Tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2014 ước đạt 5,54% so với cùng kỳ năm 2013
(Tài chính) Ngay từ đầu năm ngành Tài chính đã nỗ lực mọi mặt, tìm mọi biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, đặc biệt là ban hành, sửa đổi, bổ sung các chính sách chế độ về các sắc thuế, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh sản xuất... nhớ đó, tình hình kinh tế - xã hội cả nước tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2014 thu được nhiều kết quả khả quan.
Ngành Tài chính đã đẩy mạnh thực hiện quyết liệt cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan theo Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ; phấn đấu quyết liệt thực hiện mục tiêu giảm số giờ kê khai nộp thuế, tăng số doanh nghiệp khai thuế điện tử và số địa phương nộp thuế điện tử, tạo thuận lợi ở mức cao nhất cho doanh nghiệp và người dân.
Nhờ đó, sản xuất đã được cải thiện, tác động tốt đến toàn bộ nền kinh tế. Cụ thể:
1. Tình hình chung:
- Tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2014 ước đạt 5,54% so với cùng kỳ năm 2013 (mức tăng cùng kỳ của năm 2012 là 5,10%, năm 2013 là 5,69%), trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,17%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,12%; dịch vụ tăng khoảng 6,02%
- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2014 tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 3,62% so với cùng kỳ. Tính chung chỉ số giá 9 tháng đầu năm tăng 2,25% so với tháng 12/2013 và tăng 4,61% so với cùng kỳ năm 2013.
- Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 9/2014 ước đạt 12,4 tỷ USD, giảm 6,6% so với tháng trước; tính chung 9 tháng đầu năm 2014 kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 109,6 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2013.
- Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 9/2014 ước tính đạt 13 tỷ USD, tăng 6,6% so với tháng trước; tính chung 9 tháng đầu năm 2014 kim ngạch nhập khẩu ước đạt 107,2 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2013.
- Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện 9 tháng năm 2014 ước đạt 833,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước và bằng 31,2% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước 329,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 39,5% tổng vốn và tăng 10,7% so với cùng kỳ; khu vực ngoài Nhà nước 315,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,9% và tăng 12,8% so với cùng kỳ; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 188,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 22,6% và tăng 5,8% so với cùng kỳ.
- Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: tính đến ngày 20/9/2014 cả nước có 1.152 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký 7,63 tỷ USD, bằng 82,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư là 418 lượt dự án với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 3,54 tỷ USD, bằng 62,1% so với cùng kỳ năm 2013. Tính chung cả vốn đầu tư cấp giấy chứng nhận mới và tăng thêm trong tháng 9 năm 2014 đạt 11,18 tỷ USD, bằng 74,5% so với cùng kỳ năm 2013.
2. Tình hình thực hiện dự toán ngân sách tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2014:
2.1. Về dự toán thu ngân sách nhà nước:
Tổng thu cân đối NSNN thực hiện tháng 9 ước đạt 57,26 nghìn tỷ đồng; luỹ kế thu 9 tháng đạt 636 nghìn tỷ đồng, bằng 81,3% dự toán, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó:
a) Thu nội địa: thực hiện tháng 9 ước đạt 35,4 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế thu 9 tháng đạt 427,89 nghìn tỷ đồng, bằng 79,4% dự toán, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó đã thu vào NSNN khoảng 32,5 nghìn tỷ đồng cổ tức và lợi nhuận còn lại của các DNNN theo số quyết toán năm 2013 và phát sinh 6 tháng đầu năm 2014 theo Nghị định số 204/2013/NĐ-CP ngày 5/12/2013 của Chính phủ; đồng thời, đã thu khoảng 1,83 nghìn tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh trong quý III/2013 của một số đối tượng doanh nghiệp đã được gia hạn 3 tháng theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, nay đến hạn phải nộp.
b) Thu từ dầu thô: thực hiện tháng 9 ước đạt 8,3 nghìn tỷ đồng; luỹ kế thu 9 tháng đạt 79,78 nghìn tỷ đồng, bằng 93,6% dự toán, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2013 (giá dầu thanh toán bình quân 9 tháng đạt khoảng 112,4 USD/thùng, tăng 14,4 USD/thùng so với giá xây dựng dự toán; sản lượng dầu thanh toán ước đạt 11,28 triệu tấn, bằng 78,8% kế hoạch năm).
c) Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu: thực hiện tháng 9 ước đạt 12,96 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế thu 9 tháng đạt 125,1 nghìn tỷ đồng, bằng 81,2% dự toán, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2013 (tổng số thu đạt 183,5 nghìn tỷ đồng, bằng 81,9% dự toán, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2013; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ 58,4 nghìn tỷ đồng).
2.2. Về chi ngân sách nhà nước:
Tổng chi NSNN tháng 9 ước đạt 85,41 nghìn tỷ đồng; lũy kế chi 9 tháng ước đạt 768 nghìn tỷ đồng, đạt 76,3% dự toán, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2013; trong đó:
a) Chi đầu tư phát triển: thực hiện tháng 9 ước đạt 13,36 nghìn tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 128 nghìn tỷ đồng, bằng 78,6% dự toán, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2013. Đến hết tháng 9/2014, vốn đầu tư XCB nguồn NSNN đã giải ngân (bao gồm cả tạm ứng vốn theo chế độ) đạt 78,5% dự toán (cùng kỳ năm 2013 đạt 63,8%); vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân đạt xấp xỉ 71,5% kế hoạch (cùng kỳ năm 2013 đạt 68,6%).
b) Chi trả nợ và viện trợ: thực hiện tháng 9 ước đạt 14,12 nghìn tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 101,86 nghìn tỷ đồng, bằng 84,9% dự toán, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2013, đảm bảo thanh toán đầy đủ và kịp thời các khoản nợ đến hạn.
c) Chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính: thực hiện tháng 9 ước đạt 57,93 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đạt 538,07 nghìn tỷ đồng, bằng 76,4% dự toán, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2013.
Tính đến hết tháng 9/2014, tổng nguồn dự phòng NSTW năm 2014 đã sử dụng và dự kiến sử dụng khoảng 8.341 tỷ đồng, bằng 80,9% dự toán (10.300 tỷ đồng), nguồn còn lại khoảng 1.959 tỷ đồng, Bộ Tài chính đã có văn bản số 579/BTC-NSNN ngày 6/9/2014 báo cáo Thủ tướng Chính phủ định hướng ưu tiên sử dụng để phòng chống khắc phục thiên tai, bão lụt, dịch bệnh, hỗ trợ lãi suất mua gạo tạm trữ... và một số nhiệm vụ cấp bách phát sinh.
2.3. Về cân đối ngân sách:
Bội chi NSNN tháng 9 ước 28,15 nghìn tỷ đồng; lũy kế 9 tháng 131,99 nghìn tỷ đồng, bằng 58,9% mức bội chi Quốc hội quyết định đầu năm.
2.4. Về tình hình huy động vốn cho NSNN:
Trong tháng 9/2014 (tính đến ngày 25/9/2014), Kho bạc Nhà nước huy động trái phiếu Chính phủ đạt tổng số 12.000 tỷ đồng (bằng 76,4% so với tháng trước và bằng 126% so với cùng kỳ năm trước). Luỹ kế từ đầu năm đến hết ngày 25/9/2014, KBNN huy động được 210.198,3 tỷ đồng, đạt 90,6% kế hoạch Bộ giao năm 2014, bằng 145,0% so với cùng kỳ năm 2013.
Nhìn chung tình hình thị trường TPCP 9 tháng đầu năm 2014 có nhiều thuận lợi, các thành phiên tham gia tích cực vào các phiên đấu thầu. Tính riêng trong tháng 9 số lượng các thành viên tham gia đấu thầu đều từ 10 – 14 thành viên/kỳ hạn/phiên; tổng khối lượng trái phiếu đặt thầu là 32.011 tỷ đồng/12.000 tỷ đồng gọi thầu; khối lượng trái phiếu trúng thầu là 12.000 tỷ đồng/12.000 tỷ đồng gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu các phiên đạt 100%.
Trái phiếu kỳ hạn dài đang nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà đầu tư trên thị trường, trong tháng 9/2014 KBNN chỉ tập trung phát hành trái phiếu kỳ hạn 5 năm, 10 năm và 15 năm, tạm dừng phát hành trái phiếu kỳ hạn dưới 3 năm. Tỷ trọng trái phiếu kỳ hạn 3 năm trở lên trong tổng số huy động đã được cải thiện đáng kể so với năm 2013, tính chung 9 tháng đầu năm 2014, tỷ trọng trái phiếu kỳ hạn 3 năm chiếm 28,4% tổng số huy động (năm 2013: 9 tháng là 29,2%, cả năm là 27,2%), kỳ hạn 5 năm chiếm 25,9% (năm 2013: 9 tháng là 17,2%, cả năm là 15,5%), kỳ hạn 10 năm chiếm 12,1% (năm 2013: 9 tháng là 5,8%, cả năm là 4,6%), kỳ hạn 15 năm chiếm 4,8% (năm 2013: 9 tháng là 2,1%, cả năm là 2,4%).