Xây lại niềm tin vào tương lai thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, niềm tin đóng vai trò rất quan trọng trên thị trường tài chính, đặc biệt là trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Do vậy, việc lấy lại niềm tin cho thị trường là trách nhiệm của nhiều cơ quan quản lý và các chủ thể tham gia thị trường.
Chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”
Thị trường vốn, đặc biệt là thị trường TPDN đã phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới và trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả cho DN. Tại nhiều quốc gia trong khu vực như dư nợ TPDN/GDP khá cao, chẳng hạn, dư nợ TPDN/GDP tại Thái Lan là 25%; Singapore là 37%; Malaysia là 17%.
Trong khi đó, tại Việt Nam, dư nợ của TPDN riêng lẻ hiện khoảng 1.204 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,8% GDP. Theo chiến lược phát triển của thị trường chứng khoán thì TPDN riêng lẻ đến năm 2030 đạt 25%.
Trong khoảng 3 năm trở lại đây, thị trường TPDN phát triển bùng nổ, đáp ứng được nhu cầu của nhà phát hành, nhà đầu tư có tổ chức hay nhỏ lẻ. Hành lang pháp lý trong lĩnh vực này cũng nhanh chóng hoàn thiện.
Tuy nhiên, dù không đại diện cho toàn thị trường, nhưng những sai phạm thời gian qua tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát như “con sâu làm rầu nồi canh”, làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư vào kênh TPDN.
Củng cố niềm tin thị trường
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, niềm tin đóng vai trò rất quan trọng trên thị trường tài chính, đặc biệt là trên thị trường TPDN. Thị trường phát triển ổn định, hiệu quả, an toàn thì nhà đầu tư sẵn sàng tham gia và khi đó, thị trường mới có sự phát triển bền vững bởi “cung vững – cầu chắc”. Do vậy, việc lấy lại niềm tin cho thị trường cũng là trách nhiệm của nhiều cơ quan quản lý và các chủ thể tham gia thị trường.
Với vai trò quản lý của mình, Bộ Tài chính đã tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP với nhiều điểm mới, theo hướng chặt chẽ hơn, nâng cao trách nhiệm của các bên tham gia, góp phần giúp thị trường sàng lọc, “gạn đục, khơi trong”, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư chuyên nghiệp chân chính.
Báo cáo tại phiên họp của Quốc hội chiều ngày 28/10/2022, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, trong thời gian tới, Bộ Tài chính đề xuất sửa Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và các nghị định liên quan để kiểm soát chặt chẽ, minh bạch thị trường TPDN và tạo ra nguồn vốn trung và dài hạn cho sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp phát hành, các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian, điển hình các công ty chứng khoán và các doanh nghiệp kiểm toán. Nếu phát hiện sai phạm chắc chắn bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật nhằm lập lại kỷ cương, kỷ luật thị trường. Bộ cũng đôn đốc các công ty phát hành, công ty chứng khoán thanh toán TPDN riêng lẻ đến hạn, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp lừa dối khách hàng, không thanh toán trái phiếu đúng hạn, đồng thời công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng nhấn mạnh, công tác thông tin tuyên truyền cần tiếp tục được đẩy mạnh để các chủ thể phát hành, đặc biệt là nhà đầu tư, người dân hiểu rõ hơn về TPDN, nhất là TPDN riêng lẻ để tham gia an toàn và chịu trách nhiệm trước hành động của mình.
Kỳ vọng mới từ Nghị định số 65/2022/NĐ-CP
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, mặc dù thị trường nhiều biến động nhưng không xảy ra đối với tất cả các loại TPDN, mà có sự phân hóa đối với những trái phiếu phát hành riêng lẻ của các tổ chức uy tín thông qua tổ chức phân phối chuyên nghiệp. TPDN vẫn hấp dẫn khi nhà đầu tư đánh giá được mức độ rủi ro, cân đối giữa rủi ro và lợi nhuận thu được.
Trong báo cáo về thị trường TPDN mới đây, FiinRatings cho rằng, với sự ra đời của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP, nhu cầu phát hành trái phiếu được giải tỏa, khối lượng phát hành dự kiến sẽ gia tăng trở lại. Theo đó, với tình trạng dồn nén và chờ đợi định hướng chính sách trong nhiều tháng, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sẽ tháo gỡ nút thắt huy động vốn thông qua TPDN.
Theo FiinRatings, mặc dù kênh vốn tín dụng ngân hàng cũng được nới ở mức độ nhất định nhưng không thể đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, nhất là các ngành có nhu cầu vốn trung và dài hạn như bất động sản và năng lượng. Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ra đời sẽ tạo động lực cho các nhà phát hành đủ điều kiện nhanh chóng xây dựng phương án chào bán trái phiếu.