Tổng cục Hải quan chỉ đạo tăng cường biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị và các Cục Hải quan tỉnh, thành phố tăng cường biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, cảng hàng không, vùng biên và địa bàn nội địa.
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 3/2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 58,49 tỷ USD, tăng 18,6% so với tháng trước (tương ứng tăng 9,19 tỷ USD). Trong đó, trị giá xuất khẩu ước đạt 29,57 tỷ USD, tăng 13,5% (tương ứng tăng 3,52 tỷ USD) so với tháng trước và trị giá nhập khẩu ước đạt 28,92 tỷ USD, tăng 24,4% (tương ứng tăng 5,67 tỷ USD) so với tháng trước.
Lũy kế 3 tháng đầu năm 2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% (tương ứng giảm 23,62 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% (tương ứng giảm 10,71 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022 và trị giá nhập khẩu ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% (tương ứng giảm 12,91 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 3/2023 ước tính thặng dư 645 triệu USD. Như vậy, lũy kế 3 tháng từ đầu năm 2023, cả nước ước tính thặng dư 4,07 tỷ USD.
Về tình hình thu ngân sách nhà nước (NSNN), số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, số thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 3 đạt 33.476 tỷ đồng. Quý I/2023 đạt 91.267 tỷ đồng, đạt 21,5% dự toán, giảm 17% (tương đương 17.780 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2022.
Về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp. Tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, cơ quan Hải quan đã phát hiện các vụ việc vi phạm liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại, tập trung vào một số hành vi như: Không khai báo, khai hải quan không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Ngoài ra, trên tuyến đường biển và địa bàn liên quan các đối tượng đã tăng cường hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép mặt hàng có lợi nhuận cao như dầu DO, than, động vật hoang dã, hàng điện tử đã qua sử dụng. Các mặt hàng động vật hoang dã là ngà voi, sừng tê giác có chiều hướng chuyển dịch từ các cảng biển thuộc khu vực miền Nam, miền Trung ra các tỉnh phía Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh.
Lợi dụng sự thông thoáng về chế độ chính sách, sự phát triển của thương mại điện tử, phương thức chuyển phát nhanh, dịch vụ ký gửi hàng hoá, hành lý,... các đối tượng trong và ngoài nước đã móc nối, cấu kết hình thành các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua các cảng hàng không quốc tế như vũ khí, chất nổ, động vật hoang dã quý hiếm, rượu, thuốc lá, các mặt hàng tân dược, mỹ phẩm, đồ điện tử, hàng tiêu dùng đã qua sử dụng, các loại hàng hoá khác có trị giá cao...
Thời gian qua, việc vận chuyển các chất ma túy qua đường hàng không có chiều hướng tăng đột biến cả về số lượng vụ việc, khối lượng tang vật vi phạm. Các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn vừa thông qua cất dấu, nguỵ trang ma tuý thành hàng hóa, hành lý ký gửi thông thường, thậm chí các đối tượng liều lĩnh mang theo hành lý xách tay. Hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy tổng hợp có chiều hướng chuyển dịch tập trung nhiều tại Sân bay quốc tế Nội Bài, đặc biệt là các chuyến bay từ Hoa Kỳ, các nước thuộc khối Liên minh Châu Âu.
Thống kê sơ bộ cho thấy, lũy kế từ ngày 16/12/2022 đến ngày 15/3/2023, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng phát hiện, bắt giữ: 38 vụ/55 đối tượng, trong đó cơ quan hải quan chủ trì 20 vụ. Tang vật thu được gồm: 30,4 kg Heroin; 4,5 kg Cần sa; 72,7 kg ketamin; 11kg Cocain; 11,3 kg Methamp-hetamin; 221,8 kg MDMA (thuốc lắc); 3,1 kg và 7.500 viên ma túy các loại khác.
Trước tình hình trên, Tổng cục Hải quan tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các đơn vị và các Cục Hải quan tỉnh, thành phố đẩy mạnh các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, cảng hàng không, vùng biên và địa bàn nội địa.
Đồng thời, tiếp tục phát huy tốt vai trò cơ quan tham mưu, giúp việc cho Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban chỉ đạo 389 Bộ Tài chính trong việc xây dựng các chương trình, kế hoạch, cảnh báo trong chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, công tác phòng chống ma túy, phòng chống tội phạm.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã cụ thể hóa và triển khai các kế hoạch, chương trình công tác trọng tâm, trọng điểm ở từng địa bàn, nhằm cảnh báo, hướng dẫn địa phương về kiểm soát chống buôn lậu trong địa bàn kiểm soát hải quan; Thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo về các loại ma tuý mới, các phương thức, thủ đoạn, xu hướng mới của tội phạm buôn lậu, ma tuý.
Đồng thời, xây dựng các phương án, kế hoạch xác minh, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phức tạp, nổi cộm; xác định rõ vai trò chủ trì, phối hợp của các ngành, lực lượng chức năng, địa phương trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn hải quan quản lý, phụ trách...
Từ ngày 16/02 đến ngày 15/3/2023, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 1.712 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 480,3 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 02 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 06 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước: 21,7 tỷ đồng. Lũy kế từ ngày 16/12/2022 đến ngày 15/3/2023, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 3.657 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 1.004,821 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 05 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 18 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là 179,196 tỷ đồng.