Toàn diện hơn và đồng bộ hơn trong cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan
(Tài chính) Đó là kỳ vọng mà cộng đồng doanh nghiệp (DN) mong muốn sau nhiều quyết sách chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cũng như hàng loạt giải pháp về thuế tháo gỡ khó khăn cho DN được Bộ Tài chính đề xuất cùng những cải cách mạnh mẽ về thuế và hải quan trong thời gian qua. Điển hình là cắt giảm tối thiểu 50% số giờ thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) thuế và công khai, minh bạch quy trình, thủ tục hải quan trên mạng...
Nối tiếp nỗ lực này, Nghị quyết số 56/NQ-CP ngày 4/8/2014, được Chính phủ ban hành ngay sau phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7/2014, đang tạo cho cộng đồng DN những kỳ vọng mới. Ngày 5/8/2013 Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị 24/CT-TTg về tăng cường quản lý và cải cách TTHC trong lĩnh vực thuế, hải quan.
Từ chính sách kinh tế và điều hành kinh tế vĩ mô
Trong giai đoạn cuối tháng 4, đầu tháng 5/2014, VCCI đã thực hiện khảo sát 800 DN và xây dựng Báo cáo khảo sát động thái DN Việt Nam 6 tháng đầu năm 2014. Kết quả cho thấy, mức độ cải thiện của năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014 được đánh giá là mạnh mẽ nhất. Bởi trong giai đoạn gần đây Chính phủ đã nỗ lực ban hành nhiều chính sách và giải pháp nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Một số chính sách được cộng đồng DN đánh giá là có hiệu quả. Tuy nhiên, đối với chính sách thuế và hải quan cộng đồng DN vẫn kỳ vọng về một sự đột phá mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Chẳng hạn như:
Thứ nhất, đánh giá ban đầu về một số điều sửa đổi, bổ sung trong Luật thuế Thu nhập DN (TNDN) có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014, hầu hết các DN cho rằng, hiệu quả của các chính sách này hỗ trợ DN ở mức bình thường. Có khoảng 20% DN cho hay, những thay đổi này hỗ trợ rất ít hoặc không hỗ trợ gì bởi vì nhìn chung các DN còn đang gặp khó khăn, cho nên lợi ích từ việc giảm thuế suất thuế TNDN còn chưa cao. Đáng chú ý là sự phản hồi của DN đối với việc nâng tỷ lệ khống chế về chi phí quảng cáo và khuyến mại lên 15%. Tỷ lệ DN đánh giá sự thay đổi này có hỗ trợ tích cực không cao như mong đợi (xem Hình).
Thứ hai, đánh giá những sửa đổi và bổ sung của Luật thuế Giá trị gia tăng, mức độ tác động nhìn chung cũng được cho là trung bình, khoảng 55% số DN nhận định "có tác động bình thường", mặc dù tỷ lệ DN đánh giá "có tác động tích cực" cao hơn so với tỷ lệ DN đánh giá “không tác động gì hoặc tác động ít”.
Những đánh giá nêu trên chứng tỏ, chính sách thuế không nên chỉ dừng lại ở những ưu đãi “hậu” kinh doanh. Việc giảm mức thuế suất chung từ 25% xuống còn 22% và hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV) với mức thuế TNDN là 20% là cần thiết. Vậy nhưng, trước bối cảnh trên 60% DN báo lỗ, thì việc áp dụng chính sách ưu đãi thuế TNDN trên là chưa đủ. Điều đó có nghĩa, Nhà nước cần tích cực hơn về việc thay đổi tư duy trong xây dựng chính sách hỗ trợ DN; Cần chú trọng hơn vào việc tạo điều kiện cho DN tiếp cận những nguồn lực (vốn, mặt bằng sản xuất, lao động, kỹ năng, công nghệ…) ở giai đoạn "tiền" kinh doanh một cách thuận lợi nhất. Nói cách khác, các chính sách hỗ trợ nêu trên là đúng song vẫn chưa đủ mạnh.
Chính sách hỗ trợ "tiền" kinh doanh đặc biệt quan trọng đối với khu vực DNNVV, nhất là những DN đang hoạt động trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, công nghiệp phụ trợ hoặc ở những vùng khó khăn. Những hỗ trợ của Nhà nước ở giai đoạn chuẩn bị kinh doanh, thử nghiệm sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm để tham gia vào chuỗi cung ứng cho các nhà thầu lớn, vượt qua những rủi ro trong quá trình đầu tư quan trọng hơn nhiều so với những ưu đãi về thuế mà họ sẽ được hưởng ở giai đoạn "hậu" kinh doanh. Mặc dù, Chính phủ đã có những giải pháp nhất định theo hướng này (như việc thành lập các quỹ hỗ trợ, xây dựng các chương trình nâng cao năng suất, chương trình đổi mới công nghệ, ươm tạo DN…) nhưng cần phải xem xét DN như là một trong những tác nhân của quá trình phát triển hơn là đối tượng thụ hưởng của các chính sách ưu đãi. Thay vì thực hiện hỗ trợ trực tiếp, Nhà nước có thể thông qua các hiệp hội DN, những DN lớn, DN cung cấp dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, để thực hiện những hoạt động hỗ trợ DNNVV (chẳng hạn đào tạo cho các nhà cung ứng; xây dựng cơ sở hạ tầng, cụm công nghiệp phù hợp với DNNVV)... Các chính sách hỗ trợ DN nhờ vậy mà cũng không bị manh mún, tản mạn, thiếu tập trung, nặng về TTHC.
Tương tự, những chính sách khuyến khích xuất, nhập khẩu cũng phải được định hình lại cho phù hợp với bối cảnh tái cấu trúc nền kinh tế. Đặc biệt là phù hợp với việc khuyến khích xuất khẩu và hoàn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu nhập để sản xuất hàng xuất khẩu. Có thể chính sách hạn chế nhập khẩu nguyên liệu đầu vào đã không tính đến nhu cầu của thị trường nội địa này là một trong những nguyên nhân khiến cho tổng cầu không bứt phá được trong những năm qua. Việc tăng cường biện pháp hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường đầu ra cũng đang là nhu cầu bức thiết.
Đến tiến trình cải cách thủ tục hành chính
Sau hàng loạt giải pháp hỗ trợ khó khăn cho DN, vấn đề cải cách TTHC cũng được Chính phủ đặc biệt quan tâm đẩy mạnh chỉ đạo thực hiện thông qua các Nghị quyết, Chỉ thị cụ thể: Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ ngày 18/3/2014 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2015, đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6.
Nghị quyết số 56/NQ-CP ngày 4/8/2014 sau phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7/2014 cũng đã thống nhất việc thực hiện các giải pháp về thuế, do Bộ Tài chính đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy mạnh sự phát triển của các DN. Theo đó, dự kiến thời gian để hoàn thành thủ tục nộp thuế giảm từ 872 giờ xuống còn 354 giờ vào tháng 12/2014.
Đặc biệt, để tăng cường công tác quản lý và cải cách TTHC trong lĩnh vực thuế, hải quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg, ngày 05/8/2014 về tăng cường quản lý và cải cách TTHC trong lĩnh vực thuế, hải quan. Chỉ thị nêu rõ, Bộ trưởng Bộ Tài chính có trách nhiệm chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan phấn đấu hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2014; Đẩy nhanh thực hiện các giải pháp và giải quyết các thủ tục hỗ trợ, giúp đỡ các DN bị thiệt hại tại một số địa phương; Cắt giảm các TTHC không cần thiết theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của DN, đồng thời tăng cường hậu kiểm. Về quy trình, thủ tục kê khai, nộp thuế, Chỉ thị yêu cầu giảm thời gian kê khai, nộp thuế đạt mức trung bình của nhóm các nước ASEAN-6; Phấn đấu cuối năm 2014 có 95% số DN khai thuế điện tử, 15/63 địa phương thực hiện nộp thuế điện tử và 63/63 địa phương triển khai trong năm 2015; Cắt giảm tối thiểu 50% số giờ thực hiện TTHC thuế, phấn đấu đến năm 2015 bằng với mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 (171 giờ/năm).
Bên cạnh việc công khai, minh bạch các quy trình, TTHC thuế, hải quan trên mạng internet. Chỉ thị yêu cầu: Triển khai có hiệu quả mô hình một cửa liên thông; Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra thuế, hải quan; Tăng cường đầu tư trang thiết bị hiện đại và chấn chỉnh, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức thuế, hải quan đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; Nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu trong thực hiện các nhiệm vụ, yêu cầu về cải cách TTHC thuế, hải quan đã đề ra; Thường xuyên giáo dục nâng cao phẩm chất, đạo đức và năng lực đội ngũ cán bộ, công chức thuế, hải quan.
Càng về gần đích (171 giờ vào tháng 6/2015) thách thức càng lớn, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành và nỗ lực hỗ trợ lớn hơn nữa từ phía Chính phủ. Cụ thể như:
- Để thực hiện thủ tục nộp thuế, vấn đề không chỉ dừng ở việc số lần nộp thuế/năm, phương tiện khai thuế (thủ công hay internet)... mà còn ở công đoạn chuẩn bị khai nộp thuế. Đối với cộng đồng DN trong đó trên 95% là DNNVV, thì việc chuẩn bị khai nộp thuế là một thách thức lớn. Tuy nhiên, những hạn chế về trình độ quản lý; Về nghiệp vụ kế toán ở các DN chỉ là một trong nguyên nhân kéo dài thời gian chuẩn bị khai nộp thuế. Những thủ tục như lập báo cáo tồn kho để được hoàn thuế; Xác định điều kiện ưu đãi thuế có thể sẽ chiếm quãng thời gian không nhỏ trong quá trình này. Một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng, chính là sự không thống nhất về cách hiểu giữa DN và cơ quan thuế đối với từng trường hợp cụ thể.
- Ngành Thuế đang đứng trước áp lực lớn trong vấn đề thực hiện thanh tra và truy thu thuế. Một mặt, phải đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ; mặt khác, không gây phiền hà cho DN làm ăn chính đáng. Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013 của VCCI, giá trị trung về số giờ làm việc với thanh tra, kiểm tra thuế là 8, trong khi giá trị nhỏ nhất chỉ là 2. Rõ ràng, muốn cải thiện tình hình, lĩnh vực này còn cần rất nhiều nỗ lực, bằng cách: Công bố kế hoạch thanh tra thường xuyên; Thừa nhận kết quả thanh tra, kiểm tra của các bộ, ngành khác; Xác định rõ những thủ tục cơ bản đối với công việc thanh tra, kiểm tra; Giảm bớt tần suất thanh tra đối với những DN có truyền thống thực hiện tốt chính sách thuế.
- Đối với các thủ tục xuất khẩu và thời gian nhập khẩu, có gần 3/4 số thủ tục không liên quan đến thủ tục hải quan, thuế mà là liên quan đến năng lực của ngành Kho vận, hệ thống kiểm dịch, kiểm định chất lượng, năng lực quản lý cửa khẩu của chính quyền địa phương... Do vậy, công việc không chỉ là của riêng ngành Hải quan mà còn cần có sự cải cách, đổi mới mạnh mẽ của các bộ, ngành liên quan.
Tóm lại, để giảm thời gian thực hiện các thủ tục theo mục tiêu đã đề ra, thì phải xây dựng được cơ chế một cửa và vận dụng một cách sáng tạo những kinh nghiệm quốc tế, giảm bớt những thủ tục không cần thiết.
Và tham vấn cộng đồng doanh nghiệp
Năm 2013, VCCI thực hiện khảo sát đối với DN dân doanh tại Việt Nam để kiểm nghiệm mối quan hệ giữa việc tham gia đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật với việc tuân thủ pháp luật của DN. Kết quả cho thấy, có tới 82% DN trong nước chưa tham gia góp ý vào các dự thảo quy định, chính sách. Trong số 18% DN từng tham gia góp ý, gần 2/3 số DN cho biết, ý kiến của họ được cơ quan Nhà nước liên quan trả lời hoặc tin rằng ý kiến của họ được sử dụng. Kết quả khảo sát của VCCI cũng đã thể hiện, DN có xu hướng tuân thủ quy định pháp luật tốt hơn, khi họ được tham gia vào quá trình xây dựng quy định pháp luật.
Mới đây, ngày 21/5/2014, Thủ Tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11/ CT-TTg đã trực tiếp giao cho VCCI - tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng DN Việt Nam nhiệm vụ tổng hợp khó khăn vướng mắc của DN chuyển tới các cơ quan Nhà nước để xử lý, giải quyết và báo cáo định kỳ tới Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Chỉ thị này. Như vậy, mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan Nhà nước và cộng đồng DN thông qua VCCI đang trở nên có ý nghĩa hơn. Trong việc tham vấn, cơ quan soạn thảo cần: Công khai kịp thời các dự thảo quy định, chính sách có liên quan tới DN, tạo thuận lợi cho DN/tổ chức đại diện cho DN có đủ thông tin, cơ hội và sự thuận lợi khi tham gia ý kiến; Tham vấn DN khi xây dựng báo cáo đánh giá tác động đối với các dự án luật và dự thảo nghị định liên quan đến DN; Có phản hồi rõ ràng về việc tiếp thu hay không, kèm theo giải trình đối với các ý kiến đóng góp của DN và hiệp hội DN. Riêng trong lĩnh vực thuế, hải quan rất cần thực hiện các cuộc điều tra khảo sát về mức độ hài lòng của người nộp thuế.
Những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm 2014 cho thấy, các DN Việt Nam đang thực hiện mạnh mẽ quá trình tái cấu trúc DN. Trong đó có phần đóng góp không nhỏ của các chính sách về thuế hỗ trợ khó khăn cho DN, cũng như những nỗ lực không nhỏ trong cải cách TTHC thuế, hải quan. Hơn lúc nào hết, những chính sách hỗ trợ sẽ là động lực, giúp các DN có niềm tin vào môi trường kinh doanh, nỗ lực thực hiện thành công Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 8 - 2014