Tổng thống Trump dọa tăng sức ép giữa lúc kinh tế Trung Quốc giảm tốc

Theo Khởi Vũ/doanhnhansaigon.vn

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 15/7 cho rằng, tốc độ tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc là bằng chứng cho thấy hàng rào thuế quan của Mỹ đang gây ra "tác động lớn".

Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Đồng thời, ông Trump cũng cảnh báo, Washington có thể tiếp tục tăng sức ép với Bắc Kinh, trong bối cảnh đàm phán thương mại song phương diễn tiến chậm chạp.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Trung Quốc, GDP quý II của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn quý I (6,4%) và cũng là mức tăng yếu nhất kể từ quý 1/1992. 

Ngoài ra, số liệu tháng 6 công bố vào cuối tuần trước cũng cho thấy, thương mại Trung Quốc đang giảm tốc, xuất khẩu đi xuống so với cùng kỳ năm ngoái do hàng rào thuế quan của Mỹ, trong khi nhập khẩu lao dốc vì nhu cầu nội địa giảm.

Tuy nhiên, các con số nói trên không nằm ngoài dự báo trước đó của giới phân tích, cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang phải hứng chịu những tác động tiêu cực từ cuộc thương chiến với Hoa Kỳ.

"Đây là lý do tại sao Trung Quốc sẽ muốn đạt thỏa thuận với Mỹ, và đồng thời cũng là lý do khiến họ ước bản thân không phá vỡ thỏa thuận lúc trước ngay từ đầu", ông Trump viết trên một dòng tweet.

Sau đó, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết, ông và Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer sẽ có cuộc điện đàm lần nữa với những người đồng cấp phía Trung Quốc trong tuần này, như một phần của các cuộc đàm phán thương mại được nối lại gần đây, hãng thông tấn Reuters đưa tin.

Một cuộc gặp trực tiếp bên lề vòng đàm phán cũng có thể sẽ diễn ra, ông Mnuchin nói thêm. "Nếu chúng tôi đạt bước tiến đáng kể, thì nhiều khả năng sẽ có cuộc gặp trực tiếp", ông Mnuchin phát biểu trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng, trước cuộc gặp mặt các bộ trưởng tài chính của G7.

Theo giới quan sát, Tổng thống Trump đang ngày một mất kiên nhẫn khi Trung Quốc chưa thực hiện điều mà ông xem là lời hứa mua thêm nông sản Mỹ, dù đàm phán đã nối lại.

Tại cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Osaka, cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều cho biết sẽ nối lại đàm phán song phương giữa hai nước, cũng như không áp thêm thuế nhập khẩu bổ sung lên hàng hoá của nhau trong thời điểm hiện tại. Phía Trung Quốc sẽ mua nông sản của Mỹ để tỏ "thiện chí"; đổi lại, Mỹ sẽ nới trừng phạt tập đoàn công nghệ Huawei.

Trả lời Fox Business Network, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết, Washington vẫn đang chờ Bắc Kinh đáp lại thiện chí, sau khi đã nới lỏng trừng phạt Huawei và tạm ngưng áp thêm thuế nhập khẩu. "Chúng tôi đang chờ Trung Quốc mua một lượng lớn nông sản, hàng hóa và dịch vụ của Mỹ. Hiện điều đó vẫn chưa diễn ra, song chúng tôi vẫn sẽ chờ", ông Kudlow nói.

Và, để gia tăng sức ép với Trung Quốc, ngày 15/7, ông Trump đã ký sắc lệnh yêu cầu các cơ quan liên bang mua các sản phẩm sử dụng nhiều hơn thành phần được sản xuất trong nước. Theo đó, sắc lệnh này sẽ dần đưa tỷ lệ linh kiện và thành phần sản xuất trong nước được sử dụng cho hàng hóa Mỹ từ 50% lên 75%. 

Tỷ lệ này đối với các sản phẩm thép và nhôm sản xuất tại Mỹ sẽ tăng từ 50% lên 95%, trong bối cảnh những lo ngại của Washington về sản lượng thép quá dồi dào của Trung Quốc - nước sản xuất thép lớn nhất thế giới, tiếp tục tăng lên.