Giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật và sàn giao dịch phát triển thị trường các-bon
Các cơ chế, chính sách của Việt Nam đã từng bước ghi nhận tầm quan trọng của việc phát triển thị trường các-bon trong nước cùng với việc tham gia thị trường quốc tế để trao đổi và bù trừ tín chỉ các-bon. Tuy nhiên, trước xu thế phát triển thị trường các-bon trên thế giới, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, thị trường các-bon...
Theo đánh giá của các chuyên gia, hệ thống pháp luật, thị trường các-bon của Việt Nam hiện chỉ đang quy định những vấn đề cơ bản của thị trường như giao nhiệm vụ hình thành hoặc đưa ra định nghĩa về các thành phần của thị trường các-bon.
Chẳng hạn như về đối tượng tham gia thị trường và hàng hóa giao dịch trên thị trường, trong các đối tượng tham gia thị trường theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, chưa quy định rõ về các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon và cũng chưa có quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí đánh giá, xác định tổ chức, cá nhân được đầu tư, kinh doanh trên thị trường.
Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách của Việt Nam cũng chưa có quy định cụ thể về các quyền và nghĩa vụ của các đối tượng tham gia thị trường. Đối với hàng hóa trên thị trường là tín chỉ các-bon, hiện nay mới chỉ có quy định về trình tự, thủ tục xác nhận tín chỉ các-bon mà chưa có quy định cụ thể về tiêu chí đánh giá, xác định tín chỉ các-bon đủ điều kiện để được giao dịch trên thị trường. Ngoài ra, tín chỉ các-bon và hạn ngạch phát thải có phải là một loại tài sản hay không cũng chưa được quy định rõ ràng, điều này có thể dẫn đến khó khăn cho việc lựa chọn pháp luật áp dụng khi có vấn đề tranh chấp phát sinh.
Cũng theo các chuyên gia, về hệ thống giao dịch phát thải (ETS), hệ thống pháp luật hiện hành chưa có quy định về cơ quan đăng ký phát thải nhằm thực hiện chức năng đăng ký, theo dõi quyền sở hữu hạn ngạch phát thải; chưa có quy định về tiêu chí, chỉ tiêu xác định mức độ tuân thủ nghĩa vụ của từng cơ quan, đơn vị, ngành liên quan để quản lý hiệu quả. Đồng thời, phương pháp tính chỉ số thể hiện xu hướng biến động của sàn giao dịch, việc thiết kế hệ thống giao dịch để triển khai, thực hiện cũng chưa được quy định cụ thể.
Về mức trần phát thải, khung pháp lý hiện nay chưa có quy định cụ thể loại mức trần phát thải áp dụng và mục tiêu, chi phí, cơ chế quản lý liên quan. Hiện nay, có hai loại mức trần phát thải là mức trần tuyệt đối và mức trần dựa trên cường độ phát thải. Trong đó, mức trần tuyệt đối đặt ra giới hạn trả trước về lượng phát thải được phép trong mỗi giai đoạn tuân thủ và là cách tiếp cận được áp dụng phổ biến nhất cho đến nay.
Trước xu thể phát triển thị trường các-bon trên thế giới, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện hoàn thiện khung khổ pháp luật với các nội dung trọng tâm sau:
Một là, rà soát các cam kết quốc tế của Việt Nam để đặt ra các mục tiêu, kế hoạch thực hiện cụ thể.
Hai là, học hỏi kinh nghiệm của các nước về hình thành thị trường các-bon, đặc biệt là các nước có hoàn cảnh, bối cảnh kinh tế - xã hội tương tự Việt Nam để xây dựng bức tranh tổng thể về thị trường các-bon dự kiến áp dụng tại Việt Nam. Sau đó, xác định các đối tượng tham gia và các vấn đề liên quan đến thị trường này để tham vấn ý kiến về nhu cầu và mong muốn của họ để xác định quy mô thị trường và các phương án thực hiện.
Ba là, rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và các văn bản quy phạm pháp luật dự kiến xây dựng, ban hành để tránh trùng lặp, thiếu thống nhất và xác định các khoảng trống pháp lý; từ đó hoàn thiện pháp luật đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra.