Kho bạc Nhà nước:

Tọa đàm “Kinh nghiệm về kế toán dồn tích và BCTCCP của Malaysia”

Theo mof.gov.vn

Sáng nay, ngày 10/8/2016 tại trụ sở Kho bạc Nhà nước (KBNN), KBNN và Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn PricewaterhouseCoopers Việt Nam (PwC) phối hợp tổ chức buổi Tọa đàm “Kinh nghiệm về kế toán dồn tích và báo cáo tài chính Chính phủ (BCTCCP) của Malaysia”. Trong khuôn khổ các hoạt động nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý triển khai, thực hiện nhiệm vụ lập báo cáo Tài chính nhà nước theo quy định tại Luật Kế toán năm 2015 đồng thời tham khảo kinh nghiệm quốc tế về lập báo cáo tài chính nhà nước.

Đồng chí Đặng Thị Thủy - Phó Tổng Giám đốc KBNN phát biểu tại buổi Tọa đàm
Đồng chí Đặng Thị Thủy - Phó Tổng Giám đốc KBNN phát biểu tại buổi Tọa đàm

Đại diện Ban Lãnh đạo KBNN có đồng chí Đặng Thị Thủy - Phó Tổng Giám đốc KBNN chủ trì buổi tọa đàm, đồng chí Vũ Đức Chính, Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán Bộ Tài chính cùng một số đại diện của các Vụ, Cục thuộc KBNN. Về phía Công ty PwC có bà Nguyễn Phi Lan, Phó Tổng Giám đốc Công ty PwC Việt Nam cùng các chuyên gia quốc tế của PwC đến từ Malaysia.

Đến dự buổi tọa đàm còn có các vị đại biểu đại diện của các đơn vị thuộc cơ quan Trung ương (Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Kiểm toán Nhà nước, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính, các đơn vị thuộc KBNN); một số tỉnh, thành phố (đại diện Sở Tài chính và KBNN các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định); các trường đại học (Học viện Tài chính, Đại học KTQD, ĐH Thương mại); các Hội nghề nghiệp kế toán, kiểm toán (Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), Hội Kiểm toán viên hành nghề (VACPA); Hội Tư vấn thuế Việt Nam; Hiệp hội kế toán công chứng Anh (ACCA) và tổ chức quốc tế (NHTG).

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Phó Tổng Giám đốc KBNN Đặng Thị Thủy cho biết, KBNN đang khẩn trương hoàn thiện khuôn khổ pháp lý dưới Luật để triển khai việc lập báo cáo tài chính Nhà nước vào năm 2017. Luật Kế toán số 88/2015/QH13 được ban hành ngày 20/11/2015 với nhiều quy định mới, trong đó có bổ sung quy định về việc lập BCTCNN.

Nhiệm vụ này được Chính phủ, Bộ Tài chính giao cho KBNN nghiên cứu, triển khai thực hiện, đây là một nhiệm vụ tương đối khó khăn, phức tạp cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới đã và đang triển khai lập BCTCNN cũng như cần sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị, ban ngành thuộc khu vực nhà nước nhằm hướng tới sự minh bạch về cung cấp thông tin về tình hình thu, chi ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước, nợ công, vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tài sản, nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn của Nhà nước.

Theo quy định, Báo cáo tài chính nhà nước gồm: Báo cáo tình hình tài chính nhà nước; Báo cáo kết quả hoạt động tài chính nhà nước; Báo cáo lưu chuyển tiền tệ; Thuyết minh báo cáo tài chính nhà nước. Việc lậpbáo cáo tài chính nhà nướcsẽ do KBNN chủ trì, phối hợp với cơ quan Tài chính lập báo cáo tài chính thuộc phạm vi địa phương…và tổng hợp để trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân cùng với thời điểm quyết toán ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Việc lập báo cáo tài chính nhà nướcphải dựa trên cơ sở hợp nhất báo cáo tài chính của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức kinh tế và các đơn vị có liên quan khác thuộc khu vực nhà nước, dùng để tổng hợp và thuyết minh về tình hình tài chính nhà nước, kết quả hoạt động tài chính nhà nước và lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính nhànước trên phạm vi toàn quốc và từng địa phương.

Hai chuyên gia quốc tế của Công ty PwC đến từ Malaysia đã trình bày những kinh nghiệm trong việc thực hiện về kế toán dồn tích và BCTCCP cho chính phủ Malaysia.Báo cáo tài chính Chính phủ hợp nhất của Malaysia được xây dựng trên cơ sở hợp nhất của báo cáo tài chính các đơn vị, cung cấp các thông tin về doanh thu thuế, doanh thu từ các nguồn khác, tổng doanh thu hoạt động, chi phí an sinh xã hội, chi phí cán bộ, tài sản cố định hữu hình, tài sản dài hạn khác, tài sản ngắn hạn, tổng tài sản, nợ phải trả, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn từ Chính phủ… để người dân thấy sự chi tiêu của Chính phủ, sự minh bạch trong sử dụng tiền thuế của dân.

Theo các chuyên gia việc lập Báo cáo tài chính Chính phủ hợp nhất của Malaysia đã góp phần giúp Chính phủ thể hiện sự minh bạch trong chi tiêu công, từ đó gây dựng niềm tin đối với nhân dân.

Tọa đàm “Kinh nghiệm về kế toán dồn tích và BCTCCP của Malaysia” - Ảnh 1

Hai chuyên gia quốc tế của Công ty PwC đến từ Malaysia trình bày kinh nghiệm tại buổi Tọa đàm

Trên cơ sở đó, các chuyên gia quốc tế của Công ty PwC đến từ Malaysia đã trình bày chiến lược triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến công tác lập BCTCNN như: Xây dựng khung pháp lý; Đào tạo nguồn nhân lực; Tổ chức bộ máy và Thiết lập hệ thống thông tin. Đồng thời cũng chỉ ra các thách thức trong quá trình triển khai thực hiện như: Xác định số dự đầu kỳ của tài sản công nơ; Thách thức về nguồn nhân lực; Thách thức về mặt hệ thống; Thách thức về đáp ứng kỳ vọng của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà lãnh đạo.

Tọa đàm “Kinh nghiệm về kế toán dồn tích và BCTCCP của Malaysia” - Ảnh 2

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Bên cạnh những nội dung trình bày các chuyên gia cũng thảo luận và trao đổi trực tiếp giải đáp các câu hỏi của các đại biểu đến từ các Bộ, Ngành trên những kinh nghiệm thực tiễn trong việc áp dụng chế độ báo cáo tài chính Chính phủ Malaysia.

Kết thúc buổi tọa đàm, đồng chí Đặng Thị Thủy – Phó Tổng Giám đốc đánh giá cao chất lượng nội dung của buổi Tọa đàm, buổi Tọa đàm đạt được các mục tiêu đã đề ra và cảm ơn Công ty PwC về những kinh nghiệm thực tiễn quý báu đã chia sẻ. Đồng chí Phó Tổng Giám đốc KBNN mong muốn sẽ có thêm nhiều buổi trao đổi chia sẻ về nội dung này trong tương lai./.