Tổng cục Hải quan chủ động giải đáp kiến nghị cho doanh nghiệp

Theo baohaiquan.vn

Nhằm tạo điều kiện tối đa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, trước thềm hội nghị Thủ tướng với DN diễn ra ngày 17/5/2017, Tổng cục Hải quan đã chủ động tháo gỡ các thắc mắc liên quan đến chính sách thuế, hải quan.

Bộ Tài chính tổ chức hội nghị đối thoại thường niên về chính sách và thủ tục hành chính Thuế, Hải quan kịp thời tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp. Nguồn: PV.
Bộ Tài chính tổ chức hội nghị đối thoại thường niên về chính sách và thủ tục hành chính Thuế, Hải quan kịp thời tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp. Nguồn: PV.

Tích cực triển khai Nghị quyết 35

Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy cho rằng, mức độ cải thiện thủ tục hành chính thuế, hải quan vẫn chưa tốt lên. Thái độ, ý thức trách nhiệm và năng lực của các CBCC, viên chức nhà nước trong việc thực hiện các quy định pháp lý, chính sách và thủ tục hành chính vẫn chưa cao và chậm chuyển biến.

Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan cho biết, triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, Tổng cục Hải quan đã ban hành kế hoạch hành động và sau 1 năm thực hiện đã thu được kết quả khả quan. Theo báo cáo đánh giá CCTTHC hải quan năm 2016 của VCCI, trong tổng số 1.035 DN XNK có phản hồi khi được hỏi, hầu hết các chỉ tiêu về tiếp cận thông tin quy định thủ tục hành chính hải quan, về thực hiện thủ tục hành chính hải quan đều có tiến bộ so với năm 2015; một số chỉ tiêu về sự phục vụ của công chức hải quan có chuyển biến tích cực song vẫn còn chỉ tiêu chuyển biến chậm hơn so với năm 2015. Kết quả này phản ánh tương đối sát những nỗ lực và thực trạng kết quả cách cách thủ tục và nhân sự của ngành Hải quan hiện nay theo Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, việc CCTTHC hải quan không chỉ đòi hỏi riêng sự nỗ lực của ngành Hải quan mà còn phụ thuộc nhiều vào nỗ lực cải cách của các bộ quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa XNK.

Vì vậy, đối với kiến nghị của Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy cũng như kiến nghị tương tự của một số DN khác, Tổng cục Hải quan xin ghi nhận để có các giải pháp khắc phục trong phạm vi thẩm quyền được giao, đồng thời kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ những vướng mắc vượt thẩm quyền của Tổng cục, qua đó đưa Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ đi vào cuộc sống một cách thiết thực và hiệu quả hơn.

Tổng cục Hải quan cho biết, để nâng cao ý thức trách nhiệm của CBCC và đảm bảo kỷ cương, liêm chính trong ngành Hải quan, Tổng cục Hải quan đã triển khai thực hiện các giải pháp như hoàn thiện các quy chế, quy định; cải cách, hiện đại hoá hải quan; các quy định pháp luật liên quan đến chế độ, chính sách của Nhà nước, quy chế, quy trình, thủ tục hải quan của Bộ Tài chính và của Tổng cục Hải quan đều được công khai, minh bạch trên các phương tiện truyền thông của ngành; thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ cho các CBCC; tổ chức hệ thống đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý các thông tin phản ánh các biểu hiện tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu của công chức Hải quan; tăng cường kiểm tra, giám sát nội bộ...

Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại

Đối với kiến nghị của Hiệp hội DN quận Hải An, TP. Hải Phòng về việc Nhà nước nên tăng cường công tác kiểm tra thị trường và có biện pháp chống tình trạng nhập lậu hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến DN sản xuất trong nước và người tiêu dùng.

Liên quan đến vấn đề này, Tổng cục Hải quan cho biết, công tác chống buôn lậu nói chung, chống hàng giả nói riêng là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Thời gian qua, Đảng, Chính phủ luôn quan tâm, tăng cường chỉ đạo quyết liệt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả thông qua việc thành lập và vận hành hiệu quả Ban chỉ đạo 389 quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (CBL, GLTM và HG - trong đó Bộ Tài chính là đơn vị thường trực); Ban chỉ đạo 138/CP về phòng, chống tội phạm của Chính phủ nhằm phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của của bộ, ngành, lực lượng chức năng trên địa bàn cả nước trong công tác phòng, chống vi phạm, tội phạm về buôn lậu, GLTM và HG. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, lực lượng chức năng đã căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình đồng loạt ra quân, kiểm tra, xử lý triệt để nhiều đường dây, ổ nhóm, vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Mới đây, với quyết tâm đẩy lùi các vi phạm, tội phạm nói chung và tội phạm về buôn lậu, GLTM, HG nói riêng, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030, trong đó giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng và triển khai Đề án Phòng, CBL, GLTM và HG tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm; giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng và triển khai Đề án Phòng, chống vi phạm pháp luật và phối hợp phòng, chống tội phạm trong các lĩnh vực tài chính, chứng khoán, XNK hàng hóa; hành vi chuyển giá, trốn thuế của DN.

Theo đó, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch số 10876/KH-TCHQ về việc phòng, chống vi phạm pháp luật và phối hợp phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực XNK hàng hóa giai đoạn 2016 – 2020. Xây dựng cụ thể các giải pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, ngăn ngừa, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, GLTM và HG.

Bên cạnh đó, công tác CBL, GLTM và HG là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của Tổng cục Hải quan. Hàng năm, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, GLTM, HG, tập trung vào các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng không đủ điều kiện, tiêu chuẩn NK....

Trong 4 tháng đầu năm 2017, lực lượng kiểm soát hải quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý gần 50.000 viên, vỉ, lọ tân dược, 50 chiếc máy dùng trong y tế, 560 kg hóa chất các loại, 84.960 kg phân bón các loại, trên 557.000 kg thức ăn chăn nuôi, 46.933 kg đường, hơn 17.000 sản phẩm mỹ phẩm, 3.105 món linh kiện điện tử...

Thời gian tới, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ tăng cường hơn nữa công tác CBL, GLTM và HG. Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ sở pháp lý liên quan đến công tác kiểm soát hải quan, tạo tiền đề, hành lang pháp lý để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh CBL, GLTM, HG; làm tốt vai trò thường trực giúp việc Ban chỉ đạo 389 quốc gia, tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo, điều hành có hiệu quả công tác CBL, GLTM và HG, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng, tăng cường công tác thu thập, xử lý thông tin nhằm phát hiện, tìm ra các phương thức, thủ đoạn, đường dây, ổ nhóm buôn lậu mới để có những biện pháp đấu tranh, phòng ngừa thích hợp...

Trước thềm hội nghị Thủ tướng với DN, Tổng cục Hải quan được phân công triển khai thực hiện 7 kiến nghị của DN kèm theo Công văn số 4239/VPCP-DMDN của Văn phòng Chính phủ. Sau khi xem xét Tổng cục Hải quan nhận thấy có 4 kiến nghị thuộc chức năng, nhiệm vụ và cơ quan Hải quan đã trả lời cụ thể từng kiến nghị; 3 kiến nghị thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Thuế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công Thương. Bên cạnh đó, qua rà soát Tổng cục Hải quan nhận thấy có 1 kiến nghị tại bảng tổng hợp có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục Hải quan, do đó, Tổng cục Hải quan đã chủ động giải quyết kiến nghị này.