Tình hình doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường năm 2024


Tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong năm 2024 trên cả nước đạt hơn 157,2 nghìn doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là hơn 1.547,0 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 1.001,5 nghìn lao động, giảm 1,4% về số doanh nghiệp, giảm 1,8% về vốn đăng ký và giảm 5,4% về số lao động so với năm trước.

Năm 2024, bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều yếu tố rủi ro, bất định. Xung đột quân sự tiếp tục leo thang, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra ngày càng gay gắt, nhiều quốc gia tăng cường chính sách bảo hộ thương mại, nợ công và thâm hụt ngân sách gia tăng, sự tụt dốc của một số nền kinh tế lớn, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy cục bộ đã tác động đến hòa bình, ổn định và tăng trưởng kinh tế thế giới. Cùng với đó, thiên tai, thời tiết cực đoan ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của dân cư và phát triển kinh tế – xã hội tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, kinh tế thế giới đang dần ổn định khi thương mại hàng hóa toàn cầu được cải thiện trở lại, áp lực lạm phát giảm dần, điều kiện thị trường tài chính tiếp tục được nới lỏng, thị trường lao động phục hồi tích cực.

Trong nước, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, sâu sát, kịp thời của Đảng; sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội; sự tham gia sâu rộng của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế; tình hình kinh tế – xã hội nước ta năm 2024 tiếp tục xu hướng phục hồi rõ nét, tăng trưởng khởi sắc dần qua từng tháng, từng quý, lạm phát thấp hơn mức mục tiêu, các cân đối lớn được đảm bảo. Năm 2024, nền kinh tế nước ta đạt mức tăng trưởng 7,09% (vượt mục tiêu 6-6,5% đã đề ra). Đây là mức tăng trưởng rất tích cực, thể hiện sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trước những biến động nhanh, bất thường trong khu vực và trên thế giới, cũng như trước những thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của Nhân dân ở nước ta. Trong bối cảnh đó, bức tranh về tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2024 tuy còn hiện hữu nhiều khó khăn nhưng nhìn chung vẫn có những điểm sáng. Tính chung năm 2024, cả nước có hơn 233,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 7,1% so với năm 2023 và gấp 1,2 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Bình quân một tháng có gần 19,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới

Tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong năm 2024 trên cả nước đạt hơn 157,2 nghìn doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là hơn 1.547,0 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 1.001,5 nghìn lao động, giảm 1,4% về số doanh nghiệp, giảm 1,8% về vốn đăng ký và giảm 5,4% về số lao động so với năm trước.

Riêng tháng Mười Hai, cả nước có gần 10,0 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là hơn 96,4 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký hơn 95,7 nghìn lao động, giảm 10,4% về số doanh nghiệp, giảm 30,4% về vốn đăng ký và tăng 6,2% về số lao động so với tháng 11/2024. So với cùng kỳ năm trước, giảm 12,6% về số doanh nghiệp, giảm 22,8% về số vốn đăng ký và tăng 27,8% về số lao động.

Hình 1: Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới các tháng năm 2024 (ĐVT: Doanh nghiệp). Nguồn: GSO
Hình 1: Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới các tháng năm 2024 (ĐVT: Doanh nghiệp). Nguồn: GSO

Quy mô vốn của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới: Tổng số vốn đăng ký bổ sung của doanh nghiệp đang hoạt động vào nền kinh tế trong năm 2024 đạt 2.025,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,6% so với năm 2023 (năm 2023 giảm 4,4% so với năm 2022); vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 9,8 tỷ đồng, giảm 0,4% so với năm 2023 (năm 2023 giảm 10,8%). Đây là một trong những dấu hiệu tích cực, cho thấy các doanh nghiệp đang hoạt động là những doanh nghiệp đã có trải nghiệm, thích nghi trong nền kinh tế, khi bỏ vốn kinh doanh đồng nghĩa với việc đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh.

Doanh nghiệp thành lập mới phân theo lĩnh vực hoạt động: Doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu thuộc khu vực dịch vụ với hơn 118,8 nghìn doanh nghiệp, chiếm 75,6% và giảm 0,6% so với năm trước. Khu vực công nghiệp và xây dựng có 36.778 doanh nghiệp, chiếm 23,4% và giảm 3,4%. Khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản ghi nhận hơn 1,6 nghìn doanh nghiệp, chiếm 1,0% và giảm 8,4%.

Có 6/17 ngành có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2023: Công nghiệp chế biến, chế tạo có 19,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 1,3%; Sản xuất, phân phối điện, nước, gas có 1,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 7,9%; Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 63,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 2,6%; Vận tải kho bãi có 8,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 6,8%; Thông tin và truyền thông có 4,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 4,7%; Nghệ thuật, vui chơi và giải trí có 1,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 14,9%. Đặc biệt, số vốn đăng ký mới của doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực Dịch vụ, lưu trú và Nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng đáng kể so với năm 2023 (lần lượt tăng 80,03% và 9,48%) đã phần nào cho thấy sự phục hồi của Du lịch Việt Nam. Việc tăng trưởng vốn đầu tư vào hai lĩnh vực này là một tín hiệu tích cực cho thấy ngành Du lịch Việt Nam đang trên đà phục hồi và có triển vọng phát triển bền vững trong tương lai. Điều này sẽ mang lại nhiều cơ hội việc làm và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của nước ta.

Phân theo vùng kinh tế – xã hội, các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tập trung chủ yếu ở vùng Đông Nam Bộ (65,9 nghìn doanh nghiệp, chiếm 41,9%) và vùng Đồng bằng sông Hồng (48,0 nghìn doanh nghiệp, chiếm 30,5%).

Có 3/6 vùng kinh tế có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với năm 2023, cụ thể: vùng Trung du và miền núi phía Bắc có hơn 8,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 3,8%; vùng Tây Nguyên có gần 4,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 1,6%; vùng Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 12,7 nghìn doanh nghiệp, tăng khá 11,4%.

Biểu 1: Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động năm 2024 của một số địa phương. Nguồn: GSO
Biểu 1: Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động năm 2024 của một số địa phương. Nguồn: GSO

Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2024 đạt mức cao nhất từ trước đến nay với gần 76,2 nghìn doanh nghiệp. Trong đó, tháng 12 ghi nhận số doanh nghiệp trở lại tăng đáng kể với hơn 8,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trên phạm vi cả nước, tăng 14,8% so với tháng 11/2024, cao hơn mức trung bình 6,3 nghìn doanh nghiệp của cả năm 2024. Các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đang xây dựng kế hoạch để đón nhận cơ hội sản xuất kinh doanh trong năm 2025.

Hình 2: Số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động các tháng năm 2024 (ĐVT: Doanh nghiệp). Nguồn: GSO
Hình 2: Số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động các tháng năm 2024 (ĐVT: Doanh nghiệp). Nguồn: GSO

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2024 ở tất cả các ngành, nghề kinh doanh đều tăng so với năm 2023. Cụ thể như sau: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản có 998 doanh nghiệp, tăng 24,0%; Khai khoáng 506 doanh nghiệp, tăng 15,3%; Công nghiệp chế biến, chế tạo hơn 8,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 29,0%; Sản xuất phân phối, điện, nước, gas với hơn 1,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 22,3%; Xây dựng gần 9,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 29,9%; Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy 27,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 33,1%; Vận tải kho bãi 3,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 34,6%; Dịch vụ lưu trú và ăn uống có 3,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 26,4%; Thông tin và truyền thông 1,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 43,5%; Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm 604 doanh nghiệp, tăng 12,5%; Kinh doanh bất động sản có hơn 3,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 42,2%; Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ 5,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 33,7%; Giáo dục và đào tạo gần 1,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 11,7%; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội có 375 doanh nghiệp, tăng 30,7%; Nghệ thuật, vui chơi và giải trí có 497 doanh nghiệp, tăng 8,3%; Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ hơn 3,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 22,3%;  Hoạt động dịch vụ khác có gần 2,0 nghìn doanh nghiệp, tăng 26,4%.

Theo vùng kinh tế – xã hội, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động vùng Đồng bằng sông Hồng có 24,5 nghìn doanh nghiệp; vùng Trung du và miền núi phía Bắc gần 3,9 nghìn doanh nghiệp; vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 10,2 nghìn doanh nghiệp; vùng Tây Nguyên gần 1,9 nghìn doanh nghiệp; vùng Đông Nam Bộ có 31,0 nghìn doanh nghiệp; vùng Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 4,7 nghìn doanh nghiệp.

Hình 3: Tình hình doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường các năm giai đoạn 2017-2024. Nguồn: GSO
Hình 3: Tình hình doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường các năm giai đoạn 2017-2024. Nguồn: GSO

Dự báo xu hướng năm 2025

Tình hình thế giới năm 2025 dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó đoán định; nhiều quốc gia có xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại, nới lỏng tiền tệ… tiềm ẩn rủi ro với kinh tế toàn cầu.

Ở trong nước, chính trị, xã hội cơ bản ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của người dân tiếp tục được nâng lên nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ và thuận lợi do: (i) cộng đồng doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề gặp khó khăn, sức chống chịu suy giảm đáng kể bởi chi phí tăng cao, thị trường sụt giảm; (ii) sức mua tăng chậm, niềm tin kinh doanh có xu hướng chững lại; (iii) hoạt động đầu tư, kinh doanh bị ảnh hưởng do những hậu quả nặng nề bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.

Đề xuất, kiến nghị

Tại Công điện số 137/CĐ-TTg ngày 20/12/2024 về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025 và chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để nước ta tự tin bước vào kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc. Để thực hiện cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 (nhất là chỉ tiêu tăng trưởng GDP) và kế hoạch 5 năm 2021-2025, tạo tiền đề hướng đến tăng trưởng kinh tế hai con số trong giai đoạn 2026 – 2030.

Để tiếp tục thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân, cần tập trung triển khai đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó cần sớm hoàn thiện các chính sách sau:

Hoàn thiện khung khổ pháp lý về cá nhân kinh doanh theo hướng thừa nhận là một bộ phận của kinh tế tư nhân tại Việt Nam thông qua việc bổ sung mô hình cá nhân kinh doanh tại Luật Doanh nghiệp (sửa đổi);

Hoàn thiện quy định về trách nhiệm, cách thức thực hiện, thu thập, cập nhật, lưu giữ thông tin chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp tại Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) để đảm bảo thời hạn cam kết của Việt Nam với Lực lượng đặc nhiệm Tài chính về chống rửa tiền (FATF) và tăng mức độ tín nhiệm, cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư của nền kinh tế nói chung, hoạt động kinh tế đối ngoại của các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng;

Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hợp tác và các loại hình khác theo quy định của pháp luật, đặc biệt đối với các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật…

Hai là, hoàn thiện cơ chế trao đổi, chia sẻ, kết nối thông tin về doanh nghiệp giữa cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nhằm mục đích:

Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập để tiến tới “tự động hóa”;

Tăng cường chất lượng dữ liệu về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, phục vụ công tác điều hành của Lãnh đạo Bộ, xây dựng báo cáo phát triển kinh tế, xã hội, đề xuất các chính sách quản lý, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Chính phủ đã chỉ đạo cần có các giải pháp tăng cường kiểm soát, quản lý việc thành lập doanh nghiệp, ngăn chặn việc lợi dụng thành lập doanh nghiệp nhưng không hoạt động để trốn thuế, lừa đảo, khai khống vốn điều lệ. Do vậy, việc chia sẻ thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp là rất cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, nhận biết sớm rủi ro để kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm của doanh nghiệp, cảnh báo, nâng cao ý thức, tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; giúp Chính phủ có thông tin để xây dựng chính sách phát triển kinh tế xã hội; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Ba là, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và áp dụng các mô hình chuyển đổi xanh, kinh doanh bền vững. Một trong những xu hướng nổi lên mạnh mẽ nhất trong năm 2024 là chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và bền vững. Công nghệ tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong sự thay đổi của nền kinh tế toàn cầu. Sự thay đổi này không chỉ liên quan đến việc cắt giảm phát thải carbon, phát triển công nghệ sạch, mà còn liên quan đến sự chuyển dịch trong các lĩnh vực khác, từ năng lượng tái tạo, giao thông sạch, nông nghiệp bền vững.

Bên cạnh đó, cuộc cách mạng số, với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain và công nghệ mới, đang tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp và quốc gia trong việc phát triển sản phẩm, dịch vụ mới và tạo ra mô hình kinh doanh sáng tạo.

Theo gso.gov.vn