TP. Hà Nội: Tìm giải pháp tháo gỡ khó cho các doanh nghiệp xuất khẩu
Trong 5 năm qua, Hoa Kỳ luôn trong số các thị trường xuất khẩu lớn nhất của TP. Hà Nội với tỷ trọng 17- 21,4%. 70% ngành xuất khẩu mũi nhọn của TP. Hà Nội xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Số liệu tại Hội nghị do Sở Công thương Hà Nội tổ chức ngày 11/4 cho thấy, trong 5 năm qua, Hoa Kỳ luôn trong số các thị trường xuất khẩu lớn nhất của TP. Hà Nội với tỷ trọng 17 - 21,4%. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 6,4%, cao hơn mức tăng bình quân của toàn Thành phố (4%/năm).
Ba tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội sang thị trường Hoa Kỳ đạt 787 triệu USD, chiếm 18,2% tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của Thành phố, tăng 112,3% so với cùng kỳ năm trước.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của TP. Hà Nội trong những năm qua có cơ cấu và tỷ trọng tương đối ổn định. Cụ thể, trong năm 2024, dệt may chiếm tỷ trọng 28%; máy thiết bị phụ tùng chiếm 27,5%; giày dép chiếm 3,4%; điện tử 2,6%; dây điện - dây cáp điện chiếm 3,8%, gỗ và nguyên liệu gỗ 2,2%.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ thị trường Hoa Kỳ của TP. Hà Nội đạt 1,3 tỷ USD trong năm 2024, chiếm tỷ trọng 3,2% tổng kim ngạch nhập khẩu của Thành phố. Trong 3 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này là 280 triệu USD, chiếm 2,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hà Nội.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, các ngành xuất khẩu mũi nhọn của TP. Hà Nội xuất khẩu 70% sang thị trường Hoa Kỳ. Do đó, việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng với hàng hóa nhập khẩu sẽ dẫn đến sự suy giảm xuất khẩu. Kéo theo đó, nguồn thu ngân sách và khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 8% năm 2025 và tăng trưởng xuất khẩu 7% mà Thành phố đặt ra bị ảnh hưởng.
Tính toán sơ bộ cho thấy, mức thuế mà Hoa Kỳ áp dụng có thể ảnh hưởng làm giảm tăng trưởng xuất khẩu 5- 7% và GRDP giảm 0,3- 0,5%.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội cũng nhận định, chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ có thể khiến Việt Nam nói chung và TP. Hà Nội nói riêng mất đi vị thế là điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài, đặc biệt với ngành công nghiệp xuất khẩu như điện tử, máy móc. Ngoài ra, doanh nghiệp và người lao động cũng bị ảnh hưởng.
Trước diễn biến trên, Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, các sở, ngành, doanh nghiệp cần theo dõi sát thông tin thị trường để có đối sách phù hợp; Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh; xúc tiến thương mại mở rộng thị trường.
Sở Công Thương Hà Nội cũng đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: giảm thuế giá trị gia tăng, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng; Các bộ, ngành cung cấp thông tin kịp thời cho doanh nghiệp và tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp nhiều nhất có thể.
Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2025 của Chi cục Thống kê Hà Nội vừa công bố, GRDP của Thủ đô quý I/2025 ước tính tăng 7,35% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất trong 5 năm gần đây. Trong đó, khu vực công nghiệp, xây dựng quý I ước tính tăng 5,54%, đóng góp 0,96 điểm % vào mức tăng GRDP.
Ngay từ tháng đầu năm, ngành Công nghiệp đã nỗ lực tăng trưởng tích cực với mục tiêu đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, 100% các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố mở xưởng hoạt động trở lại, nhanh chóng bắt tay vào sản xuất; 99,5% công nhân đi làm ngay ngày đầu của năm mới, đảm bảo sản xuất các đơn hàng trong nước và xuất khẩu, tiếp tục chuẩn bị cho đơn hàng trong quý II/2025.
TP. Hà Nội đang phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025. Việc các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn ở thị trường Hoa Kỳ có thể tác động đến mục tiêu tăng trưởng cả năm của TP. Hà Nội. Việc triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thích ứng là điều cần thiết và cần được thực hiện khẩn trương.