Tín hiệu khởi sắc của hầu hết các ngành, lĩnh vực trong 6 tháng đầu năm

Gia Hân

Tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt nhiều kết quả đáng khích lệ ở hầu hết các ngành, lĩnh vực như: công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa…. Đây là tín hiệu phục hồi tích cực của nước ta trước những tác động của dịch bệnh COVID-19 và diễn biến phức tạp của các cuộc xung đột trên thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong cuộc họp báo công bố tình hình kinh tế -xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, ngày 08/01/2022,  Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022; Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.

Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết, vì vậy, kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 của Việt Nam đã khởi sắc ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Một số ngành đã có mức tăng cao hơn trước khi dịch COVID-19 xuất hiện như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa…

Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 6,42% trong mức tăng của toàn nền kinh tế; khu vực ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78% (đóng góp 5,07%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,70% (đóng góp 48,33%); khu vực dịch vụ tăng 6,60% (đóng góp 46,60%)...

Tính riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành này đã tăng 9,66% trong nửa đầu năm 2022, đóng góp 2,58 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Các ngành công nghiệp trọng điểm như sản xuất trang phục, sản xuất điện, hóa dược và dược liệu... cũng đạt được mức tăng trưởng cao.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn giữ mức tăng khá trong bối cảnh ảnh hưởng bởi thời tiết diễn biến thất thường từ đầu quý II/2022 và giá vật tư đầu vào tăng cao. Sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu tăng so với cùng kỳ; chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển ổn định; hoạt động khai thác và tiêu thụ gỗ có nhiều khởi sắc; nuôi trồng thủy sản tăng trưởng tốt do nhu cầu tiêu dùng và giá xuất khẩu tăng.

Có thể thấy, khu vực dịch vụ phục hồi mạnh mẽ sau hơn ba tháng nền kinh tế mở cửa, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương thông tin thêm, cùng kỳ năm 2020 và 2021, các ngành dịch vụ đều tăng trưởng âm nhưng từ đầu năm nay đã tăng trưởng dương trở lại ở mức hai con số nhờ Chính phủ kiểm soát tốt dịch COVID-19, triển khai Chương trình phục hồi kinh tế và mở cửa hoàn toàn đối với ngành Du lịch. Các ngành dịch vụ thị trường như: Bán buôn và bán lẻ tăng 5,82%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,5%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 11,19%; ngành Vận tải, kho bãi tăng 8,13%...

Sự vươn mình của các ngành thương mại dịch vụ có đóng góp rất quan trọng vào mức tăng trưởng GDP chung của nền kinh tế và dự báo sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ hơn trong những tháng cuối năm, trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng.

Kinh tế của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới nâng dự báo tăng trưởng năm 2022. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng triển vọng kinh tế Việt Nam có cơ sở và nền tảng để tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong 6 tháng cuối năm. Dự báo mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức 6,5% là có thể đạt được.