Tỉnh Khánh Hòa phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại


Thời gian qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy công nghiệp (CN) phát triển, tạo nguồn thu bền vững. Đây chính là đòn bẩy then chốt để thực hiện mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

Khu vực Nhà máy Đóng tàu Hyundai Việt Nam. Ảnh: Đình Lâm
Khu vực Nhà máy Đóng tàu Hyundai Việt Nam. Ảnh: Đình Lâm

Tập trung cho công nghiệp   

Theo ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, thời gian trước đây, tỉnh tập trung nhiều vào ngành du lịch mà chưa đầu tư xứng tầm vào ngành CN. Do đó, tỷ trọng các ngành trong tăng trưởng kinh tế thiếu cân đối. Nhất là khi dịch COVID-19 xảy ra, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề đã tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế chung của tỉnh. Vì thế, việc đẩy mạnh phát triển CN để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng chung trở nên cấp thiết.

Xác định vai trò quan trọng của ngành CN, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tìm nhiều giải pháp để thu hút đầu tư cho phát triển CN. Chỉ trong 2 năm qua, tỉnh đã xúc tiến, kêu gọi đầu tư với nhiều đối tác ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ vào ngành CN. Bên cạnh đó, tỉnh còn có các hoạt động xúc tiến đơn lẻ tại một số nước có nền CN tiên tiến.

Tháng 9/2023, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành kế hoạch hành động để thực hiện Chương trình hành động số 57 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 29 ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh CN hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, định hướng phát triển được UBND tỉnh Khánh Hòa  xác định là sẽ phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để đẩy mạnh phát triển CN theo hướng hiện đại hóa, thân thiện với môi trường; tỉnh phát triển toàn diện, ổn định, bền vững và tăng trưởng cao; thể hiện rõ vai trò một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, CN công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo... 

Được biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 khu công nghiệp (KCN) gồm: KCN Suối Dầu (huyện Cam Lâm, có diện tích 137ha), KCN Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa, 208ha), KCN Dốc Đá Trắng (huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa, 288ha) và KCN Nam Cam Ranh (TP. Cam Ranh, 352ha).

Đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, ngoài các KCN hiện hữu, Chính phủ cho phép tỉnh mở rộng, phát triển mới thêm 10 KCN, với diện tích đất phân bổ khoảng 3.320ha. Bên cạnh đó, hiện nay, tỉnh có 7 cụm công nghiệp (CCN) hoạt động; dự kiến đến năm 2030 nâng lên 14 CCN với tổng diện tích khoảng 669ha. 

Thu hút đầu tư vào nhiều lĩnh vực

Để phát triển CN tiên tiến, hiện đại, UBND tỉnh đã giao Sở Công Thương Khánh Hòa chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình hành động phát triển ngành CN, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; mở rộng quy mô sản xuất các ngành có thế mạnh của tỉnh; xây dựng một số lĩnh vực, sản phẩm CN sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao; thực hiện xây dựng Chương trình khuyến công địa phương gắn với phát triển CN nông thôn, tiểu thủ CN; đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm CN chủ lực xây dựng sản phẩm thương hiệu quốc gia, tiến tới hội nhập kinh tế quốc tế, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; tăng cường xuất nhập khẩu hàng hóa theo chiến lược đã được xây dựng.

Dây chuyền may của Xí nghiệp May Khatoco. Ảnh: Đình Lâm
Dây chuyền may của Xí nghiệp May Khatoco. Ảnh: Đình Lâm

UBND tỉnh giao Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong và Sở Công Thương Khánh Hòa chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao hiệu quả phát triển Khu Kinh tế Vân Phong, các KCN.

Trong đó, Khu Kinh tế Vân Phong tập trung thu hút các dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN; các dự án CN trọng điểm như: Năng lượng, đóng tàu, cảng biển, dịch vụ logistics, lọc hóa dầu, CN chế biến, chế tạo, công nghệ cao, các ngành CN phụ trợ. Khu vực Nha Trang và vùng phụ cận tập trung phát triển các ngành CN kỹ thuật cao. Khu vực vịnh Cam Ranh tập trung phát triển cảng biển, CN chế biến, chế tạo, năng lượng điện mặt trời, dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến thủy sản, nông sản thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng...

Ngoài ra, Tỉnh cũng sẽ tập trung hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng các KCN đã có; thành lập các khu, CCN theo quy hoạch được duyệt. Song song đó, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến nhằm kêu gọi đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng CN, nhà đầu tư thứ cấp vào lấp đầy các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh.

Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, với nhiều hoạt động triển khai chủ trương của Tỉnh ủy, thời gian qua, ngành CN tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục cơ cấu, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, phát triển doanh nghiệp tư nhân, đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); xây dựng và triển khai định hướng phát triển một số doanh nghiệp có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có năng lực cạnh tranh, đóng vai trò dẫn dắt, trụ cột trong một số lĩnh vực quan trọng của quá trình CN hóa, hiện đại hóa như: Năng lượng, chế biến, chế tạo công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, viễn thông và kết cấu hạ tầng. 

Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 57 của Tỉnh ủy Khánh Hòa về tiếp tục đẩy mạnh CN hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu: GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 của tỉnh đạt 8,3%/năm; trong đó: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,4%/năm, CN - xây dựng tăng 10%/năm; dịch vụ tăng 8,7%/năm. Cơ cấu kinh tế đến năm 2030, nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ còn 7,3%; CN - xây dựng 36,2%; dịch vụ 48%... GRDP bình quân đầu người đạt 189 triệu đồng/năm. 

Theo Đình Lâm/ Báo Khánh Hòa