“Toát mồ hôi” với TPP
(Tài chính) Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) Hoa Kỳ - Việt Nam đang trong quá trình đàm phán. Nhưng nhiều doanh nghiệp Việt, bao gồm cả những doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng được đánh giá là có lợi thế như dệt may, da giày, thủy hải sản, lại đang rất lo lắng?
10 tháng năm 2014, Việt Nam đã xuất siêu sang Hoa Kỳ tới 18,7 tỷ USD. Trong các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ, dệt may đứng đầu về kim ngạch, tiếp đến là giày dép, đồ gỗ và nội thất, đồ cơ khí, đồ điện tử…
Không biết sẽ làm gì
Tuy thế, công ty OIA Global - chuyên về xuất khẩu dệt may mặc - lại vẫn lo lắng. Dù đã chủ động tìm kiếm thông tin về tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá của thị trường Hoa Kỳ, như các thông tin về yêu cầu chất lượng, hàm lượng chất hoá học, mẫu mã, thời lượng và tiến độ sản xuất...
Ông Nguyễn Huy Tùng, Giám đốc dự án của công ty, vẫn muốn biết rõ hơn về tiến trình đàm phán cụ thể của các ngành hàng. Để từ đây hiểu rõ mỗi mặt hàng có những quy định pháp luật gì, mới có định hướng tham gia.
Cụ thể, công ty OIA Global cần biết thông tin chung về nhu cầu thị trường, các quy định về thuế quan… của các quốc gia đang tham gia đàm phán TPP. Lý do vì mỗi quốc gia tham gia TPP có những yêu cầu khác nhau, và không phải quốc gia nào cũng công khai thông tin như Hoa Kỳ.
Do đó, vai trò cung cấp thông tin từ phía cơ quan quản lý lại trở nên rất quan trọng trong hỗ trợ cách hiểu quy định và tránh các “bẫy” pháp lý tại thị trường các nước tham gia TPP. Trong khi đó, đây lại là mảng hoạt động chưa được các cơ quan Việt Nam chú ý lắm, dù luôn tuyên bố sắp kết thúc tiến trình đàm phán TPP.
Theo ông Nguyễn Đỗ Kiên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP may mặc Paroxy - chuyên xuất khẩu sản phẩm may mặc sang thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ, “Tôi lo lắng nhiều hơn là mừng vì thách thức quá lớn. Quy tắc của TPP quy định tỷ lệ phần trăm giá trị nội khối tạo ra sản phẩm xuất khẩu phải đạt trên 55%, trong khi đó, Việt Nam chỉ có gia công và chiếm tỷ lệ rất nhỏ với 20%”.
Ông Kiên nhận định, không biết doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ làm gì với thách thức này? Nếu không chuẩn bị, DN Việt sẽ phải cạnh tranh ngay với dòng đầu tư FDI vào các dự án từ dệt đến may. Trong khi ngay thời điểm hiện tại, DN Việt Nam chỉ chủ yếu gia công mà thiếu sự “chống lưng” của công nghiệp phụ trợ, công nghiệp sản xuất nguyên liệu may mặc.
“Ngay công ty Paroxy khi nhìn thấy quy tắc mà phía Hoa Kỳ đưa ra cũng thấy toát mồ hôi chứ đừng nói vui mừng. Vì đáp ứng được quy tắc thì được hưởng lợi thế, không có thì thôi” - ông Kiên nói.
Theo ông Kiên, tham gia TPP hay bất kỳ hiệp định thương mại nào, có nghĩa DN Việt đã tham gia “sân chơi” chung của quốc tế. Trong đó, suốt quá trình đàm phán và ký kết, triển khai ký kết, quốc gia nào cũng phải bảo vệ lợi ích của mình trước tiên.
Do vậy, các DN Việt Nam khi tham gia thị trường thế giới, cần phải chủ động tìm kiếm giải pháp cho mình, chứ đừng trông chờ hỗ trợ gì nhiều từ cơ quan chức năng Việt Nam, cũng như từ các nước tham gia ký hiệp định thương mại với Việt Nam.
Chủ động và tự giác
Theo các chuyên gia thương mại quốc tế, khi muốn triển khai kinh doanh tại thị trường ngoài Việt Nam, DN phải nghiên cứu kĩ nơi định xuất khẩu sản phẩm. Trong đó, nên thành lập công ty tại Hoa Kỳ để có nhiều điều kiện thuận lợi như tư cách pháp nhân, triển khai hoạt động được đảm bảo. Điều này hiện không nhiều DN Việt chịu thực hiện, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa (DNNVV) khi tham gia xuất khẩu sản phẩm.
Đồng tình quan điểm trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, việc thành lập DN tại Hoa Kỳ nghe có vẻ khó khăn với các DNNVV Việt Nam. Nhưng thực chất lại nằm “trong tầm tay” của các DN.
Lý do là vì các công ty thành lập tại Hoa Kỳ sẽ không phải công ty “con” của công ty trong nước. Quan trọng hơn là không bị ràng buộc pháp lý với công ty trong nước, mà chịu quản lý của pháp luật Hoa Kỳ. Do đó sẽ thuận lợi hơn rất nhiều khi thực hiện các giao dịch xuất nhập khẩu giữa hai DN tại hai quốc gia.
Đây là khuyến cáo tối quan trọng với các DN Việt Nam trong tham gia xuất khẩu. Thực tế, ngay tại Việt Nam, các DN có vốn FDI đã áp dụng mô hình này từ lâu. Theo đó, công ty FDI tại Việt Nam tiến hành nhập khẩu nguyên vật liệu và xuất khẩu sản phẩm với các công ty tại nước ngoài.
Về hình thức, đây đều là các DN độc lập, nhưng thực tế lại là các công ty “anh em” trong một hệ thống. Tất nhiên, nhờ thế mà hệ thống này sẽ tận dụng nhiều hơn các lợi thế về ưu đãi thuế, giá thành nhập khẩu và xuất khẩu sản phẩm. Nhưng về quản lý, đây cũng chính là nguyên nhân của tình trạng “chuyển giá” mà các cơ quan chức năng của Việt Nam đang vất vả ngăn chặn.
Thêm vào đó, người tiêu dùng tại Hoa Kỳ và các quốc gia khác rất quan tâm vấn đề bảo hành sản phẩm. Họ muốn biết địa chỉ để sửa chữa hoặc thay thế sản phẩm nếu cần, đồng thời phản ứng mạnh mẽ và luôn được sự hỗ trợ có hiệu quả từ các cơ quan chức năng, hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng….
Do đó, việc thành lập DN và có bộ phận chăm sóc khách hàng sẽ giúp DN tạo được tin tưởng hơn với người tiêu dùng, qua đó thâm nhập thị trường dễ dàng hơn.
Theo ông Stuart Schaag, Tham tán thương mại, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, DN cần tìm hiểu các tiêu chuẩn trong quản lý chất lượng sản phẩm của Hoa Kỳ. Khác với Việt Nam, các hiệp hội ngành nghề của quốc gia này chính là cơ quan xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
Do đó, “sẽ rất hữu ích và đơn giản khi DN tự tìm hiểu tiêu chuẩn tự nguyện của chuỗi cung ứng sản phẩm tại Hoa Kỳ để áp dụng vào sản xuất”, ông Stuart Schaag nói.
Ngoài ra, các chuyên gia của Hoa Kỳ cũng đưa ra lời khuyên, để tận dụng lợi thế khi tham gia TPP, DN cần hết sức chủ động và tự giác trong việc tìm hiểu thị trường xuất khẩu triển vọng này. Bởi đây là thị trường có độ mở cao, thông tin minh bạch và dễ tiếp cận.
Tham tán thương mại, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam
Thứ nhất, các DN muốn đầu tư cũng như bán hàng vào thị trường Hoa Kỳ, trước hết phải tìm hiểu về biểu thuế quan của Hoa Kỳ, từ đó xác định nhu cầu cũng như đối thủ cạnh tranh cho sản phẩm của mình. Thứ hai, về cách thức tìm kiếm khách hàng, DN Việt Nam nên bắt đầu từ việc tìm kiếm qua các website của các hiệp hội. Ngoài ra, kênh thông qua các triển lãm thương mại và công nghiệp cũng có thể kiếm được khách hàng tiềm năng.
Ông Nguyễn Hồng Dương
Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ (Bộ Công Thương)
Doanh nghiệp cần chủ động đầu tư cho công nghệ sản xuất, đáp ứng yêu cầu đảm bảo môi trường, sử dụng lao động. Ngay từ bây giờ, mỗi DN sản xuất hàng xuất khẩu cần tìm hiểu thị trường Hoa Kỳ, nhất là thị hiếu, tập quán sử dụng “hàng sạch”, yêu cầu rất cao về chất lượng, nguyên tắc tuân thủ pháp luật, bảo vệ môi trường, cũng như các vấn đề liên quan đến lao động đối với các nhà xuất khẩu.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng
Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương)
Nếu muốn làm ăn lâu dài và ổn định tại Hoa Kỳ, DN nên tính đến việc thành lập công ty tại thị trường này. Việc thành lập DN tại Hoa Kỳ nghe có vẻ khó khăn với các DNNVV Việt Nam, song thực chất là nằm trong tầm tay của DN. Cũng như Việt Nam, tại Hoa Kỳ có nhiều hình thức DN khác nhau như công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH), công ty hợp tác kinh doanh, và một số loại hình khác… Nhưng DN Việt Nam nên nghiên cứu hai hình thức là công ty cổ phần và công ty TNHH, bởi thủ tục nhanh gọn, chỉ trong 48 tiếng là có thể khai sinh một DN.