Tổng quan thị trường vàng năm 2024 và dự báo năm 2025
Năm 2024, thị trường vàng tại Việt Nam đã trải qua nhiều biến động mạnh mẽ, phản ánh sự ảnh hưởng từ thị trường vàng thế giới cũng như nhu cầu trong nước. Chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ, căng thẳng địa chính trị và hoạt động mua vào mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương đã đẩy giá vàng lên mức kỷ lục vào năm 2024. Giá vàng thế giới và trong nước dự báo tiếp tục biến động trong năm 2025 do cả các yếu tố thúc đẩy và hạn chế đan xen nhau. Bài viết nhằm tổng quan thị trường vàng trong nước và thế giới năm 2025 và đưa ra một số dự báo về thị trường vàng năm 2025.
Tổng quan thị trường vàng năm 2024
Giá vàng thế giới năm 2024
Năm 2024 là năm biến động mạnh với cả giá vàng thế giới, kết thúc ở mức 2.627,30 USD/oz vào ngày 31/12/2024, tăng hơn 26% so với đầu năm. Có thời điểm giá vàng gần chạm mức 2.790 USD/ounce (cuối tháng 10/2024) sau một loạt các đợt tăng giá kỷ lục diễn ra trong suốt cả năm. Chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ, căng thẳng địa chính trị và hoạt động mua vào mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương - dẫn đầu là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Lan - đã đẩy giá vàng lên mức kỷ lục vào năm 2024.
Diễn biến cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2024, giá vàng vẫn duy trì dao động trong biên độ hẹp quanh mức 2.000 USD. Các nhà đầu tư hạn chế đặt cược lớn, trong khi theo dõi sát sao tình hình địa chính trị và đánh giá tác động của các diễn biến kinh tế vĩ mô lên chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Vào cuối tháng 2/2024, vàng bắt đầu tăng tốc và tăng gần 10% trong tháng 3, đạt mức cao kỷ lục mới trên 2.200 USD. Áp lực bán đối với đồng USD, sự sụt giảm lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên đán đã thúc đẩy đà tăng của vàng khi quý I kết thúc. Đà tăng của vàng tiếp tục trong tháng 4 và vượt mức 2.400 USD trước khi điều chỉnh giảm trong nửa cuối tháng. Tuy nhiên, giá vàng vẫn kết thúc tháng với mức tăng hơn 2%.
Sự tăng lên bất ngờ của chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) ở Mỹ đã khiến các nhà đầu tư dự đoán Fed sẽ chậm lại việc xoay trục chính sách. Kết quả là, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng hơn 10% trong tháng 4/2024, hạn chế đà tăng của vàng.
Sang đến quý III/2024, các nhà đầu tư đổ xô trở lại vàng khi các ngân hàng trung ương bắt đầu cắt giảm lãi suất. Theo báo cáo hàng quý của Hội đồng vàng thế giới (WGC), tổng giá trị nhu cầu vàng toàn cầu lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 tỷ USD trong quý III/2024, chủ yếu do lực mua của nhà đầu tư. Không chỉ lập kỷ lục về giá trị, nhu cầu vàng toàn cầu cũng đạt mức cao chưa từng thấy trong quý III/2024, với 1.313 tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2024. Ngày 30/10/2024, giá vàng giao ngay lập đỉnh cao mới gần mức 2.790 USD/oz.
Trong quý IV/2024, giá vàng vẫn duy trì ở mức cao đến hết năm, tuy nhiên giá vàng cuối tháng 12/2024 đã giảm so với thời kỳ đỉnh cao vào tháng 10 (Hình 1). Chỉ số Dollar Index tăng 6,7% trong năm 2024, đạt mức cao nhất 2 năm ở 108 điểm, phản ánh sức mạnh của kinh tế Mỹ trong ngắn hạn. Điều này đã tạo áp lực lên giá vàng vào những tháng cuối năm. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đồng USD khó duy trì đà tăng dài hạn khi nợ công của Mỹ tăng mạnh và chính sách tài khóa của Tổng thống đắc cử Donald Trump dự kiến sẽ đẩy thâm hụt ngân sách lên mức cao hơn.


Hiệu suất của vàng đã vượt trội hơn hẳn so với hầu hết các loại tài sản khác trong năm 2024 (Hình 2). Hiệu suất của vàng tăng mạnh do các yếu tố chính sau: Thứ nhất, nhu cầu mạnh mẽ của ngân hàng trung ương và nhà đầu tư, bù đắp cho nhu cầu tiêu dùng đang giảm. Thứ hai, rủi ro địa chính trị gia tăng, cùng với một năm bầu cử bận rộn trên toàn thế giới. Thứ ba, đồng USD suy yếu và lợi suất thấp hơn.
Giá vàng trong nước
Trước xu hướng diễn biến giá vàng thế giới và nhu cầu của thị trường, giá kim loại quý trong nước cũng ghi nhận biến động mạnh trong năm 2024. Theo Tổng Cục Thống kê, chỉ số giá vàng tháng 12/2024 tăng 31,07% so với cùng kỳ năm trước; bình quân cả năm 2024 tăng 28,64%.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), giá vàng trong nước biến động tăng mạnh trong năm 2024 là do giá vàng thế giới liên tục tăng cao, cùng những khó khăn của các kênh đầu tư khác (bất động sản đóng băng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ảm đạm, lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp…) khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn. Ngoài ra còn có yếu tố tâm lý, kỳ vọng và có thể bao gồm cả hành vi thao túng thị trường.
Diễn biến cụ thể trong những tháng đầu năm, giá vàng SJC liên tục tăng với tốc độ nhanh chóng, có lúc vượt qua mốc 92 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã có thời điểm lên tới 20 triệu đồng/lượng, điều này phản ánh tâm lý đầu tư tích cực và nhu cầu cao từ thị trường. Đến tháng 5/2024, giá vàng miếng SJC đạt đỉnh cao, buộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải can thiệp để ổn định thị trường.
Tuy nhiên, sau các biện pháp can thiệp của NHNN, giá vàng SJC đã giảm mạnh trong tháng 5 và tháng 6/2024, chênh lệch giữa giá trong nước và quốc tế thu hẹp. Bước sang quý III và nửa đầu quý IV/2024, giá vàng trong nước tăng trở lại do áp lực từ thị trường quốc tế. Dù vậy, điểm tích cực là chênh lệch giữa giá bán vàng miếng trong nước so với giá thế giới đã giảm về chỉ còn 3-5 triệu đồng/lượng và duy trì suốt từ tháng 10/2024 đến hết năm. Tính đến ngày 24/12/2024, giá vàng miếng SJC được niêm yết ở mức khoảng 84,3 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 15% so với đầu năm 2024 và đánh dấu mức tăng mạnh nhất trong hơn 10 năm trở lại đây (Hình 3).
Giá vàng nhẫn cũng ghi nhận mức tăng đáng kể trong năm 2024 là khoảng 35%. Diễn biến giá vàng nhãn trong nước cũng theo sát diễn biến giá vàng thế giới. Cụ thể, giá vàng nhẫn trong nước có xu hướng tăng từ đầu năm 2024 và neo đỉnh vào cuối tháng 10/2024. Vào ngày 31/10/2024 giá vàng nhẫn SJC niêm yết ở mức 87,7-89,2 triệu đồng/lượng (mua - bán), đánh dấu mức cao nhất trong lịch sử của vàng nhẫn. Tính đến ngày 25/12/2024, giá vàng miếng và vàng nhẫn đều ở mức khoảng 84,3 triệu đồng/lượng, với mức tăng khoảng 15% cho vàng SJC và 35% cho vàng nhẫn so với đầu năm 2024.
Chính sách quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Trong năm 2024, NHNN đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ổn định thị trường vàng và thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. Một trong những động thái quan trọng là từ ngày 3/6/2024, NHNN bắt đầu bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại lớn: Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank, để các ngân hàng này cung ứng vàng trực tiếp đến người dân. Mục tiêu của biện pháp này là giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, đảm bảo sự ổn định của thị trường vàng.
Bên cạnh đó, NHNN đã phối hợp với các cơ quan chức năng như Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Thanh tra Chính phủ để tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng, nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu vàng, thao túng giá, trục lợi, góp phần ổn định thị trường vàng trong nước.
Ngoài ra, NHNN cũng thực hiện các phiên đấu thầu bán vàng miếng trực tiếp để bổ sung nguồn cung vàng miếng SJC cho thị trường, nhằm kiểm soát chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức phù hợp.
Dự báo giá vàng trong nước và thế giới năm 2025
Năm 2025, nhiều chuyên gia cho rằng, nhiều giá vàng đối mặt với tương lai không chắc chắn do (1) bất ổn địa chính trị toàn cầu vẫn tiếp diễn; (2) tác động từ chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), kéo theo biến động của đồng USD; (3) sức mạnh của kinh tế Mỹ, (4) chính sách của Tổng thống mới đắc cử Donald Trump, và (5) nhu cầu vàng vật chất từ các quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc, cùng với việc mua vào của các ngân hàng trung ương, được dự đoán sẽ nâng đỡ giá vàng. Các yếu tố trên sẽ có cả tác động thuận chiều và trái chiều đối với giá vàng. Cụ thể:
Bất ổn địa chính trị toàn cầu: Tình hình bất ổn địa chính trị như xung đột Israel-Hamas và căng thẳng Nga-Ukraine đang tạo ra một môi trường đầy rủi ro. Vàng - với vai trò là tài sản trú ẩn an toàn, tiếp tục thu hút dòng vốn lớn từ các nhà đầu tư quốc tế. Nếu căng thẳng địa chính trị không hạ nhiệt, giá vàng có thể còn tăng cao hơn dự báo.
Xu hướng chính sách tiền tệ năm 2025: Ngày 19/12/2024, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hạ lãi suất lần thứ ba liên tiếp, nhưng phát đi tín hiệu thận trọng về tương lai. Fed cũng báo hiệu sẽ chỉ hạ lãi suất hai lần trong năm 2025, giảm một nửa so với dự báo hồi tháng 9, theo biểu đồ dot-plot - biểu đồ thể hiện kỳ vọng về lãi suất tương lai của từng thành viên. Trong khi đó, ECB đã hạ lãi suất 4 lần, từ 4% xuống còn 3% trong khoảng thời gian từ tháng 6/2024 đến tháng 12/2024, và các nhà kinh tế dự báo ECB có thể hạ tiếp 1 điểm % nữa trong năm 2025. Nếu Fed hạ lãi suất như dự kiến trong năm 2025, đồng USD có thể giảm giá và thúc đẩy giá vàng tăng.
Triển vọng kinh tế Mỹ: Nền kinh tế Mỹ mạnh lên sẽ tác động tích cực tới giá trị đồng USD, giảm động cơ đầu tư vàng, và ngược lại. Phần lớn các dự báo hiện nay (IMF, 2024 và OECD, 2024) đều cho rằng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng ổn định trong năm 2025, nhưng với tốc độ chậm lại so với mức cao đã đạt được vào năm 2024).
Chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump: Các tuyên bố của Trump trong chiến dịch tranh cử của mình cho thấy có khả năng áp thuế cao hơn đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và hàng hóa nhập khẩu của các quốc gia khác. Mặt khác, chính sách giảm thuế trong nước của ông Trump sẽ thúc đẩy kinh tế Mỹ tăng trưởng và thu hút FDI về Mỹ. Những tác động trên có thể khiến cho đồng USD mạnh lên và tạo áp lực giảm giá vàng. Tuy nhiên, nếu chính sách của ông Trump gây bất ổn đối với kinh tế Mỹ và kinh tế thế giới, nhu cầu nắm giữ vàng để phòng ngừa rủi ro có thể tăng lên.
Nhu cầu vàng thế giới: Nhu cầu vàng của châu Á, chiếm hơn 60% nhu cầu hàng năm của thế giới, vẫn rất quan trọng. Trung Quốc và Ấn Độ là những thị trường vàng lớn nhất thế giới và nhu cầu của nhà đầu tư ở 2 nước này đã góp phần giúp đẩy vàng lên mức cao kỷ lục trong năm 2024. Theo Hội đồng vàng thế giới WGC, hoạt động mua của khu vực ngân hàng trung ương có khả năng vẫn là động lực cốt lõi thúc đẩy giá vàng trong năm 2025. Dù cầu của khu vực này trong năm 2025 vẫn mạnh dù không bằng mức cao hơn 1.000 tấn của những năm trước đó. WGC dự báo, nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương sẽ đạt hơn 500 tấn vào năm tới và sẽ tác động tích cực đến giá kim loại quý này.
Dựa trên dự báo của các tổ chức quốc tế, có thể chia ra ba kịch bản giá vàng năm 2025 như sau:
Kịch bản 1: Giá vàng phục hồi chậm trong năm 2025.
Kịch bản này được đưa ra dựa trên giả định các rủi ro đối với kinh tế, địa chính trị toàn cầu tiếp tục tăng, xu hướng nới lỏng của các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục diễn ra như đã công bố, và nhu cầu thị trường tăng. Tuy nhiên, thị trường vàng sẽ gặp thách thức nếu các ngân hàng trung ương lớn, đặc biệt là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đảo ngược chu kỳ giảm lãi suất để ứng phó trong trường hợp lạm phát trỗi dậy. Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) dự báo giá vàng trong năm 2025 sẽ tiếp tục tăng, nhưng với tốc độ chậm hơn so với năm 2024. Theo WGC, nếu các điều kiện thị trường hiện tại được duy trì, giá vàng sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi nhu cầu từ các ngân hàng trung ương và nhà đầu tư tìm kiếm tài sản an toàn. Tuy nhiên, mức tăng có thể không mạnh mẽ như năm trước đó.
Kịch bản 2: Giá vàng tăng mạnh trong năm 2025.
Goldman Sachs, một tập đoàn tài chính toàn cầu, nhận định rằng giá vàng có thể tăng lên 3.000 USD/ounce vào năm 2025. Nguyên nhân chính được cho là sự gia tăng mạnh mẽ trong nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất. Goldman Sachs lý giải rằng nhiệm kỳ thứ hai của cựu Tổng thống Donald Trump có thể tạo điều kiện thúc đẩy giá vàng, đặc biệt khi căng thẳng địa chính trị gia tăng và các lo ngại về tính bền vững tài chính của Mỹ trở nên nghiêm trọng hơn. Đồng thời, các ngân hàng trung ương có thể tiếp tục xem vàng là một tài sản trú ẩn an toàn và gia tăng mua vào. Theo J.P. Morgan (một trong những ngân hàng và tổ chức tài chính lớn nhất thế giới, có trụ sở tại New York, Mỹ), giá vàng có thể đạt mốc 3.000 USD/ounce vào cuối năm, với mức trung bình cả năm là 2.950 USD.
Kịch bản 3: Giá vàng giảm so với năm 2024.
Các nhà phân tích tại BMI, một đơn vị của Fitch Solutions, dự báo giá vàng có thể giảm giá đáng kể trong năm 2025. BMI dự báo giá vàng năm 2025 sẽ biến động trong phạm vi từ 2.200 đến 2.600 USD/ounce cho đến hết quý I. Phân tích cho thấy giá vàng bắt đầu giảm kể từ khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, trong khi đó, các yếu tố hỗ trợ cho vàng đang ngày càng giảm. Trong thời gian tranh cử, ông Trump nhiều lần khẳng định sẽ đánh thuế mạnh lên các mặt hàng trong nhiệm kỳ của mình. Việc đánh thuế cao sẽ khiến đồng USD gia tăng sức mạnh, điều này hoàn toàn bất lợi cho giá vàng. Mặc dù BMI dự kiến đồng USD vẫn mạnh trong giai đoạn đầu, nhưng nó có thể yếu đi khi các tài sản rủi ro toàn cầu hoạt động tốt. Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị, bao gồm chiến sự Nga-Ukraine, xung đột Trung Đông và tranh chấp thương mại gia tăng dưới thời tổng thống Trump sẽ hỗ trợ phần nào đó cho vàng như một nơi trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, những yếu tố này không đủ sức mạnh giúp vàng tăng giá trong năm 2025. Mặc dù kỳ vọng lạm phát trong năm 2025 sẽ giảm, điều này có lợi với nhà đầu tư vàng. Song, rủi ro liên quan đến thương mại có thể thúc đẩy áp lực lạm phát cục bộ. Triển vọng chung cho thấy sức hấp dẫn của vàng như một công cụ phòng ngừa lạm phát sẽ chậm lại. Một yếu tố cần lưu ý là sự cạnh tranh từ thị trường tiền điện tử. Bitcoin và các loại tiền số khác đang ngày càng phổ biến, đặc biệt trong giới đầu tư trẻ tuổi.
Trong 3 kịch bản trên, Kịch bản 1 có nhiều khả năng xảy ra nhất. Đa số các dự báo hiện nay cho rằng giá vàng vẫn có xu hướng tăng trong năm 2025 do các yếu tố hỗ trợ đà tăng giá vàng vẫn hiện hữu, như bất ổn địa chính trị toàn cầu, các rủi ro với kinh tế thế giới tăng, xu hướng nới lỏng tiền tệ và nhu cầu vàng của các nền kinh tế đang phát triển tăng cao. Tuy nhiên, nhiều khả năng giá vàng sẽ tăng trong nửa đầu năm và sẽ chịu áp lực giảm từ quý III trở đi.
Tại Việt Nam, giá vàng trong nước vẫn phụ thuộc chặt chẽ vào giá vàng thế giới. NHNN đã thành công trong việc thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới trong năm 2024. Vì vậy, năm 2025, giá vàng trong nước nhiều khả năng sẽ tiếp tục biến động “đồng pha” với giá vàng quốc tế nhờ vai trò điều tiết hiệu quả của nhà điều hành. Tuy nhiên, nếu thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, thị trường trái phiếu cần thêm thời gian lấy lại niềm tin thì người dân sẽ có xu hướng tích trữ vàng, khiến giá vàng tăng cao hơn dự kiến.
Tài liệu tham khảo:
- Đức Anh (2025), “ECB bị chỉ trích chậm hạ lãi suất”, https://vneconomy.vn/ecb-bi-chi-trich-cham-ha-lai-suat.htm;
- Khánh Lan (2024), “Giá vàng năm 2025 dự báo tăng chậm lại khi chính sách tiền tệ nới lỏng”, https://thesaigontimes.vn/gia-vang-nam-2025-du-bao-tang-cham-lai-khi-chinh-sach-tien-te-noi-long/;
- Khương Duy (2025), “Chuyên gia dự báo bất ngờ về giá vàng năm 2025”, https://laodong.vn/tien-te-dau-tu/chuyen-gia-du-bao-bat-ngo-ve-gia-vang-nam-2025-1444482.ldo;
- World Gold Council (2024), “Global Outlook 2025: Navigting rates, risks and growth”, https://www.gold.org/goldhub/research/gold-outlook-2025#table-1;
- World Gold Council (2025), “Gold’s 2024 performance best in 14 years”, https://www.gold.org/goldhub/gold-focus/2025/01/golds-2024-performance-best-14-years.