Tòa Trọng tài Thường trực: Đường 9 đoạn không có cơ sở pháp lý
Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đã ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông sau hơn 3 năm thụ lý, trong đó, khẳng định Trung Quốc không có “quyền lịch sử” ở vùng biển này, một trong những căn cứ quan trọng để vô hiệu hóa “Đường 9 đoạn” phi pháp mà Bắc Kinh tự ý đưa ra.
Không có “quyền lịch sử” ở Biển Đông
Về quyền lịch sử trên Biển Đông, “không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc đòi chủ quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên trong vùng biển nằm trong “Đường 9 đoạn”, Thông cáo báo chí sau phán quyết cuối cùng của Tòa hôm 12/7 cho hay. PCA khẳng định dù ngư dân Trung Quốc từng đến một số đảo trong quá khứ, nhưng trong lịch sử Trung Quốc chưa bao giờ “thực hiện quyền kiểm soát đặc quyền đối với vùng nước và nguồn tài nguyên xung quanh”.
Phán quyết này cũng đồng nghĩa với việc, Tòa không công nhận yêu sách về “Đường 9 đoạn” mà phía Trung Quốc tự ý đưa ra theo bản đồ công bố năm 1947. Trong vụ kiện, Philippines yêu cầu PCA bác bỏ tuyên bố của Bắc Kinh liên quan tới quyền chủ quyền, quyền tài phán và các quyền lịch sử trong “Đường 9 đoạn”.
Về hiện trạng của những cấu trúc (ở Biển Đông), một trong những điểm quan trọng của phán quyết, đó là việc Tòa tuyên bố không một cấu trúc nào ở Trường Sa có khả năng duy trì đời sống con người ở đó, nên không điểm nào có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hay thềm lục địa. Nếu không thực thể nào trên quần đảo Trường Sa có EEZ, các nước tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa sẽ vẽ EEZ dựa vào đất liền hoặc các đảo gần bờ họ đang kiểm soát. Đài Loan không được Liên Hợp Quốc thừa nhận là quốc gia có chủ quyền. Cộng đồng quốc tế hiện coi Đài Loan là một phần của Trung Quốc nên nếu Ba Bình được công nhận là “đảo”, Bắc Kinh vẫn có thể tuyên bố EEZ trên Biển Đông. Tuy nhiên, việc PCA khẳng định không có thực thể nào ở Trường Sa (trong đó có Ba Bình) được phép thiết lập EEZ và thềm lục địa, nên Trung Quốc sẽ không có cơ sở để đưa ra yêu sách trên.
Về các điểm khác trên Biển Đông, PCA xác định bãi cạn Scarborough, Gạc Ma, đá Châu Viên, đá Ken Nan, bãi Chữ Thập đều là đá. bãi Subi, đá Tư Nghĩa, Vành Khăn và bãi Cỏ Mây là bãi cạn nửa nổi nửa chìm (LTE).
Vi phạm chủ quyền Philippines
Về tính pháp lý của các hành động của Trung Quốc, phán quyết dày 497 trang khẳng định: “Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines tại Vùng Đặc quyền kinh tế thông qua các biện pháp như (a) ngăn chặn tàu đánh cá và tàu thăm dò của Philippines, (b) xây dựng đảo nhân tạo và (c) không ngăn ngư dân Trung Quốc đánh cá trong khu vực này”.
PCA cũng khẳng định thêm rằng các ngư dân từ Philippines (cũng như Trung Quốc) có quyền đánh bắt cá truyền thống ở bãi cạn Scarbourough và Trung Quốc đã can thiệp với quyền này trong sự tiếp cận hạn chế. Thêm vào đó, PCA tuyên bố các tàu của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đã gây ra những nguy cơ đụng độ nguy hiểm khi họ cản trở các tàu Philippines.
|
Hủy hoại nghiêm trọng môi trường biển
Về vấn đề “Hủy hoại môi trường biển”, PCA kết luận Trung Quốc đã gây hủy hoại nghiêm trọng đối với môi trường các rạn san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ hệ sinh thái dễ tổn thương và môi trường sống của các sinh vật đang bị đe dọa, đang trong tình trạng nguy hiểm.
PCA cũng thấy rằng giới chức Trung Quốc có biết việc các ngư dân nước này đánh bắt quy mô lớn các loại rùa biển, san hô và trai đang trong tình trạng nguy cơ cao ở Biển Đông (sử dụng các phương pháp đánh bắt gây hủy hoại nghiêm trọng đối với các môi trường rạn san hô) và không chấp hành cam kết chấm dứt các hành động này.
Về việc hành động của Trung Quốc kể từ khi bắt đầu vụ kiện có làm tồi tệ hơn các cuộc tranh chấp hay không, PCA kết luận họ thiếu quyền tài phán để xem xét những hành động giữa lực lượng của Philippines với hải quân và tàu thực thi pháp luật Trung Quốc ở bãi Cỏ Mây bởi vấn đề tranh chấp này liên quan tới các hoạt động quân sự và bởi vậy không nằm trong phạm vi vụ kiện này.
Tuy nhiên, PCA thấy rằng các hoạt động bồi lấn quy mô lớn và xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc gần đây là không đúng với bổn phận pháp lý. Không những thế, Trung Quốc còn gây nguy hại nghiêm trọng với môi trường biển, xây dựng đảo nhân tạo lớn trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và phá hủy các bằng chứng tự nhiên ở Biển Đông, đều này một phần hình thành tranh chấp.
Theo chuyên gia Greg Polling của CSIS, PCA cũng đã lường trước khả năng Trung Quốc thiết lập vùng quân sự khi nêu rõ: Luật biển UNCLOS “không cho phép một nhóm đảo... thiết lập thành các khu quân sự tập thể”.