Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lý luận xuất sắc của Đảng, nhà giáo mẫu mực

PGS. TS. Lê Kim Việt - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo tận tụy, vì nước, vì dân, người cộng sản chân chính, nhà tư tưởng lý luận xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam; đồng thời, Đồng chí cũng là một nhà giáo, một người thầy có nhân cách mẫu mực, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo cán bộ của Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nhà tư tưởng lý luận xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam

Trong gần 60 năm hoạt động cách mạng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thời gian dài gắn liền với công tác tư tưởng lý luận của Đảng. Từ chuyên viên, biên tập viên của một tạp chí lớn của Đảng (Tạp chí Học tập, nay là Tạp chí Cộng sản), trở thành một nhà lãnh đạo xuất sắc, người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta.

Trong bộn bề trăm công, nghìn việc, Tổng Bí thư luôn dành thời gian, tâm sức cho nghiên cứu khoa học, cho công tác tư tưởng lý luận của Đảng. Khó có thể thống kê đầy đủ, chính xác hết các công trình khoa học của Tổng Bí thư, song có thể nhận thấy, với hàng trăm bài viết, công trình nghiên cứu, nhiều sách lý luận được xuất bản, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp to lớn cho công tác tư tưởng lý luận của Đảng ta.

Trước hết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lý luận có tầm nhìn xa, trông rộng, tư duy chiến lược và bao quát toàn diện những vấn đề lý luận và thực tiễn đất nước. Trong các công trình của Tổng Bí thư, nổi lên các công trình nghiên cứu về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về đặc trưng của thời kỳ quá độ ở Việt Nam, về công tác xây dựng Đảng trong điều kiện một đảng cầm quyền; về xây dựng đội ngũ cán bộ liêm chính; lý luận về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện; về xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”;… Nội dung các công trình đó đều là những vấn đề tư tưởng lý luận mang tầm chiến lược, định hướng cho sự phát triển của đất nước, phản ánh tính đặc thù của xã hội Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà nghiên cứu lý luận có tư duy sắc bén, nhanh nhạy phát hiện vấn đề và kịp thời giải quyết những vấn đề cấp thiết thực tiễn đặt ra. Toàn bộ các công trình nghiên cứu, bài viết của Tổng Bí thư thể hiện một tư duy lý luận sắc bén, nhanh nhạy phát hiện vấn đề từ thực tiễn, từ đó có những luận giải thỏa đáng. Đó là các vấn đề về đặc điểm và những biến đổi trong các mối quan hệ lớn của thế giới đương đại; đó là việc giải quyết mối quan hệ giữa đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ với việc giải quyết tốt các mối quan hệ với các nước lớn trong bối cảnh, điều kiện Việt Nam có tiềm lực chưa mạnh, trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đối ngoại, an ninh, quốc phòng...

Nhờ đường lối đối ngoại chủ động, linh hoạt nhưng có nguyên tắc “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” mang bản sắc “cây tre Việt Nam” và sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sáng suốt của Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã làm “mềm hóa” các quan hệ thù địch, đã thắt chặt thêm các quan hệ quốc tế với các nước trên thế giới, tạo môi trường thuận lợi cho sự giao lưu, hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế, đồng thời bảo đảm giữ vững quốc phòng an ninh của đất nước. Đó là tư duy mới về vấn đề bạn - thù trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc… Các công trình, bài viết đều thể hiện tầm tư duy chiến lược, sự nhạy bén chính trị về những vấn đề sống còn của Đất nước.

Một trong những điểm nổi bật trong quá trình nghiên cứu, phát triển lý luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự gắn kết các sản phẩm nghiên cứu với thực tiễn đất nước, nhằm giải đáp những vấn đề thực tiễn đang đặt ra và mang tính chỉ đạo, định hướng cao đối với đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người kiên định với những nguyên lý lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời có những đóng góp, bổ sung và phát triển sáng tạo lý luận đó trong bối cảnh mới. Là người có vai trò quan trọng trong Tiểu ban Văn kiện của các đại hội Đảng gần đây, Tổng Bí thư đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương và các nhà khoa học, cùng với sự góp ý của toàn Đảng, toàn dân đã hoàn thiện, bổ sung Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), trong đó làm rõ hơn bản chất, đặc trưng của mô hình chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, nhân dân ta đã lựa chọn và đang xây dựng; đã đóng góp, bổ sung, phát triển lý luận về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh và điều kiện mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm nghiên cứu, phát triển lý luận về xây dựng Đảng, làm rõ hơn đặc điểm, bản chất của đảng cầm quyền trong điều kiện đặc thù của Việt Nam - một đảng duy nhất cầm quyền, nhất là vấn đề về nội dung cầm quyền, phương thức cầm quyền và mối quan hệ trong các mặt của công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ. Đặc biệt, Tổng Bí thư đã có nhiều bài viết về nội dung xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về đạo đức.

Một trong những điểm nổi bật trong quá trình nghiên cứu, phát triển lý luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự gắn kết các sản phẩm nghiên cứu với thực tiễn đất nước, nhằm giải đáp những vấn đề thực tiễn đang đặt ra và mang tính chỉ đạo, định hướng cao đối với đất nước. Nhiều ý tưởng, quan điểm, sản phẩm nghiên cứu của Đồng chí đã được cụ thể hóa thành các quy định của Đảng, như vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức, trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm, ý chí và phương châm “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, “không ngừng nghỉ” được Đảng ta chuyển thành các quy định, cơ chế… và đã được thực hiện, mang lại hiệu quả rõ rệt. Đó chính là tính thiết thực, hiệu quả trong nghiên cứu và bảo đảm tính định hướng, dẫn đường của tư tưởng lý luận đối với thực tiễn cách mạng Việt Nam.

GS. TS. Nguyễn Phú Trọng: Nhà giáo mẫu mực, có nhiều đóng góp cho công tác đào tạo cán bộ của Đảng

Trong cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một lĩnh vực mà Đồng chí trực tiếp làm việc đó là nhà giáo và là một người thầy có nhân cách mẫu mực, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo cán bộ của Đảng. Trong những năm 1996 - 1998, với vị trí, vai trò là Trưởng Ban Cán sự Đại học, trực tiếp phụ trách Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, dù bận nhiều công việc, Đồng chí vẫn luôn trăn trở, dành tâm huyết cho sự nghiệp “trồng người”, tham gia giảng bài, nói chuyện với cán bộ, đảng viên và sinh viên các trường đại học.

Sau này, Đồng chí thường xuyên tham gia giảng dạy cho các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng, hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ… bằng tất cả sự tâm huyết của một nhà giáo. Những người đã từng được nghe Đồng chí giảng, được Đồng chí dạy, hướng dẫn luôn cảm nhận được sự uyên thâm về kiến thức chuyên môn và sự mẫu mực về đạo đức, khiêm nhường, hết lòng vì học trò.

Nét nổi bật trong nhân cách mẫu mực của một nhà giáo - GS, TS Nguyễn Phú Trọng là sự chuẩn mực về đạo đức trong quan hệ, ứng xử. Dù trên cương vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước nhưng đối với các tập thể khoa học, Đồng chí luôn có thái độ khiêm nhường, lắng nghe, tiếp thu ý kiến và cùng trao đổi. Là người giữ trọng trách cao trong Đảng, Nhà nước, nhưng với học trò, Đồng chí không có khoảng cách, mà luôn thân thiết, tận tâm, gần gũi, chân tình và chu đáo, luôn ân cần, chỉ bảo từng câu, từng chữ. Đó không chỉ là tình cảm thân thương độ lượng, bao dung của một người thầy mà còn là sự ân cần, chu đáo của một người anh dành cho những người em của mình. Tình cảm ấy đã đọng lại, đi theo nhiều thế hệ học trò trong suốt cuộc đời họ và là tấm gương cho bao thế hệ cán bộ noi theo.

Không chỉ truyền thụ cho người học những kiến thức mới, sâu sắc về lý luận, mà Đồng chí còn quan tâm định hướng để học trò gắn lý luận với thực tiễn công việc. Đồng chí luôn căn dặn: “Phải đào sâu suy nghĩ, tìm tòi, để sau này học xong mới có thể vận dụng vào công việc được, nếu không nắm chắc kiến thức thì sau này học xong không sử dụng được cũng vô ích”. Không chỉ dạy, truyền đạt cho học trò những tri thức chuyên môn thuần túy mà Đồng chí luôn quan tâm dạy cho học trò về những chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Đồng chí từng căn dặn: “Vấn đề quan trọng là học xong rồi để làm được cái gì có lợi cho dân, cho Đảng, chứ không phải học để có cái bằng để đấy”.

Trong giảng dạy, hướng dẫn, Đồng chí có phương pháp truyền thụ rất khoa học và hiện đại, luôn gợi mở, định hướng cho người học những vấn đề mà lý luận và thực tiễn đang cần luận giải. Trước những vấn đề cần trao đổi, Đồng chí luôn đặt câu hỏi cho người học suy nghĩ và tìm tòi, không áp đặt, mà luôn tôn trọng, lắng nghe ý kiến của người học. Đó chính là phương pháp hiện đại, “lấy người học làm trung tâm”, buộc người học phải đào sâu suy nghĩ, tìm tòi để tiếp cận tri thức.

“Diễn đạt chặt chẽ, súc tích, logic và mạch lạc” đó là tư duy, là phong cách sư phạm của Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nguyễn Phú Trọng. Đồng chí luôn căn dặn, dạy bảo cho học trò từng câu, từng ý về cách diễn đạt sao cho dễ hiểu, ngắn gọn, súc tích, mạch lạc, chặt chẽ; phải lưu ý “chữ phải gắn liền với nghĩa, ngắn gọn súc tích, nhưng phải mạch lạc, đủ ý”. Đó là những điều tâm huyết chỉ có ở những nhân cách nhà giáo mẫu mực và đức độ, hết lòng vì người học.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một nhà tư tưởng lý luận xuất sắc của Đảng, một nhân cách nhà giáo mẫu mực của đất nước, mất đi là một tổn thất vô cùng to lớn đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân, đối với cán bộ, đảng viên của Đảng và cũng là một mất mát vô cùng to lớn đối với ngành giáo dục - đào tạo và bao thế hệ học trò. Hình ảnh một Tổng Bí thư của Đảng suốt đời tận tụy vì nhân dân, vì Đảng, vì đất nước, sống thanh cao, trong sạch, liêm khiết, kiên quyết đấu tranh loại bỏ cái xấu, để làm cho Đảng trong sạch hơn, vững mạnh hơn. Hình ảnh nhà giáo luôn tậm tâm, thương yêu học trò… sẽ sống mãi trong trái tim bao thế hệ sinh viên, cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam.

_________________

Theo Tạp chí Lý luận chính trị