Tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu giảm phát thải 45% đến năm 2035

PV

Đề án Giảm thiểu khí carbon trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai nhiều năm tới.

Dự thảo kế hoạch thực hiện hợp phần 1: Nghiên cứu thực trạng phát thải khí nhà kính trên địa bàn Tỉnh đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan.
Dự thảo kế hoạch thực hiện hợp phần 1: Nghiên cứu thực trạng phát thải khí nhà kính trên địa bàn Tỉnh đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan.

Ngày 19/2/2024, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 385/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Giảm thiểu khí các-bon trên địa bàn Tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm phát thải 20%, năm 2035 giảm phát thải 45% và phát thải bằng 0 vào năm 2050.

Với tư duy đột phá, phát huy tốt các tiềm năng và lợi thế của Tỉnh, Đồng Nai xác định tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là một trong các cực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam, đi đầu trong phát triển công nghiệp tạo giá trị cao, đầu mối giao thương quốc tế và đô thị đẳng cấp, đáng sống; đồng thời, tỉnh Đồng Nai cũng sẽ là nơi tập trung trí thức và nhân tài, lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm, hoàn thành mục tiêu phát thải trung tính “Net Zero 2050”.

Đề án sẽ giúp tỉnh Đồng Nai nâng cao năng lực quản lý, đánh giá và theo dõi phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh; xây dựng và thực hiện lộ trình giảm phát thải theo sự thống nhất của tỉnh; phát triển và triển khai các chiến lược và dự án giảm thiểu các-bon theo chuyên ngành và đa ngành; xác định và kết nối với các đối tác tài chính xanh để đảm bảo đầu tư vào tính và thực hiện các giải pháp tài chính xanh sáng tạo; tạo ra các cơ hội mới cho Đồng Nai trong việc phát triển các ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, kinh tế số và kinh tế trung tính các-bon, đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế.

Thời gian để các đơn vị chức năng nghiên cứu thực hiện Đề án là 18 tháng; Phạm vi nghiên cứu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai với 07 ngành, lĩnh vực chủ yếu gồm: Năng lượng; Giao thông; Công nghiệp (Quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm - IPPU); Môi trường (Chất thải); Nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất mục đích khác (AFOLU); Xây dựng và vật liệu; Khu đô thị (Urban).

Hiện, dự thảo Kế hoạch thực hiện hợp phần 1 của Đề án (Nghiên cứu thực trạng phát thải khí nhà kính trên địa bàn Tỉnh) đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan. Kế hoạch này sẽ là cơ sở triển khai thực hiện hợp phần 1, hợp phần đầu tiên trong 3 hợp phần của Đề án.

Tại Hội nghị báo cáo triển khai Đề án Giảm thiếu khí các-bon vừa được tổ chức, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là tất yếu. Đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm phát thải, các sở, ngành chuyên môn tiếp cận các quy định, quy chuẩn liên quan tham mưu cho UBND tỉnh kế hoạch thực hiện. Đồng Nai phải học tập kinh nghiệm từ các nước đi trước, công bố rộng rãi để nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị thực tiễn của đề án. Cùng với đó, xác định nhiệm vụ cụ thể, lộ trình thực hiện các hợp phần. Tăng cường tập huấn cho đội ngũ cán bộ chuyên sâu về ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm khí thải nhà kính...

Đề án Giảm thiểu khí carbon là chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh nhiều năm tới. Lãnh đạo Tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND Tỉnh kiện toàn và ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo về tăng trưởng xanh tỉnh Đồng Nai. Chủ trì làm việc với các doanh nghiệp hỗ trợ chương trình, kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về chuyển đổi xanh để cập nhật kiến thức, quy định đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng kế hoạch triển khai hợp phần 1, trong đó xác định công việc, tiến độ, thời gian và đơn vị chịu trách nhiệm để thuận lợi trong việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai đề án. Lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng đề cương, dự toán kinh phí thực hiện hợp phần 1 theo quy định. Mời gọi các nhà đầu tư, nghiên cứu lập đề án, dự án về tín chỉ carbon thương mại trên địa bàn Tỉnh.

Sở Xây dựng lập chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh, lồng ghép với ứng dụng công nghệ xanh, thân thiện môi trường cho từng đô thị; từng bước chỉnh trang đô thị, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo các đô thị phát triển một cách bền vững.

Các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị của Tỉnh đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia thực hiện mục tiêu cam kết giảm thiểu khí carbon trên địa bàn Tỉnh.