Hoàn thiện Đề án phát triển thị trường các-bon

Minh Lâm

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện Đề án phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo mục tiêu tổ chức, vận hành thí điểm và chính thức đã đề ra;

Dù chưa lên sàn giao dịch nhưng Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng.
Dù chưa lên sàn giao dịch nhưng Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng.

Theo Đề án “Phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam” từ nay đến hết năm 2027, Việt Nam tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon... dự kiến năm 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ các-bon.

Ngày 2/5/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon nhằm thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định.

Chỉ thị của Thủ tướng nhằm hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với chi phí hợp lý, thúc đẩy phát triển, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và thu nhập của người dân tham gia các dự án giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời, Chỉ thị cũng mở ra cơ hội mới cho phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ: Công thương, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường khẩn trương ban hành kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực theo quy định tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ và tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo đạt mục tiêu cam kết theo NDC, hoàn thành trong quý III/2024.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện Đề án phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo mục tiêu tổ chức, vận hành thí điểm và chính thức đã đề ra; nghiên cứu đánh giá kinh nghiệm của các nước trong khu vực và quốc tế trong quá trình xây dựng, quản lý, vận hành, phát triển thị trường các-bon.

Theo TS. Nguyễn Phương Nam - Chuyên gia đánh giá của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Đề án này đang gấp rút triển khai, về mặt nguyên tắc một sàn giao dịch sẽ dễ dàng được thông qua đặc biệt trong xu thế phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, việc trao đổi, mua bán khá dễ dàng và thuận lợi. Tuy nhiên, để thiết lập được một hệ sinh thái bao gồm các bên liên quan từ bên đơn vị lưu ký, đăng ký mua bán tín chỉ cho đến những đơn vị khớp lệnh hoặc là môi giới, đòi hỏi sự hiểu biết sâu về sản phẩm đặc thù này.

“Bởi tín chỉ các-bon, một loại hàng hóa vô hình giống như cổ phiếu, để mua bán thuận lợi vẫn cần phải có nhiều quy định pháp lý, xác định rõ đơn vị sở hữu hay giá trị tài sản”, ông Nam cho biết.

Đánh giá về tiềm năng phát triển thị trường tín chỉ các-bon, ông Nam cho rằng, Việt Nam có nhiều cơ hội thu hút các nguồn lực tài chính xanh không chỉ tập trung vào hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, chống chịu với các hiện tượng thời tiết cực đoan, mà còn giúp giảm phát thải nhà kính.