Tỉnh Hậu Giang hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2022

Phạm Nga

Ngày 27/4/2022, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Kế hoạch số 70/KD-UBND về việc thực hiện chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn năm 2022.

Các doanh nghiệp tham gia sẽ được hỗ trợ áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng
Các doanh nghiệp tham gia sẽ được hỗ trợ áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng

Mục tiêu của Kế hoạch là áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất chất lượng nhằm nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa của tỉnh trên thị trường. Đồng thời, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm chủ lực của Tỉnh, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Ngoài hoạt động thông tin, tuyên truyền, chương trình sẽ tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như ISO 9001, 14000, 22000, 50001, 17025, SA 8000, HACCP, VietGAP, GlobalGAP…; áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh.

Các doanh nghiệp tham gia còn được hỗ trợ áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng (Kaizen, 5S, Six Sigma, các công cụ thống kê…), công cụ cải tiến năng suất chất lượng đặc thù của ngành, lĩnh vực, tiêu chuẩn về hệ thống quản lý mới được công bố.

Đồng thời, doanh nghiệp còn được cấp chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài, quy chuẩn kỹ thuật; tham gia giải thưởng chất lượng quốc gia; đào tạo chuyên gia đạt trình độ tư vấn về hệ thống quản lý chất lượng, năng suất chất lượng; đào tạo kiến thức về truy xuất nguồn gốc, các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như ISO 9001, 14000, 22000, 50001, 17025, SA 8000, HACCP…  

Đối tượng tham gia là các các doanh nghiệp chế biến rau quả, thủy sản; ngành cơ khí chế tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp và thủy sản; sản xuất hàng hóa nông sản chủ lực của tỉnh; quần áo may sẵn, giày da, hàng tiêu dùng; doanh nghiệp đáp ứng theo các tiêu chí của Giải thưởng chất lượng quốc gia; các doanh nghiệp chế biến rau quả, thủy sản; ngành cơ khí chế tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp và thủy sản; sản xuất hàng hóa nông sản chủ lực của tỉnh; quần áo may sẵn, giày da, hàng tiêu dùng…

Nguồn kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước (sự nghiệp khoa học và công nghệ) và các nguồn hợp pháp khác.

Sở Khoa học và Công nghệ Hậu Giang là đơn vị chủ trì triển khai thực hiện . Định kỳ vào tháng 6, tháng 12 hoặc khi có yêu cầu đột xuất báo cáo kết quả thực hiện Chương trình về Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND Tỉnh theo quy định.