Để niềm tin của nhà đầu tư FDI không lung lay vì COVID-19
Dịch COVID-19 đang gây ra những tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất ở các khu công nghiệp của Bắc Giang, Bắc Ninh - nơi được xem là "thủ phủ làm tổ" của các doanh nghiệp FDI lớn. Trong bối cảnh khó khăn, việc hỗ trợ, giải quyết những khó khăn cho các doanh nghiệp FDI là rất quan trọng, giúp giữ vững niềm tin về môi trường đầu tư kinh doanh mà Việt Nam đã gây dựng bao năm qua.
Đại diện tỉnh Bắc Ninh - nơi đang trở thành tâm dịch COVID-19 cho biết, thời gian qua đã nhận được nhiều đề xuất của Tập đoàn Samsung liên quan tới việc giữ ổn định sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng. Trong đó, nhiều đề xuất thuộc cấp quản lý của địa phương đã được tỉnh giải quyết.
Không để đứt gãy chuỗi sản xuất
Qua làm việc với Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung, bà Nguyễn Hương Giang, - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh chia sẻ, vấn đề lớn nhất là làm sao giải quyết được vendor (nhà cung cấp) ở Bắc Giang sớm hoạt động trở lại, đáp ứng chuỗi cung ứng cho cơ sở Bắc Ninh. Vừa qua, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam cũng đã điện thoại nhờ Bắc Ninh tạo điều kiện hỗ trợ cho Tập đoàn Samsung.
Theo đó, bà Giang cho biết, liên quan tới kiểm soát dịch trong các khu công nghiệp, tỉnh Bắc Ninh sẽ kiểm soát dịch theo theo hình thức cách ly doanh nghiệp (DN) với DN, công nhân lao động sau khi được xét nghiệm sẽ làm việc tập trung tại DN, không ra ngoài trong thời gian dịch bệnh, đảm bảo vừa sản xuất vừa chống COVID-19.
"Duy trì sản xuất trong khu công nghiệp rất quan trọng. Chúng tôi đề nghị Bộ Công Thương có thể động viên chủ DN, đặc biệt DN FDI lớn để họ tin tưởng vào sự lãnh đạo, điều hành của Chính phủ, đảm bảo điều kiện cho DN cùng cấp chính quyền khắc phục khó khăn như liên quan tới giãn cách lao động, chống dịch COVID-19", bà Giang nêu khi làm việc với Bộ Công Thương.
Thực tế, khảo sát của Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) mới đây về tác động của đợt bùng phát dịch COVID-19 tại Việt Nam lên tình hình kinh doanh cho thấy, sự bùng phát dịch COVID-19 đang gây ra sự lo lắng và hoang mang cho mọi ngành nghề kinh doanh tại Việt Nam. Theo ông Adam Sitkoff, Giám đốc Điều hành AmCham, hơn 90% thành viên AmCham phản hồi rằng đợt bùng phát dịch hiện nay đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Những thách thức lớn nhất nằm ở việc thiếu vắc xin để bảo vệ các thành viên cũng như những yêu cầu về điều kiện và thủ tục giấy tờ gây khó khăn trong việc đưa những nhân sự quan trọng của họ về Việt Nam. Hơn 70% người được hỏi cho biết công ty của họ đang hạn chế các chuyến công tác tại Việt Nam.
Theo kết quả khảo sát, các thành viên của AmCham liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhiều người được tiêm vắc xin hơn nữa. Thực tế cho thấy, 88% lượng người phản hồi nói rằng công ty của họ sẽ trả thêm tiền để được nhận vắc xin chất lượng cao.
Ở diễn biến liên quan, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính đến 20/5/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 14 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, xét về dự án mới, trong 5 tháng qua chỉ có 613 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giảm 49,4% so với cùng kỳ); 342 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 21,6%). Điều này đặt ra vấn đề làm sao để tăng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài về môi trường kinh doanh ở Việt Nam trong bối cảnh dịch COVID-19.
Lấy lại sức hấp dẫn
Dù dịch COVID-19 bùng phát trở lại, song theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam vẫn có cơ hội để tăng thu hút FDI. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, xu hướng chuyển dịch các chuỗi cung ứng mà Việt Nam là một trong những tâm điểm trong chuỗi cung ứng đó sẽ vẫn là cơ hội lớn.
"Tôi tin tưởng rằng với những nỗ lực của Chính phủ, của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện chiến lược phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế song hành, với tinh thần của Thủ tướng, của Chính phủ là phải kết hợp hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, tăng cường sự chủ động, áp dụng những hình thức rất linh hoạt để phát triển kinh tế trong thời kỳ bình thường mới và cũng phải sống chung với dịch. Đấy chính là những định hướng, cách thức chúng ta sớm vượt qua được đại dịch và lấy lại được sức hấp dẫn về đầu tư nước ngoài cũng như đà tăng trưởng", ông Lộc nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, việc tháo gỡ khó khăn cho các DN, đặc biệt các DN FDI như Samsung được phép hoạt động trở lại trong khu công nghiệp là rất quan trọng. Điều này cần được ưu tiên, một mặt chống dịch nhưng phải đảm bảo "mục tiêu kép". DN nào đảm bảo các điều kiện chống dịch tốt thì cần được ưu tiên hoạt động trở lại.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, sẽ đề xuất với Chính phủ về việc cho phép nhập cảnh một số chuyên gia đầu ngành và chỉ đạo tổ chức thật tốt việc cách ly bắt buộc và việc tổ chức làm việc trực tuyến cho các chuyên gia khi nhập cảnh vào Việt Nam.
"Tôi nói điều này cực kỳ quan trọng vì Bắc Ninh chủ yếu là DN FDI sản xuất các mặt hàng rất đặc thù mà chuyên gia trong nước thì không làm được việc đó. Cho nên mặc dù chúng ta phải căng mình phòng chống dịch. Mặc dù chúng ta phải áp dụng biện pháp rất nghiêm ngặt, hạn chế việc nhập cảnh, kể cả việc nhập cảnh người Việt ở nước ngoài hoặc nhập cảnh các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam, nhưng rõ ràng đối với các chuyên gia trong các khu công nghiệp phục vụ xuất khẩu thì không thể áp dụng việc tương tự như thế", ông Diên nhấn mạnh.
Theo đó, Bộ trưởng Công Thương cho rằng, cần tổ chức cách ly bắt buộc có sự giám sát nhưng đồng thời có sự tạo điều kiện để các chuyên gia nước ngoài mặc dù là trong khu cách ly nhưng vẫn có thể làm việc, tương tác trực tiếp, gián tiếp với các chuyên gia trong nước để họ thực hiện được nhiệm vụ. Đồng thời với việc đó là phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch, như tình trạng nhập cảnh trái phép người nước ngoài vào Việt Nam.
Trong một vài ngày tới, Bộ trưởng Công Thương cho biết, sẽ bối trí cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo Bộ Công Thương, các Cục, Vụ có liên quan với doanh nghiệp FDI, nhất là các DN có mặt hàng xuất khẩu, các DN xuất khẩu lớn trong khu vực và thế giới để lắng nghe các ý kiến, trao đổi đối thoại và cũng là để họ yên tâm tổ chức sản xuất. Mặt khác cũng đặt ra yêu cầu với các DN để bảo đảm các chế độ chính sách cho người lao động trong lúc này.