Tình hình kinh tế – xã hội tháng Bảy và 7 tháng năm 2024


Tổng cục Thống kê công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2024.

Trong bảy tháng năm 2024, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức trước diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường của tình hình thế giới. Các bộ, ngành và địa phương đã nghiêm túc, quyết liệt thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ nhằm đạt kết quả cao nhất mục tiêu đề ra. 

Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội tháng Bảy và bảy tháng của nước ta duy trì xu hướng tích cực, các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các tháng, quý tiếp theo.

Nông, lâm nghiệp và thủy sản

Nông nghiệp, Lúa mùa, tính đến ngày 15/7/2024, cả nước gieo cấy được 1.206,9 nghìn ha lúa mùa, bằng 99,5% cùng kỳ năm trước, trong đó: Các địa phương phía Bắc gieo cấy 852,5 nghìn ha, bằng 99,3%; các địa phương phía Nam gieo cấy 354,4 nghìn ha, tương đương cùng kỳ năm trước.

Lúa hè thu, đến trung tuần tháng Bảy, cả nước gieo cấy được 1.902,2 nghìn ha lúa hè thu, bằng 99,6% cùng kỳ năm trước. 

Trong đó, các địa phương phía Bắc đạt 173,6 nghìn ha, bằng 100,6%; các địa phương phía Nam đạt 1.728,6 nghìn ha, bằng 99,5%, riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.465,9 nghìn ha, bằng 99,5%.

Lúa thu đông, tính đến ngày 15/7/2024, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống được 297,1 nghìn ha lúa thu đông, bằng 110,7% cùng kỳ năm trước.

Cây hằng năm, diện tích ngô, lạc và đậu tương tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do hiệu quả kinh tế không cao; diện tích gieo trồng rau, đậu các loại giảm do thời tiết không thuận lợi. Riêng diện tích khoai lang tăng nhẹ do có nhiều giống khoai lang chất lượng tốt đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Chăn nuôi, chăn nuôi trâu, bò trong tháng có xu hướng giảm. Chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển ổn định. 

Ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 7/2024 tăng 3,0% so với cùng thời điểm năm 2023; tổng số gia cầm tăng 2,6%; tổng số bò giảm 0,4%; tổng số trâu giảm 3,6%.

Lâm nghiệp, Diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tháng 7/2024 ước đạt 13,8 nghìn ha, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 6,5 triệu cây, tăng 4%. Sản lượng gỗ khai thác đạt 1.945,7 nghìn m3, tăng 7,8%. Diện tích rừng bị thiệt hại là 80,5 ha, giảm 61,1%. 

Tính chung 7 tháng năm 2024, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 143,4 nghìn ha, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 51,1 triệu cây, tăng 3%. Sản lượng gỗ khai thác đạt 11.943,2 nghìn m3, tăng 7,1%. Diện tích rừng bị thiệt hại là 1.303,0 ha, giảm 5,3%.

Thủy sản, lản lượng thủy sản tháng 7/2024 ước đạt 841,1 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. 

Tính chung bảy tháng năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 5.225,8 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 2.922,1 nghìn tấn, tăng 3,9%. Sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 2.303,7 nghìn tấn, tăng 0,9%.

Sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng tích cực

Sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2024 ước tính tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. 

Tính chung 7 tháng năm 2024, IIP ước tính tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 0,8%). 

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,5%, đóng góp 8,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,4%, đóng góp 1,1 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,2%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 6,2%, làm giảm 0,9 điểm phần trăm.

Chỉ số sản xuất công nghiệp bảy tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 03 địa phương trên cả nước.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/7/2024 tăng 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 3,3% so với cùng thời điểm năm trước.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Trong tháng Bảy, cả nước có 14,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 6,3% so với tháng 6/2024 và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. 

Bên cạnh đó, cả nước còn có hơn 6,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 26,2% so với tháng trước và giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Có 6.837 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 26,2% và giảm 0,7%; 7.035 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 30,2% và tăng 33,8%; có 1.730 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 22,4% và tăng 9,4%.

Tính chung bảy tháng năm 2024, cả nước có 139,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có hơn 19,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. 

Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 125,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có hơn 17,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Tình hình đầu tư

Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước tiếp tục được các Bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh thực hiện. 

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 7/2024 ước đạt 57,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với tháng trước và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước. 

Tính chung bảy tháng năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 301,5 nghìn tỷ đồng, bằng 40,6% kế hoạch năm và tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 bằng 40,2% và tăng 23,6%).

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/7/2024 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 7 tháng năm 2024 ước đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 7 tháng năm 2024 có 64 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 122 triệu USD, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước; có 15 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 28,6 triệu USD, giảm 83,3%. 

Tính chung 7 tháng năm 2024, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 150,7 triệu USD, giảm 53% so với cùng kỳ năm trước.

Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 7/2024 ước đạt gần 150 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước bảy tháng năm 2024 ước đạt 1.188,1 nghìn tỷ đồng, bằng 69,8% dự toán năm và tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 7/2024 ước đạt 152,6 nghìn tỷ đồng; lũy kế bảy tháng năm 2024 ước đạt 948,3 nghìn tỷ đồng, bằng 44,7% dự toán năm và tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước.

Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch

Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 7/2024 ước đạt 528,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. 

Tính chung bảy tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.625,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 10,6%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,2% (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,8%).

Xuất, nhập khẩu hàng hóa, trong tháng 7, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 69,72 tỷ USD, tăng 8,7% so với tháng trước và tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu hàng hóa, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2024 ước đạt 35,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước. 

Tính chung bảy tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 63,08 tỷ USD, tăng 21,1%, chiếm 27,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 163,9 tỷ USD, tăng 13,8%, chiếm 72,2%.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu bảy tháng năm 2024, nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 199,94 tỷ USD, chiếm 88,1%.

Nhập khẩu hàng hóa, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2024 ước đạt 33,8 tỷ USD, tăng 11% so với tháng trước và tăng 24,7% so với cùng kỳ năm trước. 

Tính chung bảy tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 212,9 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 78 tỷ USD, tăng 21,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 134,9 tỷ USD, tăng 16,9%.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu bảy tháng năm 2024, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 199,88 tỷ USD, chiếm 93,9%.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa bảy tháng năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 66,1 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 79,2 tỷ USD.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 7 ước tính xuất siêu 2,12 tỷ USD. Tính chung 7 tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 14,08 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,5 tỷ USD). 

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14,92 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 29 tỷ USD.

Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2024 tăng 0,48% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng 7 tăng 1,89% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,36%. 

Bình quân 7 tháng năm 2024, CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,73%.

Chỉ số giá vàng tháng 7/2024 giảm 0,12% so với tháng trước; tăng 18,11% so với tháng 12/2023; tăng 29,39% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 7 tháng năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 24,77%.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 7/2024 tăng 0,05% so với tháng trước; tăng 4,22% so với tháng 12/2023; tăng 7,14% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 7 tháng năm 2024 tăng 5,85%.

Vận tải hành khách tháng 7/2024 ước đạt 447,7 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 11,9% và luân chuyển 22,7 tỷ lượt khách.km, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. 

Tính chung 7 tháng năm 2024, vận tải hành khách ước đạt 2.805,7 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển đạt 155,6 tỷ lượt khách.km, tăng 10,5%.

Vận tải hàng hóa tháng 7/2024 ước đạt 217,9 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 14,5% và luân chuyển 45,4 tỷ tấn.km, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước. 

Tính chung bảy tháng năm 2024, vận tải hàng hóa ước đạt 1.476,8 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 302,2 tỷ tấn.km, tăng 11,3%.

Khách quốc tế đến Việt Nam, chính sách thị thực thuận lợi, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch năm 2024 được các địa phương trên cả nước đẩy mạnh đã thu hút lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước. 

Trong tháng 7/2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,15 triệu lượt người, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. 

Tính chung bảy tháng năm 2024, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 10 triệu lượt người, tăng 51,0% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Theo gso.gov.vn