Tình hình kinh tế khu vực châu Âu 4 tháng đầu năm 2016
Tình hình tế khu vực châu Âu 4 tháng đầu năm 2016 vẫn chưa cho thấy sự tăng trưởng khả quan.
Số liệu điều chỉnh từ Eurostat cho thấy GDP quý IV/2015 của cả 2 khu vực Eurozone và khu vực EU28 vẫn giữ nguyên không đổi so với quý trước, tăng trưởng GDP của khu vực Eurozone tăng 0,3% so với quý trước, của khu vực EU28 tăng 0,4% so với quý trước. Sản lượng của khu vực kinh tế châu Âu có xu hướng chững lại với chỉ số PMI tổng hợp của khu vực Eurozone trong tháng 3/2016 chỉ đạt 53,1 điểm (thấp hơn nhiều so với mức dự kiến là 53,7 điểm), tháng 2 đạt 53 điểm, giảm khá mạnh so với mức 53,6 điểm của tháng 1/2016.
Số liệu thống kê mới nhất cũng ghi nhận sản xuất công nghiệp (số liệu đã điều chỉnh thời vụ) ở khu vực Eurozone giảm 0,8% trong tháng 2 so với tháng trước; khu vực EU28 giảm 0,7% so với tháng trước. Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái sản xuất công nghiệp của cả 2 khu vực này đều tăng mạnh, lần lượt ở các mức 1,9% đối với khu vực Eurozone và 1,5% ở khu vực EU28.
Tình hình giảm phát của khu vực Eurozone tháng 3/2016 có dấu hiệu cải thiện, song chậm chạp. Tỷ lệ lạm phát ở khu vực Eurozone tháng 3/2016 đạt mức 0,0%, tăng không đáng kể so với mức -0,2% của tháng 2/2016, và mức của cùng kỳ năm 2015 là -0,1%. Trong khi đó, khu vực EU 28, mức lạm phát tháng 3/2016 cũng chỉ đạt 0,0%, tăng rất nhẹ từ mức -0,1% của tháng 2/2016 và cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, số liệu thống kê về thặng dư tài khoản vãng lai của khu vực EU28 trong tháng 2/2016 cũng cho thấy sự giảm mạnh so với tháng trước và so với cùng kỳ năm ngoái, cụ thể, cán cân tài khoản vãng lai đạt mức thặng dư là 9,1 tỷ EUR, giảm đáng kể so với mức 15,5 tỷ EUR trong tháng 1/2016 và mức 15,7 tỷ EUR của cùng kỳ năm ngoái.Tình hình thất nghiệp tiếp tục cải thiện tích cực hơn với tỷ lệ thất nghiệp của khu vực Eurozone tháng 2/2016 giảm xuống mức 10,3%, từ mức 10,4% của tháng 1/2015 và mức cùng kỳ 2/2015 là 11,2%. Đây là mức thất nghiệp thấp nhất của khu vực này kể từ tháng 8/2011. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của khu vực EU28 trong tháng 2/2016 là 8,9%, không đổi so với mức của tháng 1/2016, và giảm đáng kể từ mức 9,7% của cùng kỳ năm 2014.
Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới được công bố trong tháng 4 vừa qua của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổ chức này cho rằng kinh tế khu vực Eurozone trong năm 2016 tiếp tục phục hồi nhẹ, tuy nhiên, tiềm năng tăng trưởng kinh tế yếu ớt do hậu quả của khủng hoảng, tình trạng già hóa dân số và một số yếu tố hỗ trợ khác tiếp tục cản trở năng suất lao động. Tổ chức này đã hạ 0,2 điểm phần trăm dự báo tăng trưởng năm 2016 của khu vực Eurozone so với dự báo trước đó, cụ thể tăng trưởng GDP của khu vực này sẽ là 1,5% trong năm 2016, 1,6% năm 2017, hạ lần lượt 0,2 và 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trước đó (1/2016).
Dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực châu Âu 2016 - 2017
Tăng trưởng GDP của hầu hết các nước chủ chốt của khu vực Eurozone cũng đã bị tổ chức này hạ dự báo. Cụ thể, tăng trưởng GDP của Đức, nền kinh tế đứng đầu khu vực được dự báo đạt 1,5% năm 2016, 1,6% năm 2017, bị giảm 0,2 điểm và 0,1 điểm phần trăm; Pháp: 1,1% năm 2016, 1,3% năm 2017: đều giảm 0,2 điểm phần trăm; Italia: 1,0% và 1,1% trong 2 năm 2016 và 2017: giảm 0,3 và 0,1 điểm phần trăm; Tây Ban Nha: 2,6% trong 2016 (giảm 0,1 điểm phần trăm) , 2,3% trong 2017 ( 0,0 điểm phần trăm). Đối với Anh, khả năng Anh rời Liên minh châu Âu đã khiến IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng của nước này xuống lần lượt 1,9% năm 2016, giảm 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.
Năm 2017, IMF cho rằng nền kinh tế này sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 2,2% (không đổi so với dự báo trước đó). Trong khi đó, tăng trưởng GDP của các nền kinh tế đang phát triển thuộc khu vực Đông Âu được dự báo là khả quan hơn nhờ cầu nội địa được phục hồi khá. Cụ thể, tổ chức này cho rằng, các nước Đông Âu sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 3,5% năm 2016, tăng 0,5 điểm phần trăm, và 3,3% năm 2017 (giảm 0,1 điểm phần trăm) so với dự báo trước đó.