Tổng quan về các mô hình thị trường các-bon trên thế giới
Nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, các quốc gia trên thế giới đã và đang xây dựng, triển khai các công cụ định giá các-bon, trong đó có hai công cụ chủ yếu là thuế các-bon và thị trường các-bon. Trong đó, thị trường các-bon đang được sử dụng phổ biến để thúc đẩy hoạt động mua và bán quyền phát thải các-bon.
Thời gian qua, Liên Hợp quốc đã tổ chức nhiều hội nghị về biến đổi khí hậu để tìm ra các phương án hiệu quả trong việc giảm phát thải khí nhà kính, nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu. Hội nghị Thượng đỉnh Trái Đất diễn ra tại thành phố Rio de Janeiro đã thông qua Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) với mục tiêu nhằm ổn định nồng độ các khí nhà kính trong khí quyển.
Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 đã thông qua Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, văn bản pháp lý toàn cầu đầu tiên ràng buộc trách nhiệm của tất cả các quốc gia trong ứng phó với biến đổi khí hậu và thay thế Nghị định thư Kyoto.
Để đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo Thỏa thuận Paris, các quốc gia đã và đang xây dựng, triển khai các công cụ định giá các-bon. Trên thực tế, thị trường các-bon trên thế giới tồn tại dưới ba hình thức: thị trường các-bon quốc tế trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC); thị trường các-bon quốc tế tự nguyện; thị trường các-bon nội địa. Cụ thể:
Thị trường các-bon trong khuôn khổ UNFCCC
Nghị định thư Kyoto của UNFCCC chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 16/02/2005. Để đạt được mục tiêu cuối cùng của UNFCCC trong việc ổn định nồng độ khí nhà kính trong khí quyển ở mức có thể ngăn ngừa sự can thiệp nguy hiểm của con người đối với hệ thống khí hậu và giúp các nước phát triển tuân thủ cắt giảm phát thải khí nhà kính định lượng, Nghị định thư Kyoto đưa ra 3 cơ chế mềm dẻo là: Cơ chế đồng thực hiện (JI); Cơ chế mua bán quyền phát thải (ET) và Cơ chế phát triển sạch (CDM) được thực hiện đến năm 2020.
Cơ chế đồng thực hiện (JI) cho phép các Bên/nước thuộc Phụ lục I (Nhóm các nước công nghiệp phát triển) của Nghị định thư được thực hiện các dự án giảm phát thải/hấp thụ khí nhà kính tại các Bên/nước khác thuộc Phụ lục I. Đơn vị giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận trong cơ chế JI là ERU.
Cơ chế mua bán quyền phát thải (ET) cho phép các Bên/nước thuộc Phụ lục I của Nghị định thư thu được các đơn vị giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận (AAU) từ các Bên/nước khác thuộc Phụ lục I có khả năng giảm phát thải dễ dàng hơn.
Cơ chế phát triển sạch (CDM) cho phép các Bên/nước thuộc Phụ lục I của Nghị định thư thực hiện các dự án nhằm giảm phát thải/ hấp thụ khí nhà kính và phục vụ phát triển bền vững tại các nước đang phát triển (các Bên/nước không thuộc Phụ lục I). Đơn vị giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận trong cơ chế CDM là CER.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2013 tới nay, có hơn 800 dự án và chương trình được đăng ký và tỉ lệ số dự án và chương trình được đăng ký giảm dần theo từng năm. Lý do chính của việc giảm các dự án được đăng ký là do Bản sửa đổi, bổ sung Doha cho giai đoạn sau 2020 chưa có hiệu lực thi hành, dẫn tới cam kết giảm phát thải khí nhà kính của các quốc gia thuộc Phụ lục I của Nghị định thư chưa được thực thi (theo quy định của UNFCCC, phải có ít nhất 144 Bên nước tham gia thực hiện phê duyệt/phê chuẩn thì Bản sửa đổi, bổ sung Doha mới có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, theo thống kê của Liên hợp quốc thì đến nay mới chỉ có 140 Bên tham gia, trong đó có Việt Nam).
Thị trường các-bon quốc tế tự nguyện
Trong khi thị trường các-bon quốc tế trong khuôn khổ UNFCCC được thành lập để các quốc gia mua bán tín chỉ các-bon với nhau, thị trường các-bon quốc tế tự nguyện nhắm đến nhu cầu tự nguyện giao dịch tín chỉ các-bon để doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội, cải thiện hình ảnh trước công chúng của.
Thị trường các-bon nội địa
Bên cạnh việc mua các tín chỉ các-bon từ nước ngoài để bù đắp lượng thiếu hụt về cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính của mình, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã thiết lập một hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính trong nước (thị trường các-bon nội địa hoặc thị trường các-bon tuân thủ). Đây là công cụ hướng tới việc đặt mức trần phát thải khí nhà kính cho các doanh nghiệp trong nước để đạt được mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia, đồng thời cũng khuyến khích các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, áp dụng các biện pháp và công nghệ giảm phát thải khí nhà kính.
Để thiết lập một hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính trong nước, cơ quan chính phủ hoặc liên chính phủ có nhiệm vụ phân bổ, hoặc giao bán một số lượng hữu hạn các hạn ngạch phát thải khí nhà kính (thường được quy định là tấn CO2tđ) trong một khoảng thời gian. Các doanh nghiệp phát thải nhiều hơn sẽ phải mua hạn ngạch từ những bên có nguyện vọng bán lại. Theo đó, bên mua sẽ phải trả các chi phí phát sinh do tăng mức phát thải, ngược lại bên bán sẽ được hưởng lợi từ cắt giảm phát thải khí nhà kính.
Thị trường các-bon trong nước được các chính phủ thành lập như một phương tiện để đạt được các mục tiêu giảm thiểu các-bon của quốc gia. Các thị trường này hoạt động trên cơ sở bắt buộc, mang tính pháp lý, thực hiện theo luật/quy định, các doanh nghiệp phải tham gia vào thị trường một cách bắt buộc, không có lựa chọn không tham gia và phải đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải các-bon nhất định. Các giao dịch mua bán, trao đổi hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon trong thị trường các-bon tuân thủ được thực hiện thông qua Hệ thống mua bán phát thải (ETS).