Tỉnh Hậu Giang đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công


Hậu Giang triển khai đồng bộ các biện pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, phấn đấu đến khi kết thúc niên độ ngân sách phải đạt tỷ lệ từ 97% trở lên.

Các nhà thầu luôn cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ vào hoạt động thi công các công trình. Ảnh: Ngọc Anh
Các nhà thầu luôn cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ vào hoạt động thi công các công trình. Ảnh: Ngọc Anh

Sớm giải quyết các vướng mắc

Tổ công tác số 10 có 6 đơn vị chủ đầu tư, bao gồm: Sở Giao thông Vận tải, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh, Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Hậu Giang, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh.

Qua rà soát của tổ công tác, tính đến ngày 15-3, tổng số kế hoạch vốn đầu tư công của tổ quản lý trên 2.560 tỉ đồng, chiếm khoảng 50% trong tổng kế hoạch vốn đầu tư công toàn tỉnh. Qua rà soát của Tổ công tác số 10, tính đến trung tuần tháng 3, công tác trình phê duyệt phương án bồi hoàn (hoặc bổ sung phương án bồi hoàn) của Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh và cấp huyện còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ thi công và nguồn vốn đã bố trí của các dự án trong năm 2023. Đối với các dự án khởi công mới việc triển khai các thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt dự án mất nhiều thời gian.

Các chủ đầu tư cũng đề nghị các địa phương, Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp tỉnh và cấp huyện phối hợp chặt chẽ, sớm xử lý các vướng mắc liên quan đến công tác bồi hoàn, đảm bảo phê duyệt phương án bồi hoàn hoàn thành trong quý II/2023; tạo thuận lợi trong công tác thi công, giải ngân vốn năm 2023 đối với các dự án Đường tỉnh 929 (đoạn từ Đường tỉnh 931B đến Quốc lộ 61); Cải tạo, mở rộng Đường tỉnh 925B (đoạn từ xã Vị Thủy đến xã Vĩnh Thuận Tây); Đường tỉnh 931 (đoạn từ thị trấn Vĩnh Viễn đến cầu Xẻo Vẹt) và đặc biệt là Đường tỉnh 926B, tỉnh Hậu Giang kết nối với tuyến Quản lộ Phụng Hiệp, tỉnh Sóc Trăng, do đây là dự án có nguồn vốn bố trí rất lớn trong năm 2023. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc liên quan đến đất đai.

Ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhận xét, tính đến ngày 15/3, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tổ còn rất chậm so với kế hoạch và các mốc thời gian quy định; gần 3 tháng mới giải ngân 9,6%. Có nhiều nguyên nhân cần được khắc phục.

Điển hình là khâu lập thủ tục đầu tư, thu hồi đất, thực hiện giải quyết tồn đọng đối với các công trình chuyển tiếp còn chậm; công tác phối hợp chưa chặt chẽ… Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng cần tập trung chỉ đạo trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án; những vướng mắc vượt thẩm quyền, báo cáo ngay về UBND tỉnh tổng hợp giải quyết.

Lãnh đạo tỉnh đề nghị các chủ đầu tư làm tốt công tác chuẩn bị thực hiện dự án, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi để giải ngân vốn của dự án được giao kế hoạch năm 2023. Tăng cường đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến hành nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng. Đối với các dự án chuyển tiếp, chủ đầu tư phối hợp từng địa phương rà soát, giải quyết ngay vướng mắc theo thẩm quyền.

Đồng thời, các chủ đầu tư cần tăng cường năng lực dự đoán tình hình, không để bị động trước những khó khăn vướng mắc đột xuất, để chủ động đề ra biện pháp tháo gỡ. Có kế hoạch quản lý chặt chẽ tiến độ hợp đồng với nhà thầu và tiến độ giải ngân vốn trên từng công trình, dự án.

Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng. Đối với UBND cấp huyện, đề nghị rà soát đảm bảo nguồn nhân lực của Trung tâm Phát triển quỹ đất để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án đang triển khai trên địa bàn.

Thi đua giải ngân kế hoạch vốn năm 2023

Tính đến nay, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh Hậu Giang là gần 5.000 tỉ đồng, cao hơn 1.352 tỉ đồng so với kế hoạch vốn năm 2022. Với số vốn phân bổ lớn như vậy, bên cạnh các giải pháp quyết liệt đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án; UBND tỉnh Hậu Giang tiếp tục ban hành Kế hoạch Phát động phong trào thi đua thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 lập thành tích chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh giữa các Tổ công tác, các chủ đầu tư.

Qua đây, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, người được phân công theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án để đôn đốc, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ với trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức được phân công.

Đồng thời, các ngành, đơn vị cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, áp dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào hoạt động thi công các công trình, phù hợp với yêu cầu, điều kiện. Đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện các công trình, dự án, đồng thời đảm bảo chất lượng, kiên quyết không nghiệm thu công trình khi không đáp ứng yêu cầu về thiết kế và chất lượng.

Thực hiện tốt thủ tục hành chính trong giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo thực hiện thủ tục nhanh, gọn đúng theo các quy định của pháp luật từ khâu chuẩn bị đầu tư, triển khai thi công, giám sát thi công đến thanh quyết toán công trình…

Theo ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, việc phát động phong trào thi đua nhằm phát huy và khuyến khích tính sáng tạo của các tổ chức và cá nhân, đề xuất những giải pháp khắc phục khó khăn để đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng, thực hiện hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh và hoàn thành mục tiêu giải ngân.

Đồng thời, đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, đặc biệt tập trung chỉ đạo, điều hành giải ngân vốn đầu tư đã được bố trí; chủ đầu tư phát huy tinh thần trách nhiệm, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, cần kiên quyết trong chỉ đạo, điều hành, yêu cầu các đơn vị tư vấn, nhà thầu tuân thủ nghiêm kế hoạch, thời gian đã cam kết.

Gắn với 20 năm thành lập tỉnh, UBND tỉnh Hậu Giang cũng phát động phong trào thi đua giữa các đơn vị thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đối tượng thi đua là các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể tỉnh; các chủ đầu tư và các đơn vị liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn.

Qua đây, nhằm phát huy vai trò cấp ủy, các ngành, chính quyền các cấp quyết liệt trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện có hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; chủ động giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại các dự án, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nâng cao nhận thức của tầng lớp nhân dân về lợi ích của các dự án được triển khai, qua đó tạo sự đồng thuận của Nhân dân cùng các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện các dự án.

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng đóng góp trực tiếp vào việc tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm. Các công trình hoàn thành sẽ là điều kiện quan trọng thu hút các nguồn lực đầu tư xã hội khác nhau. Do vậy, các ngành, địa phương đang tiếp tục tập trung nguồn lực cho giải ngân vốn đầu tư công, xem việc tiếp tục đẩy mạnh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là chìa khóa cho tăng trưởng nền kinh tế trong thời gian tới, vừa kích cầu nền kinh tế, vừa giúp tiêu thụ nguyên vật liệu và giải quyết việc làm cho người lao động.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công. Chỉ thị nêu rõ quan điểm, định hướng chỉ đạo điều hành là xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành, thực hiện điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Cần bám sát, nhận diện và đánh giá đúng tình hình, tăng cường năng lực dự báo, phản ứng chính sách, chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án.

Các cấp, các ngành chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm, nêu gương người đứng đầu; tăng cường phối hợp giữa các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị, không để kéo dài, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực. Đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong mọi mặt hoạt động đầu tư công; tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công. Khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho đầu tư, lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt đầu tư tư.

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các địa phương tập trung giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, công tác dân vận kịp thời, đúng quy định, bảo đảm đúng pháp luật và hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân, không để xảy ra khiếu kiện, phát sinh thành điểm nóng.

Chỉ đạo thực hiện theo tiến độ, kế hoạch các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia phân cấp cho các địa phương là cơ quan chủ quản thực hiện dự án, xác định vị trí, diện tích bãi đổ thải sử dụng cho các dự án này. Lập kế hoạch và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân chi tiết trên từng dự án.

 

Theo kế hoạch của UBND tỉnh Hậu Giang, đối với nguồn vốn đầu tư công năm 2022 kéo dài sang năm 2023, phấn đấu giải ngân đạt 100% trước ngày 1/10/2023. Đối với kế hoạch vốn đầu tư công giao đầu năm 2023, phải giải ngân đạt tối thiểu 60% trước ngày 1/7/2023. Riêng nguồn vốn giao năm 2023 kể cả nguồn giao bổ sung, đến ngày 31/12/2023 phải giải ngân đạt tối thiểu 95%; đến khi kết thúc niên độ ngân sách năm 2023 (tức ngày 31/1/2024) phải giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đạt tối thiểu 97%.

Theo Ngọc Anh /Báo Hậu Giang