Từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng về sàn giao dịch cho phát triển thị trường các-bon

Khánh Chi

Trước những vấn đề cấp bách của hiện tượng thời tiết các đoan, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang xây dựng một số công cụ định giá các-bon. Đặc biệt phải kể đến thị trường các-bon nội địa – công cụ được nhiều quốc gia ưu tiên triển khai vì tính hiệu quả của công cụ này. Trước xu thế này, Việt Nam đã, đang tích cực hoàn thiện cơ sở hạ tầng về sàn giao dịch cho phát triển thị trường các-bon trong nước.

Thị trường các-bon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon...
Thị trường các-bon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon...

Thị trường các-bon trong nước là một trong những công cụ định giá các-bon hiệu quả được nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã và đang nghiên cứu xây dựng, triển khai. Theo đó, thị trường các-bon trong nước đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các quốc gia đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, mục tiêu theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định đã cam kết bằng cách cung cấp cơ chế khuyến khích giảm phát thải; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức tích cực tham gia thị trường và tạo thu nhập tài chính.

Trước tầm quan trọng và xu hướng đó, Việt Nam từng bước hoàn thiện khung pháp lý thúc đẩy phát triển thị trường các-bon nội địa, đặc biệt là đã cơ sở hạ tầng về sàn giao dịch cho phát triển thị trường các-bon trong nước.

Cụ thể, theo Điều 139 Luật bảo vệ môi trường 2020, thị trường các-bon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Để thực hiện được các hoạt động trên thị trường, cần thiết phải xây dựng sàn giao dịch hình thành trung tâm xử lý các giao dịch mua, bán tín chỉ các-bon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Theo đó, hiện nay tại Việt Nam, mô hình sàn giao dịch đang được tổ chức dưới các hình thức sau:

- Sàn giao dịch bất động sản (sàn giao dịch bất động sản): là nơi diễn ra các giao dịch về mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản. Sàn giao dịch bất động sản được thành lập bởi các công ty đáp ứng đủ điều kiện theo Điều 69 Luật Kinh doanh bất động sản ngày 25/11/2014 và Điều 24 Thông tư số 11/2015/TT-BXD ngày 30/12/2015 của Bộ Xây dựng quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản; việc thành lập và tổ chức hoạt động của sàn giao dịch bất động sản.

- Sàn giao dịch thương mại điện tử là website thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó (không bao gồm các website giao dịch chứng khoán trực tuyến) theo Khoản 9 Điều 3 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 và Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021.

- Hệ thống giao dịch hàng hóa thông qua Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV). Theo Quyết định số 1369/QĐ-BCT của Bộ Công Thương ngày 22/5/2020, MXV được phép niêm yết giao dịch một số mặt hàng thuộc nhóm kinh doanh có điều kiện (mặt hàng thuộc nhóm năng lượng và mặt hàng gạo). Hệ thống phần mềm giao dịch được MXV sử dụng là phần mềm CQG (hệ thống chuyển lệnh và lưu trữ dữ liệu do Công ty Công nghệ đa quốc gia CQG cung cấp) và vận hành hệ thống M-System để quản trị giao dịch.

- Hệ thống giao dịch chứng khoán bao gồm hệ thống giao dịch cho chứng khoán niêm yết và hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết, do Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và công ty con của Sở này tổ chức, vận hành theo Khoản 26 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019. Hiện nay, Việt Nam có 3 sàn chứng khoán lớn gồm HOSE, HNX và UPCOM do Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam quản lý và phát triển.

Ngoài sàn giao dịch thì còn có những yếu tố khác cần thiết để tạo lập cơ sở hạ tầng của thị trường các-bon như hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để thu thập, xử lý, quản lý, lưu trữ, cung cấp, kiểm tra thông tin và thẩm định kết quả thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đảm bảo tính minh bạch, tính chính xác và có thể kiểm chứng được. Hệ thống này giúp theo dõi và cải thiện hiệu quả việc thực hiện các mục tiêu và chính sách giảm nhẹ theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định.