Tin tưởng vào tiềm năng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của Việt Nam đã khẳng định được vai trò là kênh huy động vốn quan trọng đối với DN và đóng góp không nhỏ cho sự phát triển chung của nền kinh tế. Bỏ qua những “con sâu làm rầu nồi canh”, thị trường TPDN vẫn được đánh giá tích cực vào định hướng phát triển với yếu tố chất lượng đặt lên hàng đầu, ngày càng lành mạnh và minh bạch thông tin.
Sàng lọc thị trường, loại bỏ những “con sâu” đơn lẻ
Khẳng định thị trường TPDN còn nhiều tiềm năng, TS. Ngô Ngọc Quang - Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh nhận định, việc loại bỏ những “con sâu” đơn lẻ làm xấu thị trường tài chính vừa qua đã giúp môi trường đầu tư bắt đầu trở nên lành mạnh, minh bạch hơn, bớt rủi ro hơn.
“Tất cả các thị trường đang vào giai đoạn điều chỉnh mạnh, rủi ro và cơ hội đan xen lẫn nhau. Trong ngắn hạn, nhu cầu đầu tư vào các tài sản như chứng khoán, bất động sản vẫn sẽ sụt giảm và kênh đầu tư trở nên hấp dẫn, an toàn cao hơn lúc này là trái phiếu”, ông Ngô Ngọc Quang đánh giá.
Một điều dễ hiểu là bất kỳ hoạt động nào cũng có những rủi ro nhất định, đầu tư vào cổ phiếu niêm yết sẽ có lúc thị trường tăng, cổ phiếu tốt, nhưng cũng không ít cổ phiếu sụt giảm giá trị và thậm chí mất thanh khoản. Đầu tư TPDN về mức độ rủi ro thấp hơn cổ phiếu, thu nhập cố định cao hơn gửi tiết kiệm; song song với đó Bộ Tài chính đang thúc đẩy kế hoạch thiết lập thị trường giao dịch có tổ chức đối với TPDN riêng lẻ, tăng thêm thanh khoản cho sản phẩm này.
Phát triển kênh trái phiếu vừa giúp DN có thể huy động vốn từ nhiều nguồn đa dạng, giảm phụ thuộc vào tín dụng truyền thống; lại vừa mở ra kênh đầu tư hấp dẫn hơn thu hút tiền nhàn rỗi từ dân cư cũng như tổ chức, từ đó nâng cao tính hiệu quả của nền kinh tế.
Với những nỗ lực lành mạnh, ổn định thị trường trái phiếu, vừa qua, Bộ Tài chính đã kịp thời tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu DN ra thị trường quốc tế. Với các quy định theo hướng minh bạch hơn, nâng cao trách nhiệm của các bên tham gia, Nghị định này sẽ cần thời gian để thị trường làm quen, nhưng đây là cơ hội để thị trường sàng lọc, “gạn đục, khơi trong” tạo điều kiện cho các DN và nhà đầu tư chuyên nghiệp chân chính.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng Thư ký Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam cho biết, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đã tham khảo những chuẩn mực quốc tế, quy định rõ ràng để bảo đảm tất cả các thành phần tham gia thị trường có trách nhiệm minh bạch hóa thông tin và chịu trách nhiệm với việc tham gia thị trường, khi đã nắm rõ và có thông tin một cách đầy đủ.
Theo giới chuyên môn nhìn nhận, các tổ chức đã sẵn sàng cho áp dụng Nghị định số 65/2022/NĐ-CP trong giai đoạn mới. Điều này không chỉ giúp giảm bớt áp lực đáo hạn vào cuối năm mà còn có cơ hội đưa giai đoạn phục hồi của thị trường TPDN đến sớm hơn và các chuyên gia cũng dự báo rằng, thị trường TPDN sẽ tăng trưởng cao và ngày càng lành mạnh hơn, góp phần khôi phục được niềm tin với các nhà đầu tư trong thời gian tới, nhất là năm 2023.
Nhiều dư địa để phát triển
Đồng quan điểm với TS. Ngô Ngọc Quang về “sức hấp dẫn” của kênh đầu tư TPDN, chuyên gia tài chính Nguyễn Quang Thuân khẳng định, không phải trái phiếu nào cũng rủi ro vỡ nợ cao: “Tại Việt Nam, chưa có tình huống DN vỡ nợ trái phiếu. Các DN phát hành đang thanh toán gốc, lãi trái phiếu đúng hạn.
Thực tế, nhiều DN phát hành trái phiếu, kể cả trong ngành bất động sản, có tỷ lệ đòn bẩy nợ thấp, một số đa dạng hóa được nguồn thu, chất lượng quản trị DN tốt và dòng tiền trả nợ được đánh giá là có thể đáp ứng được trước áp lực đáo hạn trái phiếu trong môi trường lãi suất gia tăng hiện nay.” Vì thế, ông Nguyễn Quang Thuân cho rằng, sẽ là điều đáng tiếc cho thị trường và tổn thất cho chính nhà đầu tư nếu tìm cách bán lại trái phiếu bằng mọi giá.
Phát biểu tại Tọa đàm về phát triển bền vững thị trường trái phiếu, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhấn mạnh, cần phải nhìn nhận đúng vai trò của TPDN. TS. Cấn Văn Lực cho hay, đây là kênh huy động vốn trung và dài hạn rất quan trọng. Hàng năm hệ thống ngân hàng đưa ra nền kinh tế 1,4 - 1,5 triệu tỷ đồng, 45% trong đó là vốn trung dài hạn. Như vậy, nhu cầu vốn trung và dài hạn của nền kinh tế rất lớn.
“Ước tính giai đoạn 2022-2025, nền kinh tế cần 3,15 triệu tỷ đồng/năm để đầu tư toàn xã hội, trong khi vốn Nhà nước chỉ chiếm 25%-26%, còn lại phải huy động nguồn lực bên ngoài. Từ đó cho thấy vai trò quan trọng của thị trường vốn nói chung và thị trường trái phiếu DN nói riêng. Khi thị trường TPDN phát triển sẽ góp phần đa dạng hoá kênh đầu tư, đa dạng hoá sản phẩm tài chính.” – TS. Cấn Văn Lực cho hay.
Chuyên gia Công ty chứng khoán TCBS Nguyễn Thị Hoạt cho biết, trên thực tế, thị trường trái phiếu là kênh dẫn vốn hiệu quả cho DN ở nhiều quốc gia trên thế giới, san sẻ gánh nặng với hệ thống ngân hàng. Tại thị trường Thái Lan, số dư nợ trên trái phiếu hơn 25%GDP, Singapore là 37%GDP và Malaysia là 57%GDP, lớn hơn nhiều so với thị trường Việt Nam. Điều này cho thấy, xu hướng phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam là tất yếu và còn nhiều dư địa.
Bà Phạm Minh Hương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cũng cho rằng thị trường TPDN vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển nhưng đồng thời, bà Phạm Minh Hương cũng khuyến cáo nhà đầu tư mua trái phiếu, cổ phiếu phải nhìn vào "sức khỏe" của dòng tiền kinh doanh, mô hình kinh doanh và quản trị bền vững của DN.
“Tiêu chí để đánh giá tín nhiệm một DN cần nhìn vào việc quản trị DN, năng lực trả nợ, năng lực vốn, tài sản đảm bảo bằng dòng tiền và điều kiện phát hành. Vì thế, nhà đầu tư cần trang bị cho mình kiến thức để hiểu và đánh giá đúng tình trạng DN, nắm rõ được rủi ro và tiềm năng với khoản đầu tư. Mỗi người có trách nhiệm nhận diện thông tin, bình tĩnh, soi xét để lựa chọn đầu tư, không nghe tin đồn thổi để tránh thiệt hại không đáng có.” – Bà Phạm Minh Hương chia sẻ.