Tính đến ngày 20/6/2021, Việt Nam đón nhận 15,27 tỷ USD vốn FDI

Việt Dũng

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/6/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 15,27 tỷ USD, bằng 97,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2021, đã có 804 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm 43,3% so với cùng kỳ, song tổng lượng vốn đăng ký đạt gần 9,55 tỷ USD,tăng 13,2% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, có 460 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 12,5%, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 4,12 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ; 1.855 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 55%, tổng giá trị vốn góp đạt gần 1,61 tỷ USD, giảm 54,3% so với cùng kỳ.

Trong 6 tháng đầu năm (tạm tính đến ngày 20/6/2021), tổng lượng vốn FDI đã thực hiện ước đạt 9,24 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020. Tính lũy kế đến ngày 20/6/2021, cả nước có 33.787 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 397,89 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 241,1 tỷ USD, bằng 60,6% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực tại Việt Nam. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 6,98 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư đăng ký; lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,34 tỷ USD, chiếm gần 35% tổng vốn đầu tư đăng ký; tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt 1,15 tỷ USD và 476 triệu USD...

Về đối tác đầu tư, đã có 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Đầu tư của một số đối tác lớn như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc đều tăng lên so với cùng kỳ. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,64 tỷ USD, chiếm gần 36,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020. Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,44 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng vốn đầu tư và tăng 66,8% so với cùng kỳ... 

Trong nửa đầu của năm 2021, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 56 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,57 tỷ USD, chiếm 23,4% tổng vốn đầu tư đăng ký; TP. Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 1,43 tỷ USD, chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư; Cần Thơ đứng thứ ba với 1,32 tỷ USD, chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư; tiếp theo lần lượt là Bình Dương, Hải Phòng, TP. Hà Nội…

Đại diện của Cục Đầu tư nước ngoài nhận định, trong thu hút FDI 6 tháng đầu năm tuy có dấu hiệu giảm sút về số dự án mới, nhưng đây vẫn là một tín hiệu tích cực trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát và vẫn còn diễn biến phức tạp.

Dịch Covid-19 đang làm dòng vốn FDI có sự dịch chuyển mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Đây là cơ hội và cũng là thách thưc đối với các quốc gia muốn thu hút dòng vốn FDI. Để đón đầu xu hướng dịch chuyển này rất nhiều nước đã có những chính sách vô cùng ưu đãi với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn.

Với việc khống chế dịch bệnh hiệu quả được đánh giá là điểm đến an toàn, cùng với nguồn nhân công dồi dào, giá rẻ và các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI Việt Nam hiện được xem là “đất lành” cho dòng vốn FDI chất lượng cao.

Sau đại dịch Covid-19, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế lớn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hạn chế việc quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Việt Nam trở thành một trong những ứng cử viên sáng giá đón dòng vốn dịch chuyển này nhờ thành công trong ngăn chặn dịch bệnh.

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, để thu hút được đầu tư từ các tập đoàn xuyên quốc gia từ những nước phát triển như Mỹ và khối EU, Việt Nam cần chú trọng quan tâm đến ngoài những vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư.

Bên cạnh đó, cần đặc biệt hiểu rõ những yêu cầu của các nhà đầu tư về tính công khai, minh bạch, ổn định, dễ dự báo về thể chế, chính sách và luật pháp; thực thi pháp luật nghiêm minh, thống nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; thủ tục hành chính đơn giản, bảo đảm thời gian đã quy định...

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Việt Nam sẽ tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện, thỏa mãn nhu cầu của nhà đầu tư nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác; khai thác thời cơ từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để chủ động đón dòng vốn dịch chuyển.