Tín hiệu lạc quan từ thương mại Việt - Mỹ trong bối cảnh trì trệ vì COVID-19

Theo Trần Võ/nhadautu.vn

Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Mỹ trong 7 tháng năm 2021 đạt 62,5 tỷ USD (tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2020).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tình hình thương mại Việt - Mỹ

Trong 7 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt xấp xỉ 54 tỷ USD, chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, cao hơn tỷ trọng tương ứng của cùng kỳ (26,4%), vượt xa so với thị trường đứng thứ hai (Trung Quốc chiếm 15,4%).

So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu sang Mỹ tăng 38,3%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng chung tương ứng của tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (26,2%), hay tăng 14,95 tỷ USD - chiếm 38,6% tổng mức tăng xuất khẩu của cả nước.

Mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ có nhiều, trong đó có 22 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD, đặc biệt có 9 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD (cao nhất là dệt may gần 9,2 tỷ; tiếp đến là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác 8,95 tỷ; máy tính, sản phẩm điện tử 6,77 tỷ; gỗ và sản phẩm gỗ 5,89 tỷ; điện thoại và linh kiện gần 5,2 tỷ; thủy sản 1,14 tỷ…).

Đáng chú ý, có một số mặt hàng còn chiếm tỷ trọng lớn hơn tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường Mỹ trong tổng số. Và Việt Nam cũng tiếp tục ở vị thế xuất siêu trong quan hệ buôn bán với Mỹ, với quy mô lớn hơn cùng kỳ (44,94 tỷ USD so với 30,90 tỷ USD, tăng 45,4% hay tăng 14,04 tỷ USD).

Trong khi đó, Việt Nam cũng gia tăng nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Mỹ, qua đó đạt 8,9 tỷ USD, tăng 10,4% trong 7 tháng năm 2021.

Một điểm đặc biệt, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng lớn nhất của Việt Nam. Xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ tăng liên tục trong giai đoạn 2016 – 2020; đáng chú ý, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng sang Mỹ trong năm 2020 vẫn tăng mạnh ở mức 3 con số, đạt 12,21 tỷ USD, tăng 141,5% so với năm 2019. Tính chung trong giai đoạn 2016 – 2020, xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng sang Mỹ tăng bình quân 54,8%/năm.

Mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng sang Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng 105,2% so với cùng kỳ năm 2020, dừng lại ở mức 7,73 tỷ USD.

Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng sang thị trường Mỹ tăng từ 21,0% trong năm 2016 lên 44,9% trong năm 2020 và trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng lên 45,2%.

Động lực thúc đẩy thương mại Việt – Mỹ

Đầu tháng 4, Wall Street Journal cũng đã nhận định, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ tăng nhanh và không có dấu hiệu chậm lại nhờ hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nhu cầu cao của nước Mỹ khi kinh tế phục hồi.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng đã 'tháo mác' thao túng tiền tệ cho Việt Nam. Đây là một sự kiện rất quan trọng cho thương mại hai nước. Khi đó, Việt Nam sẽ tránh được những biện pháp trừng phạt từ phía Mỹ, đặc biệt là về thương mại.

Trao đổi với nhadautu.vn, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh cho biết: "Những tín hiệu đáng mừng giữa quan hệ Việt – Mỹ cũng thể hiện thông qua việc, khi có những vấn đề trục trặc, hai nước luôn hướng đến kênh đối thoại mang tính xây dựng, ôn hòa, có lợi cho đôi bên, chẳng hạn như việc xử lý về vấn đề thao túng tiền tệ và nó đã không hề gây ảnh hưởng gì đến thương mại của hai quốc gia".

Ông Phạm Quang Vinh nhấn mạnh rằng, trong chuyến thăm lần này của Phó Tổng thống Kamala Harris, Mỹ và Việt Nam cũng sẽ cùng nhau giải quyết các vấn đề về thặng dư thương mai, qua đó thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ này.

Không chỉ vậy, đối với Mỹ, Việt Nam cũng hiện là một trong những quốc gia đóng vai trò mắt xích quan trọng tại khu vực, trong bối cảnh cả 2 nước đều cố gắng duy trì và xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tại buổi tiếp bà Harris vào ngày 25/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam coi kinh tế - thương mại là trụ cột và động lực của quan hệ Việt Nam-Mỹ; hoan nghênh việc USTR công bố kết luận điều tra theo Điều khoản 301 về vấn đề tiền tệ và không áp dụng biện pháp thương mại nào đối với Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định khung về Thương mại và đầu tư (TIFA), đồng thời xem xét khả năng thiết lập khuôn khổ hợp tác kinh tế - thương mại mới để thúc đẩy hơn nữa hợp tác thương mại song phương hài hòa, bền vững, cùng có lợi…

Phó Tổng thống Kamala Harris cũng đánh giá cao các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, nhấn mạnh Chính phủ nước này sẽ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy hợp tác với Việt Nam về kinh tế - thương mại trong tương lai.