 trước khi phục hồi vào phút chót.
Đến phiên 27/7, thị trường tiếp tục rung lắc đầu phiên, nhưng đến chiều lại bứt phá khá mạnh tại nhiều nhóm CP như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, xây dựng… Điểm đáng nói ở đây là nhiều CP sau khi điều chỉnh giảm trong khoảng 3 phiên trước đó, chỉ cần 1 phiên tăng vào ngày 27/7 là lấy lại hết những gì đã mất.
Khi ngưỡng 930 điểm của VN Index được giữ vững, điểm tích cực trước tiên là tâm lý NĐT sẽ trở nên ổn định hơn, cùng với đó một mặt bằng giá mới của CP được chấp nhận. Tính từ vùng đáy 900 điểm đến nay, giá CP của nhóm ngân hàng đang giữ vai trò dẫn dắt, đã phục hồi trên dưới 15%. Đơn cử, giá CP MBB từ dưới 2.0 đã tăng lên 2.3, ACB từ dưới 3.0 tăng lên 3.5.
Nhiều CP khác ngoài nhóm ngân hàng cũng tăng giá, như FPT từ dưới 4.0 đã tăng lên trên 4.3, BVH từ 7.0 lên 7.5. Chinh phục từ 900 lên 930 điểm thành công, VN Index có thể tạo ra kỳ vọng mới khi hướng đến các mốc 950 điểm, rồi 980 điểm. Điều này hoàn toàn khả thi khi các doanh nghiệp niêm yết ngoài việc công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm vẫn còn kèm theo những thông tin như chia cổ tức, tạm ứng cổ tức… Ngày 2/8 tới, Tập đoàn Bảo Việt (BVH) sẽ chốt danh sách cổ đông để chi cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, tương ứng 1.000 đồng/CP. Tính ra trong đợt cổ tức này, BVH sẽ chi khoảng 700 tỷ đồng để tạo ra thu nhập cho cổ đông.
Tuần này, nếu VN Index có thể duy trì được vùng 930-950 điểm vào những ngày đầu tuần, khả năng bứt phá vào cuối tuần khá cao. Cần lưu ý đến xu hướng thị trường khoảng 4 tuần gần đây là hiện tượng rung lắc thường diễn ra vào đầu tuần theo kiểu bào mòn sự kiên nhẫn của NĐT, nhưng lại phục hồi và tăng mạnh vào cuối tuần.