Tính kế tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp da giày

Tĩnh Đồng

Hướng tới tăng sức cạnh tranh, doanh nghiệp da giày cần đẩy mạnh áp dụng nhiều công cụ quản lý, cải tiến năng suất như ISO 9001, ISO 14051, 5S, Kaizen…, đồng thời cơ cấu lại hệ thống sản xuất.

Dự báo, xuất khẩu toàn ngành da giày năm 2024 khoảng 27 tỷ USD
Dự báo, xuất khẩu toàn ngành da giày năm 2024 khoảng 27 tỷ USD

Xuất khẩu tăng hơn 10%

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, xuất khẩu toàn ngành Da giày tháng 11 ước đạt 2,54 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2024 đạt 24,6 tỷ USD, tăng trưởng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện, một số doanh nghiệp lớn đã ký được hợp đồng đến giữa năm 2025.

Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam đánh giá, ngành Da giày đã tận dụng tốt lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết để đẩy mạnh xuất khẩu. Các thị trường có FTA như Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN đều có mức tăng trưởng khá trong 11 tháng qua.

Một số thị trường lớn như Mỹ, EU đều có mức tăng trên 10%. Đặc biệt, năm nay Trung Quốc tiếp tục được xếp vào nhóm thị trường xuất khẩu tỷ USD của ngành, chỉ xếp sau Mỹ, EU và chiếm 9% tỷ trọng. 

Năm 2024, ngành Da giày đã mở rộng xuất khẩu sang một số thị trường ở khu vực Nam Mỹ và Trung Đông. Nếu duy trì mức xuất khẩu như tháng 11, toàn ngành Da giày sẽ về đích với doanh số khoảng 27 tỷ USD, tăng thêm 3 tỷ USD so với năm 2023.

Đẩy mạnh áp dụng công cụ cải tiến

Dù có lợi thế là quốc gia đứng thứ 3 thế giới (sau Trung Quốc và Ấn Độ) về sản xuất và đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép, nhưng thách thức lớn nhất với ngành Da giày lúc này là đáp ứng các quy tiêu chuẩn mới mà nhiều quốc gia nhập khẩu giày dép lớn đưa ra, đó là tính bền vững trong sản xuất, yêu cầu về trách nhiệm xã hội...

Điển hình như thị trường EU, từ tháng 3/2024, thị trường này đã bắt đầu đưa ra các yêu cầu mới như thiết kế sinh thái với các thiết kế bền vững. Hay như vấn đề truy xuất và minh bạch chuỗi cung ứng, nếu nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, Việt Nam sẽ phải minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất tại khu vực sản xuất.

Da giày, túi xách là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. 17 FTA đã được ký kết, thực thi, giúp Việt Nam tiếp cận và thiết lập quan hệ thương mại với gần 230 thị trường. Do vậy, chính sách thay đổi của thị trường nhập khẩu sẽ có tác động mạnh mẽ tới các doanh nghiệp trong ngành Da giày thời gian tới.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng đáp ứng yêu cầu thị trường, Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam cho rằng, thời gian tới, doanh nghiệp toàn Ngành cần đầu tư công nghệ mới, giảm chi phí hao hụt trong sản xuất, áp dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Xu hướng tự động hóa là rất cần thiết nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm đi chi phí sản xuất, giảm chi phí lao động.

Các chuyên gia năng suất, chất lượng khuyến cáo, doanh nghiệp ngành Da giày cần đẩy mạnh áp dụng nhiều công cụ quản lý, công cụ cải tiến năng suất, điển hình như ISO 9001, ISO 14051, 5S, Kaizen… Những ra, doanh nghiệp phải cơ cấu lại hệ thống sản xuất.

Thời gian qua, một trong những ví dụ điển hình áp dụng công cụ cải tiến giúp nâng cao năng suất, chất lượng trong ngành Da giày là trường hợp Công ty TNHH giầy Tân Hợp (tỉnh Đồng Nai).

Doanh nghiệp này lựa chọn thực hành 5S từ tháng 8/2016 với sự tư vấn hướng dẫn của các chuyên gia. Chỉ sau thời gian ngắn, Công ty đã có những thay đổi đáng kể ở tất cả các bộ phận.

Trước khi thực hiện 5S, Công ty còn nhiều trang thiết bị chưa được sắp xếp hợp lý, thiếu khoa học, nhà xưởng còn rất nhiều rác, bụi. Kho vật tư, xưởng cơ khí là hai bộ phận có nhiều vấn đề nhất về không gian cũng như sắp xếp và quản lý.

Tuy nhiên, tại bộ phận kho vật tư – nguyên liệu, sau khi áp dụng phương pháp 5S, việc kiểm kê, xuất nhập hàng hóa hiệu quả hơn rất nhiều, không còn chênh số liệu thực tồn.

Việc áp dụng phương pháp 5S thường xuyên giúp tất cả nhân viên đều có thể tham gia hoạt động, nâng cao tinh thần tập thể, tạo sự hoà đồng của mọi người. Qua đó mọi người làm việc có thái độ tích cực, có trách nhiệm và ý thức trong công việc, từ đó năng suất, chất lượng công việc được tăng lên đáng kể trong doanh nghiệp.