Tổng Bí thư Trường Chinh với công cuộc đổi mới ở Việt Nam
Để thực hiện việc tổng kết đánh giá 30 năm đổi mới nền kinh tế, gắn với kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Cố Tổng Bí thư Trường Chinh (9/2/1907 – 9/2/2017), ngày 25/2/2017, Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính đã phối hợp với Huyện ủy – Hội đồng Nhân Dân – UBND huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng Bí thư Trường Chinh với công cuộc đổi mới ở Việt Nam”.
Sự nghiệp đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đi qua chặng đường hơn 30 năm (1986-2016). Đây là một trong những mốc son đáng ghi nhớ trong chặng đường lịch sử vinh quang của Đảng và dân tộc. Làm nên sự nghiệp đổi mới là công lao của toàn Đảng, toàn dân nhưng không thể không nhắc tới người đặt nền móng của công cuộc đổi mới là đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất trong những bước ngoặt của cách mạng Việt Nam.
Để ôn lại và tri ân những cống hiến to lớn của đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc cũng như đối với công cuộc đổi mới ở Việt Nam; đồng thời, đánh giá những thành tựu kinh tế - tài chính sau hơn 30 năm đổi mới, Hội thảo “Tổng Bí thư Trường Chinh với công cuộc đổi mới ở Việt Nam” đã được tổ chức tại xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định (nơi sinh ra và lớn lên của Cố Tổng Bí thư Trường Chinh).
Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu đến từ Đảng ủy Bộ Tài chính, các nhà nghiên cứu, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (CL&CSTC), lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Xuân Trường; Đảng ủy, HĐND, UBND xã Xuân Hồng, Trường THCS Đặng Xuân Khu, các bậc cao niên làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng cùng một số doanh nghiệp trung ương và địa phương...
Dưới sự chủ trì của TS. Nguyễn Viết Lợi, Bí thư chi Bộ, Viện trưởng Viện CL&CSTC và ông Bùi Văn Hảo, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện Xuân Trường, Hội thảo đã tập trung thảo luận các nội dung: (i) Các dấu mốc lịch sử của Tổng Bí Thư Trường Chinh trong quá trình hoạt động cách mạng; (ii) Tổng Bí thư Trường Chinh và công cuộc đổi mới; (iii) Những thành tựu kinh tế - tài chính của Việt Nam sau 30 năm đổi mới; (iv) Huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định với công cuộc đổi mới cùng đất nước; (v) Làng Hành Thiện, Ngôi trường Đặng Xuân Khu và truyền thống hiếu học.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Viết Lợi, Bí thư chi Bộ, Viện trưởng Viện CL&CSTC nhận định, những thành tựu của 30 năm đổi mới (1986-2016) đã khẳng định tính đúng đắn của đường lối đổi mới toàn diện do Đại hội VI (tháng 12/1986) của Đảng đề ra, mà đồng chí Trường Chinh là một trong những người khởi xướng. Đồng chí Trường Chinh đã có những cống hiến rất quan trọng vào việc đề ra chủ trương đổi mới của Đảng ta, là người đầu tiên đưa ra phạm trù đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế.
Khắc họa lại thân thế, sự nghiệp của Cố Tổng Bí thư Trường Chinh và các dấu mốc lịch sử trong quá trình hoạt động cách mạng, PGS., TS. Đàm Đức Vượng, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng cho biết, cuộc đời Tổng Bí thư Trường Chinh (Đặng Xuân Khu - 9/2/1907-30/9/1988) là cuộc đời của cách mạng và đổi mới. Sinh ra trong một gia đình trí thức khoa bảng, tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, đồng chí Trường Chinh đã giác ngộ cách mạng từ rất sớm, là một trong những người tham gia vận động thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng.
Khi Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc sáng lập vào ngày 3/2/1930, đồng chí đã gia nhập Đảng. Trải qua nhiều lần giữ các cương vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước như Tổng bí thư Đảng Đông Dương, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam..., ở đồng chí Trường Chinh luôn nổi lên phẩm chất của một nhà cách mạng bản lĩnh, trí tuệ, kiên trung, đổi mới theo định hướng XHCN.
Quang cảnh buổi Hội thảo
“Điều đặc biệt làm nổi bật sự đóng góp của đồng chí Trường Chinh trong những ngày đầu đổi mới là đồng chí đã kiên quyết phát biểu trong các Hội nghị Trung ương sáu, bảy, tám (Khóa V) và trong Đại hội lần thứ VI của Đảng đề nghị bãi bỏ mô hình kinh tế hiện vật và cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp. Đây là khâu đột phá, là tiền đề để tiến đến xóa bỏ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN hôm nay”, TS. Hà Thị Mỹ Hạnh cho biết.
Phát biểu tại Hội thảo, Ông Vũ Tuấn Dương, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Xuân Trường khẳng định, 30 năm đổi mới đất nước, 20 năm tái lập huyện Xuân Trường với nhiều khó khăn thách thức, song Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong Huyện đã luôn đoàn kết, chung sức đồng lòng xây dựng Huyện ngày càng giàu mạnh, trở thành huyện tiêu biểu của tỉnh Nam Định, xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh và truyền thống của quê hương anh hùng – quê hương của Cố Tổng Bí thư Trường Chinh.
Hội thảo cũng đã nghe đại diện các vị cao niên làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng giới thiệu truyền thống hiếu học của Làng xưa và nay, đồng thời, ôn lại những kỷ niệm về những lần thăm quê hương của Tổng Bí thư Trường Chinh.
Đánh giá cao nội dung các bài tham luận, các ý kiến của các đại biểu tham dự buổi Hội thảo “Tổng Bí thư Trường Chinh với công cuộc đổi mới Việt Nam”, đồng chí Đinh Đức Xương, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Tài chính khẳng định, Hội thảo là dịp để các cán bộ, đảng viên ôn lại và tri ân những cống hiến to lớn của đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc cũng như đối với công cuộc đổi mới ở Việt Nam.
Kết quả của buổi Hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng, đóng góp vào những nghiên cứu chuyên sâu về hoạch định chính sách tài chính trong thời gian tới đây, giúp cho ngành Tài chính tham mưu với Đảng và Nhà nước ban hành các văn bản, chính sách pháp luật phát triển kinh tế đất nước.