Vai trò của khu công nghiệp đối với phát triển công nghiệp bền vững ở tỉnh Bình Dương

Lê Văn Hải, Đỗ Hồng Quân - Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng)

Với chiến lược phát triển công nghiệp làm nền tảng đột phá phát triển kinh tế, trong hơn 25 năm qua, tỉnh Bình Dương đã có sự chuyển mình rõ rệt và đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện mục tiêu tỉnh Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và đô thị thông minh vào năm 2045, nhiều vấn đề quan trọng đã được đặt ra, thu hút đông đảo sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách phát triển, các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp. Trong đó, hệ thống khu công nghiệp được xem là xương sống của nền kinh tế, là một vấn đề quan trọng, giữ vai trò quyết định đến sự thành công của Bình Dương.

Trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 33 khu công nghiệp được quy hoạch với tổng diện tích 15.790 ha.
Trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 33 khu công nghiệp được quy hoạch với tổng diện tích 15.790 ha.

Giới thiệu

Từ khi tái lập tỉnh năm 1997, Bình Dương đạt nhiều hiệu quả tích cực trong thực hiện chủ trương đổi mới, được cụ thể hóa bằng những chính sách thông thoáng, mở đường cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) phù hợp với những lợi thế của địa phương. Sau hơn 25 năm phát triển, Bình Dương đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực và trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại.

Đặc biệt, Tỉnh có hệ thống hạ tầng đô thị quy mô lớn, hiện đại, thu hút vốn đầu tư cả trong và ngoài nước. Bình Dương cũng là tỉnh điển hình trong đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết hồ sơ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp (DN) góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI), năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo kết quả đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh của Liên minh Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2020, tỉnh Bình Dương thuộc nhóm 5 tỉnh thành có chỉ số PCI cao nhất gồm: Quảng Ninh (75,09 điểm); Đồng Tháp (72,81 điểm); Long An (70,37 điểm); Bình Dương (70,16) và Đà Nẵng (70,12).

Những năm qua, Bình Dương vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và cao hơn mức bình quân của quốc gia. Với vị thế “là tỉnh công nghiệp đi đầu” của Việt Nam, cơ cấu ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 67,09% trong cơ cấu nền kinh tế, tỉnh Bình Dương luôn chú trọng thúc đẩy hoạt động xuất - nhập với thị trường rộng lớn hơn 180 đối tác trên thế giới.

Trong thời điểm bùng phát đại dịch COVID-19, tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu của tỉnh Bình Dương vẫn duy trì tăng trưởng dương trong các năm 2020, 2021 và 2022. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Bình Dương chiếm 8,2% tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của cả nước, xuất siêu 9,14 tỷ USD.

Đến nay, Bình Dương là một trong những địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất của cả nước (82%) với 04 thành phố và 01 thị xã, sở hữu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Trên địa bàn Tỉnh có 33 khu công nghiệp (KCN) được quy hoạch với tổng diện tích 15.790 ha, trong đó có 27 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 10.962 ha, chiếm 1/4 diện tích KCN phía Nam; 9% về số lượng và 13% về diện tích KCN cả nước.

Vai trò của khu công nghiệp đối với phát triển công nghiệp bền vững

KCN có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương nói chung, còn đối với sự phát triển công nghiệp bền vững của Tỉnh nói riêng, vai trò của hệ thống KCN được đánh giá ở những khía cạnh như sau:

Thứ nhất, KCN là một kênh quan trọng để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, tập trung các DN công nghiệp vào một khu vực xác định. Xuất phát từ đặc điểm các KCN có ưu thế về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông và dịch vụ, điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi cùng với đó là cơ chế quản lý và hệ thống các chính sách của các KCN được ưu đãi hơn so với những nơi khác, do đó, việc phát triển các KCN là cách thức chủ yếu để thu hút đầu tư của các DN, tập đoàn kinh tế trong định hướng phát triển nhằm vào thị trường rộng lớn ở các nước đang phát triển.

Thời gian qua, Bình Dương định hướng phát triển các KCN bền vững theo mô hình “3 trong 1”: KCN - khu đô thị - khu dịch vụ. Các KCN của Tỉnh với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đảm tốt về môi trường; có vị trí thuận lợi, kết nối với các trục giao thông quan trọng với TP. Hồ Chí Minh và các vùng lân cận đã thu hút được nhiều DN lớn, tập đoàn đa quốc gia đầu tư. Trong năm 2022, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng dòng vốn FDI vẫn tiếp tục “chảy” mạnh vào Tỉnh, chỉ số công nghiệp tiếp đà tăng trưởng tốt, các KCN ước thu hút hơn 2,57 tỷ USD, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 214% so với kế hoạch của năm.

Thứ hai, KCN góp phần hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, thực hiện đô thị hóa, hình thành các trung tâm, thành phố công nghiệp. Với các biện pháp mời gọi đầu tư hấp dẫn, giải quyết các thủ tục hành chính nhanh gọn, tạo ra những ưu đãi cho các DN, tỉnh Bình Dương đã thu hút các dòng vốn để đầu tư xây dựng hoàn thiện và đồng bộ các kết cấu hạ tầng trong KCN diễn ra khá thuận lợi. Sự đa dạng về các loại hình DN tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN đã góp phần HĐH hạ tầng KCN, lan tỏa đến việc hình thành các trung tâm, đô thị công nghiệp. Tính đến hết năm 2022, tổng vốn đầu tư xây dựng thực hiện hệ thống KCN đạt 3.697 tỷ đồng, các KCN đã cho thuê lại đất và nhà xưởng với tổng diện tích 216 ha, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 1,9 tỷ USD (chiếm 66,9% cả tỉnh). Các DN đã giải ngân 2,3 tỷ USD, doanh thu đạt 39,4 tỷ USD, xuất khẩu đạt 23,2 tỷ USD (chiếm 65% cả tỉnh).

Thời gian qua, phát triển, hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật trong KCN trên địa bàn Tỉnh, một mặt thu hút đã những dự án đầu tư mới mặt khác tạo điều kiện cho các DN mở rộng quy mô để tăng năng lực sản xuất và cạnh tranh. Đồng thời, kết cấu hạ tầng trong và ngoài KCN đã góp phần tạo nên mạng lưới liên kết, liên thông giữa các địa phương cũng như quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch khu dân cư mới, các khu đô thị vệ tinh… các công trình hạ tầng xã hội phục vụ đời sống công nhân và cư dân trong khu vực lân cận KCN như: nhà ở, trường học, bệnh viện, khu giải trí…

Thứ ba, KCN góp phần giải quyết việc làm, ổn định và nâng cao thu nhập cho người lao động, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo trong quá trình CNH, HĐH. Phát triển các KCN và thu hút các DN vào tập trung sản xuất trong mô hình này đã tạo ra một khối lượng việc làm lớn. Người dân có việc làm, đồng nghĩa với có thu nhập, thị trường được mở rộng, thu hút đầu tư tăng, kích thích sản xuất kinh doanh và lại tạo ra nhiều nhu cầu về lao động mới của các DN.

Theo thống kê, số lượng việc làm trong KCN gia tăng cùng với sự phát triển về số lượng các KCN và các dự án đầu tư trong KCN. Bình Dương hiện có 50.000 DN với hơn 1,2 triệu lao động đến từ hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Bên cạnh đó, với 27 KCN có trên 2.000 DN, 485.670 lao động Việt Nam và 14.900 lao động nước ngoài. Nhiều năm qua, tại các địa bàn có KCN, tỷ lệ thất nghiệp giảm rõ rệt, điều đó tác động tích cực đến việc xóa đói giảm nghèo, đồng thời góp phần làm giảm các tệ nạn xã hội do thất nghiệp gây nên. Theo điều tra, có khoảng 40% số công nhân làm việc trong các KCN là những người có thu nhập thấp đến từ nhiều địa phương. Như vậy, việc mở mang các KCN không chỉ góp phần tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mà còn góp phần đáng kể vào việc ổn định và nâng cao thu nhập, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo của cả nước nói chung và Bình Dương nói riêng.

Thứ tư, KCN góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng hiện đại, hợp lý và hiệu quả. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là một trong hai nội dung cơ bản của quá trình CNH, HĐH. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại phải chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông, lâm, thủy sản, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Để thực hiện mục tiêu này, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phát triển các KCN thu hút dòng vốn đầu tư trong, ngoài nước.

KCN là khu vực tập trung các DN và dịch vụ công nghiệp. Xét về mặt lượng, các KCN góp phần nâng cao tỷ trọng ngành công nghiệp trong cơ cấu kinh tế ngành của nền kinh tế. Về chất, KCN cũng là khu vực được chú trọng thu hút được các dự án có hàm lượng vốn lớn, trình độ công nghệ cao, sạch và thân thiện với môi trường. Hiện nay, nhiều KCN đã trở thành “thương hiệu”, thu hút nhiều DN lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư.

Sự phát triển các KCN còn góp phần tích cực nâng cao tỷ trọng các ngành dịch vụ công nghiệp như: bảo hiểm, tư vấn, xây dựng, thiết kế, vận tải… Những ngành dịch vụ này không ngừng nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu của các DN trong và ngoài KCN, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế trong bối cảnh mới của Bình Dương.

Thứ năm, KCN góp phần chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý, xây dựng và phát triển văn hóa, tác phong công nghiệp cho một bộ phận nguồn nhân lực trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. KCN được xem như là yếu tố thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ từ các nước đầu tư sang các nước nhận đầu tư. Ở Việt Nam, chủ trương mời gọi đầu tư nước ngoài đã tác động đến quá trình tiếp thu công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm quản lý của các tập đoàn công nghiệp khi họ đầu tư vào các KCN. Mặc dù, ở các KCN, các DN nước ngoài chủ yếu thực hiện các hoạt động sản xuất, tiêu dùng, dệt may, gia công giày da, lắp ráp điện tử... sau đó là sản xuất cơ khí, linh kiện điện tử... song, quá trình chuyển giao công nghệ vẫn diễn ra thông qua nhiều hình thức như: đào tạo công nhân để sử dụng máy móc, thiết bị, công nghệ sản xuất, đưa máy móc hiện đại sang để tiến hành sản xuất nhằm mục đích tạo năng suất lao động cao... DN trong KCN có thể chuyển giao, sang nhượng máy móc, dây chuyền công nghệ tiên tiến hoặc hướng dẫn kỹ thuật cho các nhà cung cấp địa phương hoặc các công ty sản xuất các chi tiết sản phẩm của KCN.

Mặt khác, các DN FDI trong các KCN còn thu hút một lượng lớn người lao động Việt Nam vào các vị trí quan trọng, lực lượng quản lý có trình độ cao này được tiếp thu với công nghệ, phương thức quản lý hiện đại, kỹ năng quản trị tiên tiến... Đội ngũ quản lý này sau một thời gian đã có kinh nghiệm và chuyển sang làm việc tại các DN trong nước, hoặc tự mình khởi nghiệp sẽ vận dụng những kiến thức về công nghệ, quản lý tích lũy được vào trong quá trình sản xuất, một mặt sẽ tạo ra hiệu quả hoạt động của DN mặt khác tạo nên hiệu ứng lan tỏa mới cho các DN thuộc các thành phần kinh tế khác, từ đó đóng góp tích cực trong việc nâng cao trình độ công nghệ, quản lý, văn hóa công nghiệp… cho địa phương.

Cùng với quá trình thu hút lao động làm việc tại các KCN là quá trình mà công nhân được huấn luyện, đào tạo để nâng cao tay nghề, tác phong công nghiệp và được bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng để làm việc hiệu quả trong môi trường công nghiệp. Sức lan tỏa của bộ phận này về lâu dài tạo ra sự chuyển biến tích cực trong văn hóa lao động của người dân khu vực lân cận KCN, dần dần sẽ thay đổi được tác phong, nề nếp theo hướng công nghiệp.

Kết luận

Các KCN của đã và đang đóng góp vai trò to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đưa Bình Dương trở thành một trong những tỉnh công nghiệp hàng đầu của cả nước. Để hiện thực hoá mục tiêu thực hiện chiến lược phát triển bền vững đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại và tiến tới đô thị thông minh vào năm 2045, nhiều vấn đề quan trọng đã được đặt ra đối với hệ thống KCN của Tỉnh. Trong đó, những định hướng chiến lược và những bước đi phù hợp sẽ là tiền đề và kim chỉ nam cần thiết giúp tỉnh Bình Dương sẵn sàng trong những bứt phá mới để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, góp phần vào sự thịnh vượng chung của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Tài liệu tham khảo:

  1. Cục Thống kê tỉnh Bình Dương (2021), Niên giám thống kê tỉnh Bình Dương, NXB Thống kê, Hà Nội;
  2. Cục Thống kê tỉnh Bình Dương (2022), Bình Dương con số và sự kiện, 25 năm xây dựng và phát triển, NXB Thống kê, Hà Nội;
  3. Cục Thống kê tỉnh Bình Dương (2022), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và cả năm 2022, số 1017/BC-CTK ngày 26/12/2022;
  4. Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương (2022), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023, số 34/BC-UBND ngày 02/12/2022.